October 22, 2024 | 12:05 GMT+7

Cần thành lập nhóm tư vấn độc lập để giúp doanh nghiệp tích hợp chuyển đổi số, chuyển đổi xanh

Việt An -

Các cơ quan có thẩm quyền thay vì bàn luận những mục tiêu chuyển đổi số, phát triển xanh thì nên ưu tiên tích hợp những yếu tố này vào một quá trình để giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp…

Chỉ khi đảm bảo được khả năng sinh tồn, các doanh nghiệp Việt Nam mới có thể tập trung vào các yếu tố như chuyển đổi số, phát triển bền vững. Ảnh minh họa.
Chỉ khi đảm bảo được khả năng sinh tồn, các doanh nghiệp Việt Nam mới có thể tập trung vào các yếu tố như chuyển đổi số, phát triển bền vững. Ảnh minh họa.

Tại hội thảo: “Cơ hội và thách thức trong bối cảnh mới: Doanh nghiệp phải làm gì” do Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) tổ chức mới đây, PGS.TS. Phan Đăng Tuất, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam (VASI), cho rằng giới chuyên gia và các cơ quan có thẩm quyền hiện nay không nên chỉ tập trung đến những mục tiêu “đẹp đẽ” trong nỗ lực theo đuổi các tiêu chí kinh tế số, kinh tế xanh mà bỏ quên những nhu cầu cấp thiết của doanh nghiệp trong nước, trong đó bao gồm cả những doanh nghiệp hỗ trợ.

Theo PGS.TS. Phan Đăng Tuất, sự cạnh tranh của những đối thủ nước ngoài tại thị trường trong nước, cũng như các biện pháp phòng vệ thương mại được các quốc gia nước ngoài áp dụng với sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam là những thách thức lớn đe dọa đến sự tồn vong của doanh nghiệp Việt.

“Đúng là câu chuyện số, chuyện xanh quan trọng, nhưng doanh nghiệp phải làm gì? Nếu doanh nghiệp chỉ làm cho có để thỏa mãn các tiêu chí phát triển xanh theo thời cuộc thì rất nguy hiểm”, Chủ tịch VASI cảnh báo; đồng thời nhấn mạnh rằng chỉ khi đảm bảo được khả năng sinh tồn, các doanh nghiệp nội địa Việt Nam mới có thể tập trung vào các yếu tố như chuyển đổi số, phát triển bền vững.

PGS.TS. Phan Đăng Tuất: "Nếu doanh nghiệp chỉ làm cho có để thỏa mãn các tiêu chí phát triển xanh theo thời cuộc thì rất nguy hiểm". Ảnh: VAFIE.
PGS.TS. Phan Đăng Tuất: "Nếu doanh nghiệp chỉ làm cho có để thỏa mãn
các tiêu chí phát triển xanh theo thời cuộc thì rất nguy hiểm". Ảnh: VAFIE.

Để giúp cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đối phó những thách thức trên, Chủ tịch VASI đề xuất các chuyên gia thành lập những nhóm tư vấn độc lập cho 2 đối tượng doanh nghiệp là nhỏ và vừa, lớn, vạch ra lộ trình chi tiết để giúp họ chống lại những thách thức trên, trong đó có thể ứng dụng yếu tố phát triển bền vững và chuyển đổi số như trí tuệ nhân tạo để tạo lợi thế cạnh tranh.

“Doanh nghiệp không nhìn câu chuyện theo hướng vĩ mô như chuyên gia, mà quan tâm tới những yếu tố trực diện ảnh hưởng khả năng sinh tồn của họ. Những yếu tố phát triển xanh, phát triển bền vững nên được tích hợp theo một lộ trình khả dĩ nhất để giúp họ chống lại những rủi ro có thể xảy ra”, PGS.TS. Phan Đăng Tuất nhấn mạnh. 

Trước đó, phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế mới Việt Nam 2024 do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức, ông Tim Evans, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam, cho biết hiện tại Việt Nam mới chỉ chi 1% GDP cho hoạt động chuyển đổi số. Trong khi đó, chi phí chuyển đổi số trung bình của mỗi doanh nghiệp là 27,5 triệu USD. 

“Ước tính, Việt Nam cần 270 tỷ USD để nền kinh tế chuyển đổi số (bao gồm cả khu vực công và doanh nghiệp)”, ông Tim Evans cho biết.

Theo HSBC, ước tính chi phí chuyển đổi sang Net Zero toàn cầu là 3,5 nghìn tỷ USD/năm. Trong khi đó, để chuyển đổi xanh đạt mục tiêu Netzero, riêng Việt Nam cần 400 tỷ USD đến 2040 để đưa phát thải ròng về 0. Trong đó, 2 lĩnh vực có tiềm năng lớn ở Việt Nam là điện gió và điện mặt trời.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate