Chị Bùi Lan Phương (Cầu Giấy, TP. Hà Nội) cho biết trước “bão” thông tin về Temu từ mạng xã hội, chị đã cài đặt ứng dụng của sàn thương mại điện tử mới này và thử so sánh với giá bán tại một số sàn đang hoạt động ở Việt Nam. Chẳng hạn, thử tìm một vài món hàng trên hai ứng dụng Temu và S., chị Phương cho biết: Hầu hết các sản phẩm được các nhà bán hàng trên 2 sàn dùng chung 1 ảnh giới thiệu sản phẩm, nhưng giá trên Temu có khi cao hơn so với sàn S., có vẻ như Temu sử dụng hiệu ứng khuyến mãi ảo.
Cùng nhận định với chị Châu, nhiều người dùng chung ý kiến rằng giá cả trên Temu không rẻ, thậm chí còn cao hơn giá cùng sản phẩm đó trên một vài sàn tại Việt Nam. Theo thống kê mới đây của YouNet Media, số người thất vọng về giá cả trên Temu chiếm hơn 10% lượng thảo luận. Nhiều ý kiến thẳng thắn nêu: “Soi giá thì thấy cũng chưa rẻ”, “Chính sách bảo hành, đổi trả không rõ ràng”, “Liệu có rủi ro bảo mật tài khoản khi cung cấp thông tin thẻ tín dụng hay không?”...
Theo lý giải của các chuyên gia trong lĩnh vực thương mại điện tử, sở dĩ hàng trên sàn Temu giá thấp là do Temu đã áp dụng một loại hình kinh doanh không giống với truyền thống, cũng rất khác với các sàn thương mại điện tử khác là mô hình M2C. Hiểu nôm na, đây là mô hình kinh doanh loại bỏ khâu trung gian như nhà nhập khẩu và nhà phân phối, bán lẻ, quảng cáo. Hàng hóa đi thẳng từ các nhà sản xuất đến tay người tiêu dùng nên tiết kiệm được rất nhiều chi phí từ các khâu trung gian.
Thêm nữa, Temu cũng có cách tiếp cận độc đáo, khác lạ so với các sàn khác là trợ cấp chi phí vận chuyển, tức Temu chịu chi phí vận chuyển cho khách hàng, đặc biệt là giao hàng quốc tế. Dĩ nhiên, việc hàng trên Temu giá rẻ có đúng như chuyên gia phân tích hay vì lý do gì khác nữa thì phải cần thêm thời gian để xác tín. Bởi sàn này hiện vẫn còn quá mới lạ ở Việt Nam. Tuy vậy, có một vấn đề có thể nhìn thấy được ngay là sự rủi ro của người tiêu dùng khi mua hàng trên sàn thương mại điện tử này.
Khảo sát thực tế, khi truy cập vào trang web của Temu Việt Nam, người dùng hiện có thể thấy giao diện được thể hiện hoàn toàn bằng tiếng Việt, với các mục tìm kiếm sản phẩm, sản phẩm mới, đánh giá sản phẩm… một cách dễ dàng. Bên cạnh đó, dưới mỗi sản phẩm, giá sản phẩm đều được quy đổi sang tiền Việt Nam, kèm theo đánh giá từ khách hàng. Quá trình giao hàng tới Việt Nam cũng rất nhanh chóng, chỉ từ 4 đến 7 ngày, và Temu miễn phí vận chuyển cho tất cả đơn hàng.
Temu thu hút người tiêu dùng nhờ cung cấp các sản phẩm với giá rẻ ở nhiều danh mục, từ đồ điện tử, đồ gia dụng cho đến thời trang. Nhiều mặt hàng được giảm giá sâu, có sản phẩm giảm tới 2 - 3 lần so với giá gốc hoặc khuyến mại lên tới 90%. Ví dụ, một camera an ninh HD không dây được giảm giá tới 42%, chỉ còn 170.729 đồng, hay sản phẩm giày chạy bộ nữ siêu nhẹ AirMesh sale 87,9% từ hơn 1,8 triệu đồng xuống còn hơn 220 nghìn đồng...
Tuy nhiên, việc mua hàng giá rẻ trên Temu cũng đi kèm với nhiều rủi ro. Hiện tại, Temu chưa hỗ trợ hình thức thanh toán khi nhận hàng tại Việt Nam, đồng nghĩa với việc người dùng phải thanh toán trước khi nhận được sản phẩm. Temu chỉ chấp nhận thanh toán qua thẻ tín dụng hoặc Apple/Google Pay và chưa hỗ trợ các ví điện tử phổ biến khác. Điều này có thể dẫn đến rủi ro khi người mua đã thanh toán nhưng sản phẩm nhận được không đảm bảo chất lượng, hàng giả hoặc không đúng như mô tả.
Do lượng người bán và sản phẩm trên Temu rất lớn nên sàn thương mại điện tử này không kiểm soát được chất lượng của các sản phẩm bán ra. Một khảo sát của tổ chức chuyên đánh giá về uy tín của các doanh nghiệp trên toàn cầu TrustPilot cho thấy khoảng 15% người dùng Temu phàn nàn về chất lượng sản phẩm mà họ đã đặt mua.
Đặc biệt, một số gian hàng trên Temu còn sử dụng chiêu trò đánh lừa khách hàng bằng cách mô tả sản phẩm không chính xác. Chẳng hạn, sản phẩm bán ra chỉ là phần cánh quạt hoặc chân đế của một chiếc flycam, nhưng hình ảnh mô tả sản phẩm trên Temu là toàn bộ chiếc flycam đó, khiến nhiều người lầm tưởng flycam đang được bán với mức giá rẻ nên nhanh chóng đặt hàng, mà không nhận ra sản phẩm mình đang đặt mua chỉ là một phần linh kiện nhỏ.
Mặc dù Temu có chính sách đổi trả sản phẩm và hoàn tiền, nhưng do đây là sàn thương mại điện tử xuyên biên giới, với người bán đều từ Trung Quốc, nên quá trình đổi trả sản phẩm và hoàn tiền diễn ra không dễ dàng, mất nhiều thời gian. Nhiều người dùng sau khi nhận ra mình mua hàng không đúng như mô tả, hàng giả, kém chất lượng, nhưng vì giá trị món hàng không quá lớn, lại ngại quá trình đổi trả hàng phức tạp nên đã chấp nhận mất tiền. Do đó, người tiêu dùng cần hết sức cẩn trọng khi mua hàng trên sàn Temu để tránh "mua bực vào người".
Theo YouNet Media, từ ngày 25/9 đến 25/10, đề tài thảo luận về nền tảng Temu đã thu hút hơn 410 nghìn lượt tương tác từ hơn 7,1 nghìn bài đăng và 36,85 nghìn thảo luận trên các nền tảng mạng xã hội tại Việt Nam. Trước cơn sốt hàng giá rẻ trên Temu, ông Vũ Văn Trung, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng: "Chúng tôi thường xuyên khuyến cáo cho người tiêu dùng trên toàn quốc là hãy có một sự lựa chọn. Thứ nhất, lựa chọn sàn cho chuẩn, sàn đã được cấp phép vào Việt Nam. Thứ hai nữa là hàng hóa dịch vụ rất đa dạng, cho nên mình cũng phải cân nhắc lựa chọn, thấy là phù hợp và tin tưởng thì lựa chọn.
Còn nếu như thấy không tin tưởng, sự lựa chọn mình chứa đựng rủi ro, chúng tôi cho rằng hãy dừng lại. Việc các sàn thương mại điện tử nước ngoài sẽ vào nhiều hơn, bởi vì thị trường Việt Nam trở nên rất là “hot” và rõ ràng là sức tiêu thụ hàng hóa, nhất là hàng tiêu dùng hàng ngày thì rất lớn. Chúng tôi cho rằng về mặt quản lý nhà nước thì cũng phải siết chặt để chúng ta cố gắng có môi trường trong sạch cho người tiêu dùng".
Trong khu vực Đông Nam Á, trung tuần tháng 10 vừa qua, Indonesia đã yêu cầu Alphabet và Apple chặn ứng dụng Temu, nhằm ngăn người dùng tải xuống, dù chính quyền chưa ghi nhận bất kỳ giao dịch nào của người dân trên nền tảng này. Nêu lý do, Bộ trưởng Truyền thông Budi Arie Setiadi cho biết: "Chúng tôi không ở đây để bảo vệ thương mại điện tử, mà là để bảo vệ các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Có hàng triệu doanh nghiệp chúng tôi cần phải bảo vệ", ông nói. Không dừng lại đó, Jakarta tuyên bố sẽ chặn bất kỳ khoản đầu tư nào của Temu vào thương mại điện tử nước này.
Tương tự, một tháng sau khi đặt chân vào Thái Lan, Temu đối diện chính sách mới. Theo đó, từ tháng 7, nước này áp thuế giá trị gia tăng (VAT) 7% đối với tất cả gói hàng nhập khẩu có giá dưới 1.500 baht (42 USD), hiệu lực đến cuối tháng 12. Năm tới, luật mới sẽ cho phép cơ quan thuế tiếp tục thu thuế VAT đối với những sản phẩm đó. Trước đây, các kiện hàng dưới ngưỡng này được miễn thuế. Tờ Bangkok Post cho hay chính phủ hồi tháng 9 đã yêu cầu các cơ quan liên quan đảm bảo rằng Temu tuân thủ luật pháp địa phương và nộp thuế phù hợp.