Trước thực trang đó, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) khuyến cáo người dân: Tuyệt đối không chuyển tiền cho bất cứ ai khi không có thông tin rõ ràng; Không cung cấp thông tin cá nhân dưới mọi hình thức; Tránh truy cập vào những đường dẫn lạ, tải ứng dụng lạ… Trường hợp nghi ngờ bản thân bị lừa đảo, người dân cần ngay lập tức báo cáo cho cơ quan chức năng hoặc tổ chức bảo vệ người tiêu dùng để được hỗ trợ, giải quyết và ngăn chặn kịp thời.
CẨN TRỌNG KHI NHẬN EMAIL CHÚC MỪNG GIÁNG SINH, NĂM MỚI
Dịp Giáng sinh đến gần cũng là lúc nhu cầu mời chào, quảng bá sản phẩm của các đơn vị bán hàng trở nên vô cùng lớn. Tuy nhiên, điều này lại trở thành điều kiện để các đối tượng xấu thực hiện hành vi lừa đảo.
Thủ đoạn của các đối tượng là lập email giả mạo, sử dụng logo của các sàn thương mại điện tử uy tín như Amazon, Shopee, Taobao,... Nội dung của những email này bao gồm thông báo về khuyến mãi sản phẩm, phần thưởng hoặc các voucher giảm giá với số lượng có hạn, chỉ có thể được sở hữu và có hiệu lực trong thời gian ngắn.
Những tấm thiệp này rất khó để có thể phát hiện bởi chúng thường được thiết kế một cách sặc sỡ, bắt mắt, không giống với giao diện của những email thông thường. Điều này sẽ khiến cho nạn nhân khó có thể xác minh, đối chiếu.
Ngoài ra, để biết thêm thông tin về các ưu đãi, nạn nhân sẽ bị dẫn dụ truy cập vào đường dẫn, website được đính kèm trong email. Sau khi truy cập, màn hình sẽ chuyển hướng tới trang web giả mạo, yêu cầu nạn nhân cung cấp các thông tin cá nhân, thông tin ngân hàng để đặt mua sản phẩm.
Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân đề cao cảnh giác khi nhận được những tin nhắn email với nội dung như trên; Kiểm tra kỹ địa chỉ email, xác minh nội dung của email thông qua các kênh uy tín và chính thống. Đặc biệt, tuyệt đối không truy cập vào các đường link lạ, không cung cấp các thông tin quan trọng khi thực hiện mua sắm tại các trang web không có địa chỉ URL chính thống, tên miền lạ hoặc không có chứng chỉ SSL…
MẠO DANH CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC ĐỂ LỪA ĐẢO SINH VIÊN
Gần đây một số trường đại học như: Bách Khoa, Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM), Công nghiệp TP.HCM, FPT,... phát đi cảnh báo đề cao cảnh giác trước các thông tin giả mạo, lừa đảo lên trang thông tin của trường. Có sinh viên đã bị lừa chuyển khoản tới 150 triệu đồng.
Cụ thể, Đại học Bách khoa TP.HCM nhận được phản ánh về thư mời họp mặt giao lưu sinh viên quốc tế tại Singapore. Thư mời này còn giới thiệu mức học bổng từ 25% - 100% theo từng tiêu chí. Điều đáng chú ý, phía trên thư mời giả mạo ghi là Bộ Giáo dục và Đào tạo nhưng ký tên dưới văn bản ghi thừa lệnh hiệu trưởng, trưởng phòng tổ chức hành chính - quản trị và dấu mộc lại hiển thị Sở Giáo dục và Đào tạo.
Tương tự, Đại học Công nghiệp TP.HCM cũng phát cảnh báo tình trạng giả mạo văn bản nhà trường mời họp mặt giao lưu sinh viên quốc tế với nội dung: "Chúc mừng sinh viên đủ điều kiện ghi danh vào khóa giao lưu sinh viên quốc tế tại Nhật Bản...", kèm thông tin về các mức học bổng (học tập và sinh hoạt phí) lên đến 100%.
