December 09, 2024 | 15:34 GMT+7

Những thủ đoạn lừa đảo, dụ dỗ góp vốn mua bất động sản giá gốc

Đỗ Mến -

Các đối tượng đưa thông tin sẽ xin được các suất mua với giá gốc, ưu đãi, đối ngoại. Các vụ đầu tư được tiến hành nhanh gọn, trong thời gian ngắn từ 5-10 ngày hứa hẹn chia lợi nhuận theo đợt khiến nhiều người góp tiền tỷ...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ngày 9/12, TAND TP Hà Nội xử phạt bị cáo Vũ Thị Đinh (SN 1986, cựu cán bộ công an) 17 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

DỤ GÓP VỐN MUA BẤT ĐỘNG SẢN GIÁ GỐC

Theo cáo trạng, năm 2022, Đinh xuất ngũ và làm nghề buôn bán hoa quả nhỏ lẻ. Do trước đó, Đinh có góp vốn để kinh doanh bất động sản song thua lỗ. Bản thân bị cáo còn khoản nợ khi mua căn hộ và phải trả lãi ngân hàng. Do muốn có tiền trả nợ, bị cáo nảy sinh ý định chiếm đoạt tiền bằng các thông tin gian dối.

Bị cáo rủ mọi người góp tiền chung vốn buôn bán hoa quả số lượng lớn, đầu tư buôn bán bất động sản… hứa hẹn trả lợi nhuận từ 8% góp vốn kinh doanh hoa quả và 5-25% mua bán bất động sản (biệt thự, nhà phân lô).

Tuy nhiên, sau khi nhận tiền, bị cáo không thực hiện theo cam kết mà lấy tiền người này trả cho người khác. Bằng phương thức trên, từ 22/9/2021 – 3/7/2023, bị cáo chiếm đoạt hơn 9,1 tỷ đồng của 14 người.

Trong các nạn nhân của Đinh có bà Nguyễn Thu H. (SN 1977, ở quận Bắc Từ Liêm). Qua giao tiếp, Đinh khoe có quen biết các cán bộ có nhiều mối quan hệ rộng nên thường xuyên có cơ hội được mua các căn biệt thự, nhà ở, đất chia lô theo dự án với giá ưu đãi.

Để bà H. tin tưởng, bị cáo gửi cho bà này hình ảnh giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của người khác đang nhờ mình bán. Bị cáo còn gửi hình ảnh sao kê tài khoản ngân hàng thể hiện việc có người góp vốn cùng.

Bà H. đã chuyển khoản cho Đinh hơn 13,3 tỷ đồng để góp vốn kinh doanh. Hiện bị cáo đã chuyển lại cho bà này hơn 12,1 tỷ đồng; còn chiếm đoạt hơn 1,2 tỷ đồng.

Tương tự, thông qua bà H., Đinh cũng nói với ông Nguyễn Đình Đỗ T. (SN 1975, ở quận Hoàng Mai) về việc bản thân biết nhiều thông tin về bất động sản.

Bị cáo nói sẽ xin được các suất mua với giá gốc, ưu đãi, đối ngoại. Các vụ đầu tư được tiến hành nhanh gọn, trong thời gian ngắn từ 5-10 ngày hứa hẹn chia lợi nhuận theo đợt. Ông T. thấy bạn mình là bà H. cũng góp vốn và hưởng lợi nhuận cao nên chuyển cho bị cáo hơn 7,4 tỷ đồng.

Sau đó, bị cáo trả cho ông T. hơn 4,1 tỷ đồng; số tiền còn lại thì nại nhiều lý do để khất lần. Ngoài ra, nhiều người khác cũng sập bẫy lừa của bị cáo. Để các nạn nhân tin tưởng, bị cáo chụp ảnh căn cước công dân, giấy chứng minh công an nhân dân để làm tin. Nếu có bị hại e ngại, Đinh nói với họ chỉ cần đưa tiền, mọi việc bị cáo tự xử lý và hứa hẹn chia 10% lợi nhuận.

