Lợi dụng thời điểm ngày hội mua sắm Black Friday cận kề diễn ra, các đối tượng xấu sẽ chủ động tiếp cận nạn nhân thông qua tin nhắn email và các trang web giả mạo, dụ dỗ nạn nhân đặt mua các sản phẩm với mức giá ưu đãi nhằm chiếm đoạt thông tin và tài sản.
CẨN TRỌNG KHI MUA SẮM TRỰC TUYẾN TRONG ĐỢT GIẢM GIÁ BLACK FRIDAY
Ngày 12/11, lực lượng chức năng Nhật Bản đã tiến hành bắt giữ 1 người đàn ông Trung Quốc với cáo buộc lừa đảo một phụ nữ 71 tuổi với số tiền lên tới 809 triệu yên (khoảng 134 tỷ đồng). Đây là vụ lừa đảo đầu tư trên mạng xã hội có số tiền lớn nhất từ trước đến nay ở Nhật Bản.
Một trong những phương thức tiếp cận được các đối tượng sử dụng đó là thông qua tin nhắn email. Theo đó, các đối tượng sẽ chủ động gửi tới nạn nhân những tin nhắn với địa chỉ giả mạo các sàn thương mại điện tử có tiếng như Shopee, Tiki, Lazada, Amazon,... mời chào mua sắm các mặt hàng phổ biến với mức giá vô cùng ưu đãi thông qua đường link dẫn tới trang web giả mạo.
Bên cạnh đó, lợi dụng tính năng phân tích dữ liệu người dùng của các nền tảng mạng xã hội, các đối tượng có thể dễ dàng tiếp cận nạn nhân thông qua các quảng cáo về những sản phẩm mà nạn nhân đang có nhu cầu mua và tìm hiểu.
Với sự giúp đỡ của trí tuệ nhân tạo, các đối tượng có thể dễ dàng tạo lập các trang web giả mạo, dụ dỗ nạn nhân truy cập và cung cấp các thông tin cá nhân, thậm chí là đặt mua các sản phẩm với phương thức thanh toán trả trước.
Trước diễn biến của các hành vi lừa đảo, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) khuyến cáo người dân đề cao cảnh giác trong quá trình mua sắm trực tuyến. Cẩn thận kiểm tra địa chỉ email, đường dẫn website URL, so sánh và đối chiếu thông qua các kênh thông tin uy tín và chính thống.
Thông thường, các đường dẫn hoặc địa chỉ giả mạo sẽ chứa đựng ký tự và tên miền lạ, không có chứng chỉ SSL hoặc trước khi truy cập sẽ có cảnh báo từ trình duyệt. Do đó, tuyệt đối không cung cấp các thông cá nhân, thực hiện mua sắm trả trước khi chưa xác thực được tính chính thống của trang web.
"Khi phát hiện thấy có dấu hiệu đáng ngờ, người dân cần nhanh chóng trình báo với các cơ quan an ninh có thẩm quyền để tiến hành các biện pháp nhằm ngăn chặn hành vi lừa đảo", Cục An toàn thông tin khuyến cáo.
CẢNH GIÁC VỚI THỦ ĐOẠN LỪA ĐẢO GIẢ MẠO ĐỘI NGŨ AN NINH META
Mới đây, công ty sản xuất phần mềm diệt virus Trend Micro (Hoa Kỳ) đã đưa ra cảnh báo về hình thức lừa đảo mới, được các đối tượng xấu sử dụng nhằm đánh cắp tài khoản Facebook của người dùng.
Các đối tượng tự tạo tin nhắn giả mạo đội ngũ an ninh, sử dụng logo, màu sắc và thiết kế giống với những email chính thống đến từ Meta. Tin nhắn thường đi kèm những nội dung như “Phát hiện đăng nhập bất thường”, “Tài khoản của bạn sẽ bị khóa nếu không được xác minh” hoặc “Phát hiện hoạt động đáng ngờ trong hồ sơ của bạn”, yêu cầu nạn nhân truy cập vào liên kết được đính kèm để xác minh thông tin.
Ngoài ra, tin nhắn cũng bao gồm thời hạn nhất định, thông báo rằng tài khoản Facebook của nạn nhân sẽ bị khóa vĩnh viễn nếu phía Meta không nhận được bất kỳ phản hồi nào.
Sau khi truy cập vào đường dẫn, nạn nhân sẽ được chuyển hướng tới trang web an ninh Meta giả mạo. Tại đây, trang web sẽ yêu cầu cung cấp tài khoản, mật khẩu Facebook, thông tin cá nhân và mật mã xác thực bảo mật nhiều lớp để hoàn thành đơn khiếu nại.
Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân đề cao cảnh giác khi gặp được những tin nhắn với nội dung tương tự như trên. Cẩn thận kiểm tra kỹ địa chỉ email, so sánh đối chiếu với địa chỉ trên cổng thông tin chính thống hoặc qua các trang tin uy tín. Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản trực tuyến khi chưa xác thực được tin nhắn, không chia sẻ mật mã xác thực bảo mật nhiều lớp cho bất kỳ đối tượng nào.
“Người dân cũng được khuyến cáo hạn chế chia sẻ công khai hình ảnh, thông tin quan trọng trên Facebook nói riêng và các nền tảng mạng xã hội khác nói chung. Khi nhận thấy có dấu hiệu đáng ngờ, người dân cần nhanh chóng trình báo với lực lượng chức năng để kịp thời ngăn chặn hành vi lừa đảo”, Cục An toàn thông tin khuyến cáo.