Cục An toàn thông tin khuyến cáo các sinh viên chỉ thực hiện thanh toán học phí qua các kênh chính thức của trường; Tuyệt đối không chuyển tiền cho các cá nhân hoặc tài khoản ngân hàng không rõ nguồn gốc; Không truy cập vào các liên kết hoặc các tệp đính kèm trong tin nhắn, email hoặc những bài đăng đáng ngờ trên mạng xã hội…
CHIÊU TRÒ LỪA ĐẢO TUYỂN CỘNG TÁC VIÊN DỊP CUỐI NĂM
Các chiêu trò lừa đảo tuyển cộng tác viên online, thanh toán đơn hàng cho sàn thương mại điện tử hoặc các doanh nghiệp bán hàng không phải là mới. Tuy nhiên, với những “mồi nhử” hấp dẫn như được hưởng chênh lệch 10-20% trên mỗi đơn hàng. Mới đây, một người phụ nữ tại huyện Đan Phượng, TP Hà Nội, đã bị lừa gần 200 triệu đồng khi tham gia làm cộng tác viên online.
Thủ đoạn của đối tượng lừa đảo thường là tạo những tài khoản, hồ sơ mạng xã hội giả mạo, thường đưa các tin, bài quảng cáo trên các trang mạng xã hội. Khi bị hại liên hệ đến để kiếm việc làm, các đối tượng yêu cầu phải thanh toán đơn hàng trước rồi sẽ được nhận lại tiền gốc cộng thêm chiết khấu “hoa hồng”. Một đơn hàng thành công sẽ được hưởng “hoa hồng” từ 10% đến 20%.
Đối với những đơn hàng giá trị nhỏ, đầu tiên, nạn nhân sẽ được thanh toán kèm “hoa hồng” như đã hứa hẹn nhằm tạo lòng tin. Đến khi số tiền đặt các đơn hàng của bị hại ngày càng lớn, các đối tượng sẽ giở các chiêu trò, thủ đoạn chiếm đoạt tài sản của bị hại. Ngoài ra, các đối tượng còn sử dụng thủ đoạn thông báo đến bị hại trúng thưởng một giải thưởng lớn rồi dụ dỗ nạn nhân tham gia làm nhiệm vụ đặt đơn hàng, kiếm tiền online...
Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân nên tỉnh táo trước các lời mời tuyển cộng tác viên kiếm tiền hoa hồng với lợi nhuận cao. Khi làm cộng tác viên cho các công ty, doanh nghiệp, hoặc đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ, người dân cần kiểm tra kỹ thông tin về đơn vị cung cấp thông qua nhiều nguồn để xác minh tính chính xác; Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, hoặc mật khẩu trên các trang web không rõ nguồn gốc.
CHIÊU TRÒ MẠO DANH BÁN VÉ XE KHÁCH ĐỂ LỪA ĐẢO
Thủ đoạn chung của các đối tượng giả mạo đại lý bán vé, tự tạo ra các website, trang mạng xã hội, với địa chỉ đường dẫn, thiết kế tương tự kênh của các hãng hoặc đại lý chính thức. Khi người dân có nhu cầu đặt vé máy bay, vé tàu xe các đối tượng sẽ yêu cầu họ phải thực hiện theo các yêu cầu và đề nghị nạn nhân chuyển tiền từ 30% đến 100% giá vé niêm yết vào tài khoản của các đối tượng, sau đó các đối tượng sẽ chiếm đoạt số tiền trên của những người dân trên.
Sau khi nhận được số tiền đó các đối tượng sẽ chặn liên lạc với những người dân này và chuyển số tiền vừa nhận được đi qua nhiều tài khoản ngân hàng khác nhằm tránh sự phát hiện của cơ quan công an và các cơ quan chức năng khác.
Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân khi tiến hành đặt vé của các đại lý vé máy bay, vé tàu xe cần cẩn trọng, tìm hiểu kỹ để xác định chính xác các đại lý vé máy bay, hãng tàu xe là chính thống, hợp pháp, có địa chỉ rõ ràng và được đăng ký thực hiện theo quy định của Nhà nước.
Đặc biệt, trước khi tiến hành chuyển tiền đặt cọc để mua vé máy bay, vé tàu xe cần xác minh cụ thể số tài khoản nhận tiền đó có phải đúng của các đại lý vé máy bay, hãng tàu xe chính thống hay không, hay do các cá nhân lợi dụng hình ảnh, thông tin của các đại lý vé máy bay, tàu xe để lừa đảo người dân nhằm chiếm đoạt tiền của mình.