Chính phủ đang giao Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất mức điều chỉnh tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công, để thực hiện đồng thời với thời điểm cải cách tiền lương từ ngày 1/7 năm nay.
KHÔNG ĐỂ NGƯỜI VỀ HƯU THIỆT THÒI KHI TĂNG LƯƠNG
Xét yếu tố trượt giá vào điều chỉnh lương hưu và tăng trưởng kinh tế năm 2023, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề xuất mức tăng lương hưu từ ngày 1/7/2024 khoảng 8%.
Theo tính toán của cơ quan Bảo hiểm xã hội, nếu được thông qua, với mức điều chỉnh 8%, dự kiến 6 tháng cuối năm 2024, kinh phí thực hiện điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội từ ngân sách Nhà nước tăng khoảng 1.900 tỷ đồng.
Trường hợp điều chỉnh bổ sung đối với người nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng sau khi điều chỉnh theo mức 8% dưới 3,5 triệu đồng/tháng, thì kinh phí tăng thêm khoảng 50 tỷ đồng. Quỹ Bảo hiểm xã hội tăng khoảng 6.900 tỷ đồng, chưa bao gồm mức trích đóng bảo hiểm y tế.
Tuy nhiên, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho rằng cùng với thực hiện cải cách tiền lương của công chức, viên chức, thì mức lương hưu cần tăng tối thiểu đạt 15%, trên tinh thần cân đối hài hòa, không để người hưu trí vẫn gặp phải khó khăn, thiệt thòi sau khi cải cách.
Các chuyên gia cho rằng tăng lương hưu ở mức bao nhiêu là vấn đề cần cân nhắc thấu đáo dựa trên tình hình thực tiễn, song cần đảm bảo quyền lợi cho người về hưu.
Chia sẻ với VnEconomy, TS. Nguyễn Thị Lan Hương, Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học, Lao động và Xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), nhìn nhận mỗi phương án đề xuất của các bên đều dựa trên cơ sở, song ủng hộ mức đề xuất tăng ít nhất 15%.
Theo tính toán của Bộ Nội vụ, tiền lương trung bình của công chức, viên chức khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương sẽ cao hơn khoảng 30% so với thu nhập bình quân của lao động làm công hưởng lương (7,5 triệu đồng/tháng). Vì thế, bà Hương cho rằng nếu lương công chức tăng dự kiến 30% thì lương hưu cần tăng ít nhất thêm 15% là hợp lý.
Tiền lương đóng bảo hiểm để làm căn cứ tính lương hưu cũng cần thay đổi để có mức đóng phù hợp, tính toán đến mức tăng thu nhập, đời sống của người dân…
“Phương pháp tính lương hưu của chúng ta hiện nay là phương pháp dòng chảy, tức là chi phí để trả cho người hưởng hiện hành thực chất là dựa trên mức đóng của người đang tham gia bảo hiểm xã hội hôm nay. Khi điều chỉnh tăng lương thì đồng nghĩa với mức đóng bảo hiểm xã hội của những người đang tham gia hiện hành cũng sẽ tăng lên. Đây chính là nguồn đầu vào của quỹ hưu trí”, chuyên gia lí giải.
Theo vị chuyên gia, bản chất của lương hưu là tổng tiền đóng của hôm nay sẽ dùng để chi trả cho những người đang hưởng lương hưu ở thời điểm hiện tại. Cho nên khi Chính phủ quyết định tăng lương vào ngày 1/7, thì cần điều chỉnh mức tăng cho người về hưu phù hợp, đảm bảo một mức hợp lí so với mức tăng của công chức. Đặc biệt, cần chú ý đến nhóm đang có mức lương hưu thấp.
Thực tế, việc chênh lệch mức hưởng lương hưu giữa các nhóm là khó tránh khỏi, bởi mức hưởng dựa trên nguyên tắc đóng – hưởng, do đó nếu cùng nhân với một hệ số điều chỉnh giống nhau thì khoảng cách tạo ra càng lớn. Tức những người có lương hưu cao sẽ nhận mức hưởng càng cao, và những người lương hưu thấp sẽ bị điều chỉnh thấp hơn.
Vì thế, chuyên gia nêu quan điểm cần xác định một mức sàn lương hưu tối thiểu đáp ứng nhu cầu đời sống. Nếu lương hưu thấp hơn mức này, Nhà nước cần điều chỉnh bằng số tiền tuyệt đối thay vì tăng theo tỷ lệ % để bù đắp cho họ.
“Cần chia thành các nhóm điều chỉnh lương hưu khác nhau, mục tiêu là đảm bảo cho mọi người đều hưởng lợi từ việc tăng lương này, và không ai bị bỏ lại phía sau”, bà Hương nhấn mạnh.
CHUẨN BỊ CÁC ĐIỀU KIỆN KỸ CÀNG KHI TĂNG LƯƠNG
Hiện các mức tăng mới chỉ là đề xuất của các bên, mức cuối cùng sẽ phải chờ Chính phủ quyết định, song một vấn đề “đến hẹn lại lên” luôn được lo ngại là lương chưa tăng, giá đã tăng.
Về vấn đề này, TS. Nguyễn Thị Lan Hương nói rằng “khó tránh khỏi”. Thậm chí, chỉ mới có thông tin chuẩn bị tăng lương là mọi giá cả đã rục rịch tăng theo. Do đó, theo chuyên gia, hạn chế việc này cần đảm bảo việc tăng tiền lương là tăng thực tế chứ không phải trên danh nghĩa. “Nếu tăng theo kiểu chỉ cho tiền vào lưu thông trên thị trường thì sẽ tạo ra tăng giá. Ngoài ra việc tăng giá còn do tác động của tâm lý”, vị chuyên gia nhìn nhận.
Thực tế, bao giờ giá cũng tăng trước khi tăng lương, nhưng khi đã đưa chính sách vào thực tiễn thì giá sẽ không tăng, thậm chí chững lại.
“Không có phương án nào không có tác động đi liền. Tuy nhiên, tôi cho rằng khi chúng ta có sự chuẩn bị kỹ càng về mặt tài chính, đảm bảo việc tăng lương là tăng thực, đặc biệt là truyền thông tốt thì sẽ hạn chế, hoặc giảm tối thiểu được các tác động không mong muốn, nhất là tâm lý tăng giá khi tăng lương”, TS. Nguyễn Thị Lan Hương cho hay.
Cũng từng nhiều năm nghiên cứu chính sách an sinh, Nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân cho rằng tâm lý của người về hưu thì luôn mong muốn có mức tăng cao để giảm bớt khó khăn trong đời sống, nhưng tăng ở mức bao nhiêu cần tính toán trên nhiều yếu tố và phù hợp với tình hình thực tế.
Dựa trên nguyên tắc đóng - hưởng của bảo hiểm xã hội, người đóng bảo hiểm xã hội càng cao thì sau này tất yếu phải được hưởng mức lương hưu cao. Do đó, với nhóm đối tượng có lương hưu thấp, Nhà nước cần có mức hỗ trợ thêm để cải thiện cuộc sống của người về hưu. Đặc biệt, cần chú ý mức điều chỉnh lương với nhóm về hưu trước năm 1995.
Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, những người đã có thời gian làm việc, cống hiến trong khu vực Nhà nước giai đoạn trước năm 1995 có mức hưởng thấp hơn so với mặt bằng chung.
Thực tiễn thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội đối với đối tượng hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng từ trước ngày 1/1/1995 cho thấy, mức lương hưu, trợ cấp hằng tháng đã được xác định dựa trên thời gian công tác thực tế, và mức tiền lương tháng trước khi nghỉ việc của người lao động.
Tuy nhiên, với đặc thù của chính sách tiền lương giai đoạn trước năm 1995, cùng với các quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội tại thời điểm đó, phần lớn người lao động nghỉ hưu, nghỉ việc theo chế độ mất sức lao động với thời gian làm việc ngắn và mức tiền lương trước khi nghỉ việc thấp. Từ đó ảnh hưởng đến mặt bằng chung về mức hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng của nhóm đối tượng này.
Ngoài ra, một số nhóm đối tượng đã dừng hưởng theo quy định, sau đó được Nhà nước ban hành chính sách cho tiếp tục hưởng trợ cấp hằng tháng từ nguồn ngân sách Nhà nước, nên mức hưởng khá thấp so với mặt bằng chung.
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, từ năm 1995 đến nay, Nhà nước đã thực hiện 23 lần điều chỉnh lương hưu. Mức hưởng lương hưu không phải mức cố định tại thời điểm nghỉ hưu mà định kỳ được điều chỉnh tăng theo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và tăng trưởng kinh tế để đảm bảo cuộc sống của người nghỉ hưu.
Về nguyên tắc bảo hiểm xã hội, mức hưởng bảo hiểm xã hội được tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng và có sự chia sẻ giữa những người tham gia. Mức hưởng lương hưu tỷ lệ thuận mới mức đóng bảo hiểm xã hội, thời gian đóng, nghĩa là mức đóng càng cao, thời gian đóng càng dài thì mức hưởng lương hưu sẽ cao hơn.