Các vụ án lừa đảo góp vốn mua bất động sản thời gian còn xảy ra ở một số địa phương khác.

Vừa qua, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nghệ An vừa bắt giữ đối tượng Nguyễn Thị Thoan (sinh năm 1992), trú xã Đồng Văn, huyện Thanh Chương về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” thông qua hình thức góp vốn chung để đầu tư bất động sản.

Theo đó, Thoan có quan hệ quen biết với một người phụ nữ trú cùng địa phương. Biết người này có khả năng huy động được số tiền lớn, Thoan đã thông tin tới nạn nhân về việc Thoan có một người anh trai làm ăn giỏi, có nhiều mối quan hệ để đầu tư những dự án bất động sản lớn, sinh lợi nhuận cao đang có nhu cầu tìm người góp vốn chung để đầu tư bất động sản.

Để nạn nhân tin tưởng, Thoan gửi các hình ảnh chụp chung với người mà Thoan giới thiệu là anh trai, ảnh công trình thi công, công trình đang động thổ, ảnh giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nạn nhân xem và nói dối rằng đây là các dự án anh trai Thoan đang đầu tư, đồng thời hứa hẹn những dự án này sẽ sinh lợi nhuận hàng chục tỷ đồng.

Ngoài ra, Thoan còn thông tin tới bị hại về việc Thoan là thư ký, được anh trai giao nhiệm vụ huy động vốn để chuyển cho anh trai đầu tư bất động sản, khi có lợi nhuận, Thoan sẽ nhận tiền từ anh trai rồi trả lại tiền gốc và tiền lời từ bất động sản cho nhà đầu tư.

Tin tưởng thông tin mà Thoan đưa ra, bị hại đã nhiều lần chuyển tiền cho Thoan. Tổng số tiền mà Thoan chiếm đoạt của bị hại là hơn 7,2 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền trên, một phần Thoan sử dụng để trả nợ và chi tiêu cá nhân.

THẬN TRỌNG, CHỦ ĐỘNG KIỂM CHỨNG, XÁC MINH THÔNG TIN

Theo cơ quan công an, điểm chung của các nạn nhân trong những vụ việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến bất động sản phần lớn là do tâm lý nhẹ dạ, cả tin, thiếu am hiểu pháp luật.

Mặc dù nhiều người có phần cẩn thận hơn, yêu cầu đối tượng đưa đi xem, gặp gỡ chủ đất hoặc môi giới để “mắt thấy, tai nghe” việc giao dịch nhưng lại không đủ kiến thức để nhận diện tính pháp lý của mảnh đất cũng như mánh khóe của đối tượng.

Thậm chí các đối tượng còn thuê người làm môi giới hoặc làm chủ đất để củng cố niềm tin từ phía nạn nhân. Mọi cam kết, trao đổi diễn ra thực chất chỉ là màn kịch được dàn dựng sẵn, không hề có bất cứ biện pháp đảm bảo hay căn cứ pháp lý nào.

Cơ quan công an khuyến cáo, để không trở thành nạn nhân, khi có nhu cầu mua đất, người dân cần chủ động xác minh tính pháp lý của thửa đất. Nếu mua thông qua môi giới, cần tìm hiểu kỹ thông tin cá nhân, chủ động, trực tiếp tham gia kiểm chứng, xác minh mọi thông tin trong hợp đồng với cơ quan chức năng, không nên tin vào lời quảng cáo, dụ dỗ của đối tượng.

Đối với những dự án có giá rao bán quá thấp so với thị trường, cần cẩn trọng, tìm hiểu kỹ thông tin trước khi bỏ tiền đầu tư. Trong quá trình mua, bán bất động sản, nếu phát hiện các bất thường, nghi ngờ về giấy tờ, sổ đỏ có dấu hiệu làm giả, cần trình báo cơ quan Công an để được giải quyết.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate