May 20, 2022 | 09:49 GMT+7

Cần Thơ trở thành trung tâm nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Chu Khôi -

Một trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long ra đời tại Cần Thơ sẽ giúp các mặt hàng nông sản toàn vùng ổn định đầu ra, nâng cao giá trị nông sản thông qua chế biến…

Sơ đồ Trung tâm Liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Sơ đồ Trung tâm Liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Tại Hội nghị lấy ý kiến góp ý Đề án thành lập Trung tâm Liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long diễn ra ngày 19/5 tại Cần Thơ, hầu hết các đại biểu đều thống nhất quan điểm rằng cần phải triển khai thế nào để không bị chồng chéo, cạnh tranh với các trung tâm chế biến nông sản của từng tỉnh trong toàn vùng.

TRUNG TÂM LIÊN KẾT CHẾ BIẾN TIÊU THỤ NÔNG SẢN

Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 45/2022/QH15 (11/1/2022) về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ.

Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1/3/2022, sẽ khơi thông điểm nghẽn để Cần Thơ phát huy các tiềm năng, lợi thế, thu hút các nguồn lực để đầu tư vào những lĩnh vực thế mạnh, phát triển nhanh, bền vững, nhanh chóng trở thành đô thị trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với TP. Cần Thơ về quản lý tài chính, ngân sách Nhà nước; phân cấp quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, quy hoạch; chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đối với dự án nạo vét kếp hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An – Cần Thơ và xây dựng Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

 

Trung tâm Liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ sẽ có quy mô 3.300 ha tại phường Long Tuyền (quận Bình Thủy) và xã Giai Xuân (huyện Phong Điền). Trong đó, giai đoạn 1 (2022-2027) sẽ được triển khai trên diện tích 450ha. Giai đoạn 2 sẽ triển khai trong giai đoạn 2027-2050 với diện tích 2850 ha.

Là trung tâm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Cần Thơ có nhiều tiềm năng, thuận lợi để phát triển về nông nghiệp, công nghiệp, du lịch, kết nối giao thương và hợp tác quốc tế. "Việc thành lập Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ được kỳ vọng là bước đột phá lớn để giúp các địa phương trong vùng phát huy được thế mạnh về nông nghiệp vốn đang bị kìm hãm bởi quy mô sản xuất nhỏ lẻ, sản xuất chủ yếu thô, không có sức cạnh tranh và tiêu thụ hiện nay chủ yếu thông qua các thương lái bị ép giá và chịu nhiều rủi ro”, ông Trần Việt Trường nhấn mạnh.

Theo Dự thảo Đề án, đề ra kế hoạch trong năm 2022 sẽ trình Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Trung tâm, lựa chọn được nhà đầu tư hạ tầng và triển khai các thủ tục pháp lý về đất đai, xây dựng.

Năm 2023, TP Cần Thơ sẽ hoàn thành công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư và hạ tầng giao thông, điện nước, xử lý nước thải, chất thải khác có liên quan và cung cấp các dịch vụ cơ bản để đưa Trung tâm hoạt động.

Đồng thời, trong quá trình này sẽ xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc cấp giấy chứng nhận đầu tư đối với các doanh nghiệp vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Giai đoạn đầu sẽ tập trung cho sản xuất, chế biến tinh, hệ thống kho bãi, khu phi thuế quan của lĩnh vực nông nghiệp.

CẦN BỔ SUNG CƠ CHẾ PHỐI HỢP CẤP VÙNG

Về tài chính đầu tư thực hiện đề án, sẽ thu hút 100% vốn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước, thực hiện hoạt động theo mô hình hoạt động và quản lý tương tự khu công nghiệp theo quy định của pháp luật về khu công nghiệp và khu kinh tế. 

Trung tâm sẽ được kêu gọi đầu tư ở 4 lĩnh vực: xây dựng hạ tầng; nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ; sản xuất, chế biến và cuối cùng là cung ứng dịch vụ xuất khẩu nông sản và tiêu thụ.

Tại Trung tâm chỉ thu hút các nhà đầu tư có năng lực chế biến sâu có khả năng tạo ra các sản phẩm giá trị gia tăng cao hơn nhiều lần so với giá trị của nguyên liệu đầu vào tầm cỡ quốc tế.

 

"Quan điểm lập trung tâm cấp vùng ở Cần Thơ là để phát huy nông sản 13 tỉnh, thành trong vùng. Nhưng cần phải triển khai thế nào để không bị chồng chéo, cạnh tranh nhau? Các trung tâm điều phối nông sản ở các tỉnh sẽ kết nối với trung tâm cấp vùng ở Cần Thơ tạo thành một hệ thống. Vấn đề là cần tiếp tục nghiên cứu thêm cơ chế cho sự kết nối này”.

Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Cụ thể, từ các nguyên liệu lúa gạo tạo ra dược phẩm, mỹ phẩm hay những sản phẩm công nghệ cao khác. Những nhà máy chế biến tại Trung tâm là đầu mối của các chuỗi liên kết chế biến sơ cấp ở các địa phương và chế biến cao cấp ở Trung tâm trước khi xuất khẩu hay bán ra thị trường trong nước.

Cung ứng dịch vụ xuất khẩu nông sản Đồng bằng sông Cửu Long là hoạt động đặc trưng của Trung tâm, vì thế sẽ thu hút các nhà đầu tư sở hữu các giải pháp công nghệ cao, đặc biệt là công nghệ số tham gia cung cấp các dịch vụ này. Các nhà đầu tư nắm giữ chuỗi cung ứng nông sản toàn cầu là đối tượng đầu tiên cần nhắm đến.

Ông Trần Việt Trường cho biết thành phố sẽ không làm được gì nếu không có sự tham gia của các tỉnh trong vùng, vì vậy hội nghị nhằm lấy ý kiến chuyên gia và lãnh đạo các tỉnh để hoàn thiện đề án trước khi trình Chính phủ phê duyệt.

Theo ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, trong Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long vừa được Chính phủ phê duyệt, TP Cần Thơ là trung tâm vùng, còn các địa phương có trung tâm điều phối chuyên ngành như Kiên Giang có trung tâm điều phối về thủy sản, một số tỉnh thì có trung tâm trái cây, lúa gạo.

"Vì vậy, đây sẽ là trung tâm của các trung tâm. Mà theo đề án thì trung tâm này có chức năng chế biến sâu nông sản cả vùng. Rồi trung tâm ở các tỉnh có cần chế biến sâu không khi mà Cần Thơ đã có chế biến sâu?", ông Sử nêu câu hỏi.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Vương Quốc Nam cho rằng, ngoài 4 lĩnh vực kêu gọi đầu tư nêu trên, cần thêm lĩnh vực hỗ trợ dịch vụ và kết nối thị trường. "Các tỉnh đều có trung tâm, vì vậy cần có lĩnh vực nêu trên ở Cần Thơ để kết nối các trung tâm này" ông Nam đề xuất, đồng thời nhấn mạnh thêm, việc tổ chức thực hiện đề án là rất quan trọng, vì vậy cần bổ sung cơ chế phối hợp cấp vùng, trong đó đề xuất Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn là cơ quan chủ trì.

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Long An, nêu vấn đề: “Không thấy đề án phân công nhiệm vụ, vai trò của UBND các tỉnh trong vùng thế nào nên cần bổ sung. Do đó, nên có cơ chế phối hợp 13 địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long vào đề án này.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate