May 21, 2021 | 09:00 GMT+7

Cảnh báo lạm phát: Những yếu tố tác động mạnh đến giá cả trong nửa cuối năm

Dương Ngọc

Tuy có một số tín hiệu tưởng như khả quan nhưng lạm phát hiện nay và trong thời gian tới cũng còn một số vấn đề cần cảnh báo. Những cảnh báo này xuất phát từ nhiều căn cứ...

Ảnh  minh  hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Tiếp tục với chủ đề "Lạm phát" đăng trên VnEconomy vào ngày 11/5 của hai tác giả: Dương Ngọc với "Những cảnh báo về bất động sản và lạm phát" và TS. Cấn Văn Lực với "Áp lực lạm phát và bong bóng tài sản 2021", VnEconomy xin giới thiệu bài viết đề cập đến chủ đề: cảnh báo về lạm phát trong thời gian tới.

Trước hết cần quan tâm đến vai trò của lạm phát. Việt Nam đang thực hiện mục tiêu kép: vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa ổn định và phát triển kinh tế với xu hướng tập trung hơn cho mục tiêu cấp bách hơn là phòng, chống dịch. Tuy nhiên, với kinh nghiệm năm 2020 của  Việt Nam là một trong số ít nước trên thế giới tăng trưởng dương (2,91%), với mục tiêu năm 2021 tăng trưởng cao hơn gấp đôi theo Nghị quyết của Quốc hội (6%) và quyết tâm của Chính phủ (6,5%), thì ổn định vĩ mô (trong đó có lạm phát) cũng là rất quan trọng.

VAI TRÒ CỦA LẠM PHÁT

Trong 5 “đỉnh” của ngũ giác (tăng trưởng, lạm phát, cán cân thanh toán, thất nghiệp, môi trường), lạm phát được đặc biệt quan tâm. Nó liên quan đến chủ thể đông nhất trên thị trường (là người tiêu dùng), và liên quan trực tiếp hàng ngày đến mức sống thực tế của con người. Nó liên quan đến nhiều “đỉnh” khác của ngũ giác, có tác động lớn đến nhiều vấn đề kinh tế vĩ mô khác, như thu chi ngân sách, tiền tệ - tín dụng, là cái thước đo hiệu quả hoạt động...

Mặt khác, giá cả là vấn đề có tính quy luật trong kinh tế thị trường. Điều đó có nghĩa là lạm phát không hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí chủ quan của bất kỳ chủ thể nào trên thị trường (kể cả cơ quan nhà nước). Giá cả là “tổng hòa” của nhiều mối quan hệ, yếu tố, không chỉ ở trong nước mà cả trên thế giới; ở trong nước phụ thuộc vào nhiều yếu tố...

Do vậy, lạm phát là lĩnh vực rất khó đánh giá, dự đoán nếu chỉ dựa vào một yếu tố riêng rẽ nào đó. Lạm phát cũng là lĩnh vực rất khó “trị” vì những hiệu ứng phụ khi “trị” lạm phát, nhất là hiệu ứng phụ về tăng trưởng kinh tế, cán cân thanh toán...

Lạm phát lại càng là vấn đề hiện nay trước các thông tin về tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) trong 4 tháng đầu năm 2021 (biểu đồ 1).

CPI trong 4 tháng đầu năm 2021. Nguồn: Tổng cục Thống kê.
CPI trong 4 tháng đầu năm 2021. Nguồn: Tổng cục Thống kê.

Các thông tin trên cho thấy một số tín hiệu tưởng như khả quan của CPI trong 4 tháng đầu năm.

Theo thời gian, CPI tháng 1 tăng rất thấp. Tháng 2 tăng khá cao so với tốc độ tăng tương ứng của cùng kỳ trong 10 năm qua, chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng cao lên trong tháng có Tết cổ truyền của dân tộc.

Tháng 3 giảm so với tháng 2, có một phần do số gốc so sánh là giá tháng 2 đã tăng khá cao; có một phần do nhu cầu tiêu dùng sau Tết đã trở lại bình thường, có một phần do tác động tiêu cực của dịch Covid-19 bùng phát trở lại; có một phần do có một lượng tiền không nhỏ trên thị trường đã đổ vào bất động sản, chứng khoán, tiền ảo, có tác động làm giảm áp lực đối với giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng...

Tháng 4 so với tháng 3 giảm chủ yếu do nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,13% (trong đó lương thực giảm 0,01%, thực phẩm giảm 0,25%); bưu chính viễn thông (giảm 0,20%); văn hóa, giải trí và du lịch (giảm 0,11%), chủ yếu do chu kỳ tính CPI của Tổng cục Thống kê kết thúc trước kỳ nghỉ lễ... Riêng giá nhà ở và vật liệu xây dựng giảm (giảm 0,43%) thì hơi lạ...

Bình quân 4 tháng năm nay so với cùng kỳ năm trước tăng 0,88% - thấp hơn tốc độ tăng tương ứng của nhiều năm trước (2020 tăng 4,9%, 2019 tăng 2,71%, 2018 tăng 2,8%, 2017 tăng 4,8%, 2016 tăng 1,41%...).

Trong 11 nhóm/mặt hàng, CPI sau 4 tháng có 10 mặt hàng tăng, nhưng tăng cao hơn tốc độ chung (1,27%) chỉ có 2 (giao thông tăng 7,17%, nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 1,4%), còn 8 mặt hàng tăng thấp hơn; chỉ có 1 mặt hàng giảm (bưu chính viễn thông giảm 0,2%). CPI bình quân 4 tháng so với cùng kỳ có 8 mặt hàng tăng, trong đó có 4 nhóm mặt hàng tăng cao hơn tốc độ chung (0,89%). Còn 4 nhóm tăng thấp, 3 nhóm giảm.

Lạm phát cơ bản bình quân 4 tháng năm nay thấp hơn cùng kỳ năm trước (0,74% so với 2,96%) và thấp hơn tốc độ tăng tương ứng về CPI bình quân trong 4 tháng năm nay.

NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN CẢNH BÁO 

Tuy có một số tín hiệu tưởng như khả quan như trên, lạm phát hiện nay và trong thời gian tới cũng còn một số vấn đề cần cảnh báo. Những cảnh báo này xuất phát từ nhiều căn cứ.

Căn cứ thứ nhất là sự xuất hiện ngay từ diễn biến CPI trong 4 tháng đầu năm. Một số nhóm/mặt hàng có tốc độ tăng CPI khá cao, như lương thực sau 4 tháng đã tăng 2,61%, bình quân 4 tháng tăng 6,12% (chủ yếu do giá gạo xuất khẩu bình quân 4 tháng năm nay (tính từ số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan tăng 15,3% so với cùng kỳ năm trước); giao thông sau 4 tháng tăng 7,17%; giáo dục bình quân 4 tháng tăng 4,08% (chủ yếu do nhiều trường đã thực hiện tự chủ đại học về tài chính và một số địa phương, một số trường ngoài công lập tăng học phí đối với học sinh phổ thông, nhất là lớp 10 chuyên). Riêng giá nhà ở và vật liệu xây dựng sau 4 tháng chỉ tăng 1,4% và bình quân 4 tháng chỉ tăng 0,07% là hơi lạ.

Căn cứ thứ hai là các yếu tố tác động đến lạm phát trong thời gian tới.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 4 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu tăng thấp hơn nhập khẩu (29,6% so với 31,8%); Việt Nam tiếp tục xuất siêu, nhưng đã giảm so với cùng kỳ năm trước cả về mức tuyệt đối (1.631,4 triệu USD so với 2.589,4 triệu USD), cả về tỷ lệ xuất siêu (1,6% so với 3,2%).

Điều đó chứng tỏ quan hệ giữa sản xuất và sử dụng GDP bước đầu có sự thay đổi theo hướng sử dụng GDP tăng cao hơn so với sản xuất GDP, cũng tức là tích lũy và tiêu dùng cuối cùng tăng cao lên (trong quý 1, dưới góc độ sử dụng GDP, tiêu dùng cuối cùng đã tăng 4,59% - cao hơn tốc độ tăng 4,48% của GDP).

Yếu tố tổng quát trên đối với lạm phát (quan hệ giữa sản xuất và sử dụng GDP) còn thể hiện ở tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng (đã loại giá) có xu hướng cao lên so với cùng kỳ năm trước trong quý 1 (tăng 4,42% so với giảm 0,01%) và tiếp tục cao lên trong 4 tháng (tăng 9,03% so với 7,76%). Quan hệ cung - cầu đối với một số nhóm/mặt hàng cụ thể đã có sự khác trước theo hướng cầu tăng cao hơn so với trước.

Một yếu tố quan trọng, đồng thời cũng là yếu tố trực tiếp, yếu tố cuối cùng để lạm phát biểu hiện ra là tiền tệ - tín dụng. Tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán cao hơn tốc độ tín dụng.

Tăng trưởng tín dụng quý 1/2021 đạt 2,93% (cao hơn tốc độ tăng tương ứng 1,21% của cùng kỳ năm trước), cao hơn tốc độ tăng tương ứng 2,78% của cùng kỳ 7 năm trước đó tính từ 2015); dư nợ tín dụng đã lên tới 9,46 triệu tỷ đồng, bằng tới 150,4% GDP năm 2020 - một tỷ lệ cao gấp đôi nhiều nước.

Tốc độ tăng huy động thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng dư nợ tín dụng (tốc độ tăng huy động từ đầu năm đến 19/3 tăng 0,54%) và thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng tương ứng 2,28% của cùng kỳ 7 năm trước đó tính từ 2015).

Điều đó chứng tỏ tiền từ ngân hàng ra thị trường nhiều hơn tiền từ thị trường vào ngân hàng, tạo sức ép tăng giá hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng. Diễn biến này do yếu tố chủ yếu là do lãi suất tiết kiệm giảm, hiện ở mức rất thấp, đã chuyển từ thực dương trong mấy năm trước sang gần như thực âm.

Một yếu tố quan trọng khác là sự chuyển động của dòng tiền trên thị trường. Một lượng tiền khá lớn của xã hội từ các nguồn vừa qua đã đổ dồn vào bất động sản (riêng từ hệ thống ngân hàng tính đến hết quý 1/2021 đã có 1,85 triệu tỷ đồng, chiếm 19,6% tổng tín dụng, tăng 3%), cộng với nguồn tín dụng khác vào các lĩnh vực khác (như phục vụ đời sống chẳng hạn) được người vay lái vào bất động sản, cộng với các nguồn vay khác, tự có... đã làm giá bất động sản tăng nhanh, tăng lớn, tăng trên phạm vi rộng.

Cũng có một lượng tiền lớn được đưa vào thị trường chứng khoán (gần đây lên tới trên 20-25 nghìn tỷ đồng/phiên). Nếu giá bất động sản, điểm số chứng khoán vượt qua đỉnh sang dốc bên kia, thì “bong bóng” sẽ vỡ, một lượng tiền ở thị trường này sẽ gây áp lực lớn lên giá hàng hóa, tiêu dùng, gây lạm phát cao.

Thêm một yếu tố quan trọng nữa là tác động của thế giới. Một lượng tiền khủng do các nền kinh tế lớn đưa ra trong thời gian qua (tính từ năm ngoái đến nay khoảng trên 20 nghìn tỷ USD, bằng GDP của nước Mỹ, bằng khoảng trên 1/5 GDP toàn cầu); cộng với các yếu tố khác sẽ làm cho lạm phát trên thế giới tăng (định hướng CPI của Mỹ cho cả năm khoảng 2%, nhưng tháng 4 so với cùng kỳ đã lên đến 4,2% - cao nhất tính từ 2008. Lạm phát trên thế giới làm cho giá nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam tăng, làm cho chi phí đẩy - một yếu tố của lạm phát trong nước - tăng.

Tốc độ tăng giá nhập khẩu hàng hoá 4 tháng so với cùng kỳ.
Tốc độ tăng giá nhập khẩu hàng hoá 4 tháng so với cùng kỳ.

Một số mặt hàng/nhóm mặt hàng nhập khẩu cũng tăng khá cao.

Một số mặt hàng xuất khẩu giá cũng tăng cao, như hạt tiêu, cà phê, gạo, dầu thô, xăng dầu, phân bón, chất dẻo nguyên liệu, cao su, xơ sợi dệt, sắt thép...

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate