Trong vòng một tháng trở lại đây, trên một số tuyến đường phố Hà Nội, cụ thể là trên đường gom Đại lộ Thăng Long đoạn từ cầu vượt Phú Đô đến Tây Mỗ, đường Khuất Duy Tiến, xuất hiện những điểm bán trứng gia cầm tự phát, với những tấm biển, băng rôn ghi: “Giải cứu trứng gia cầm, giá chỉ 65 nghìn/30 quả”.
CẢNH BÁO TRỨNG GÀ KHÔNG RÕ NGUỒN GỐC
Thời gian gần đây, trên các diễn đàn mạng xã hội xuất hiện nhiều tài khoản Facebook rao bán trứng gà, cũng đăng ảnh treo băng rôn "giải cứu trứng cho người chăn nuôi". Một tài khoản Facebook tên H.D viết: "Giải cứu trứng gà đi cả nhà ơi sốc luôn đấy ạ. Trứng gà ri 25k/10 quả".
Một tài khoản Facebook khác rao: "Giải cứu trứng gà anh chị em mình ơi!!! Trại nhà em đợt này gà đẻ nhiều trứng quá. Trứng bao tươi mới từng ngày, chất lượng đảm bảo, lòng đỏ to, ăn thơm ngon không tanh".
Facebook Đ.H.H cũng đăng thông tin: "Em giải cứu gấp 5.000 trứng gia cầm giúp bà con chăn nuôi ở làng nghề trứng Châu Mai – Liện Châu – Thanh Oai, giá bán chỉ có 2.500 đồng/quả.
Những thông tin bán trứng gà giá rẻ, với thông điệp "giải cứu trứng cho người nông dân" đã nhận được sự hưởng ứng của cộng đồng mạng, người thì chia sẻ với những bình luận bày tỏ sự thương xót cho nông dân, nhiều người đặt mua trứng với mong muốn cứu giúp nông dân.
Tuy nhiên nhiều nông dân, các chủ trang trại nuôi gà chuyên trứng rất bức xúc với hiện tượng rao bán trứng giải cứu trên mạng. Một chủ gia trại nuôi gà ở Liện Châu – Thanh Oai cho hay: Chúng tôi không cần phải giải cứu, vì toàn bộ trứng sản xuất ra đều được thương lái thu mua hết. Giá trứng hiện tại đang được thương lái thu mua với giá 2.000 đồng/quả. Với giá bán này, chúng tôi vẫn có lãi như kỳ vọng, nên không cần ai giải cứu.
Một nông dân khác bày tỏ: Thật nực cười khi người ta kêu gọi “giải cứu” trứng gà với giá rẻ, nhưng lại rao bán với giá 2.500 đồng/quả. Từ trước tới nay, chúng tôi chưa bao giờ xuất chuồng với giá cao như thế. Rõ ràng, họ kêu “giải cứu” chỉ để làm chiêu trò bán trứng.
“Không có chuyện giá trứng rẻ đến mức phải giải cứu. Giá trứng gà ta xuất chuồng tại trang trại của nông dân hiện đang dao động trong khoảng 1.800 - 2.000 đồng/quả, mức giá này vẫn đảm bảo nông dân có lãi".
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam.
Một chủ quầy hàng chuyên bán trứng gia cầm ở chợ Phú Vinh (Hoài Đức, Hà Nội) cho biết trước kia, trứng gà bán tại chợ chỉ có giá trên dưới 2.000-2.500 đồng/quả, năm ngoái giá trứng tăng cao thì cũng chỉ 3.000 đồng quả. Thời điểm này, giá trứng bán lẻ ở các chợ tại Hà Nội chỉ phổ biến ở mức 2.200 đồng/quả - đây là mức giá chỉ tương đồng so với cách đây 2 năm trở về trước. Thế mà người ta rao “giải cứu” nhưng lại bán với giá cao hơn trên thị trường.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam cho biết năm 2022, trứng là một trong những mặt hàng có mức giá tăng cao, đảm bảo lợi nhuận tốt cho người chăn nuôi. Bước sang đầu năm 2023, giá trứng có giảm so với đợt cuối năm 2022 nhưng vẫn đảm bảo nông dân bán ra có lãi.
Theo ông Sơn, thời gian gần đây, có tình trạng trứng không rõ nguồn gốc từ một số nước lân cận được nhập lậu về qua biên giới với Lào và Campuchia. Loại trứng này do không đảm bảo về chất lượng, nguy cơ mất an toàn thực phẩm và ẩn chứa mầm bệnh, vì thế không được hệ thống thương lái trong nước, không được các siêu thị chấp nhận mua và tiêu thụ. Vì vậy, các đối tượng nhập lậu trứng gà tự tìm kiếm người tiêu thụ, chở cả xe trứng về đổ ra bày bán trên đường, hoặc kết nối với những người bán hàng qua mạng.
Ông Nguyễn Thanh Sơn khuyến cáo: Người tiêu dùng cần cảnh giác, không nên mua trứng gia cầm không rõ nguồn gốc rao bán trên mạng xã hội, bởi nguy cơ mua phải trứng không đảm bảo chất lượng, tiếp tay cho nhập lậu trứng gia cầm.
NGĂN CHẶN NHẬP LẬU VÀ TIÊU THỤ SẢN PHẨM GIA CẦM NHẬP LẬU
Ngày 27/2/2023, Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam (VIPA) đã có văn bản đề nghị các doanh nghiệp, đơn vị cá nhân hội viên thuộc Hiệp hội chấp hành nghiêm chỉnh sự chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, không vận chuyển, buôn bán tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu từ nước ngoài vào Việt Nam.
"Đề nghị doanh nghiệp và người dân không tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc xuất xứ, kể cả trứng gia cầm được bày bán tràn lan trên các hè phổ dưới danh nghĩa “giải cứu” của các tư thương".
Trích văn bản của Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam ngày 27/2/2023.
Chủ động triển khai tốt các biện pháp phòng chống dịch bệnh bao gồm tăng cường công tác vệ sinh tiêu độc, khử trùng trong và xung quanh trại, phương tiện vận chuyển ra vào trại chăn nuôi, đặc biệt những nơi có nguy cơ lây nhiễm cao.
Áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học khác. Giám sát chặt chẽ các phương tiện, khách ra vào trại, thực hiện tốt việc cách lỵ, bảo hộ lao động trước khi ra vào trại. Thực hiện tiêm phòng đầy đủ, kịp thời vacxin cúm gia cầm và các loại vacxin khác phòng bệnh cho đàn vật nuôi.
Thông báo kịp thời với cơ quan chức năng và thực hiện các biện pháp xử lý theo quy định của Luật Thủ y khi có hiện tượng gia cầm ốm chết bất thường tại cơ sở chăn nuôi của doanh nghiệp, trang trại.
Trước đó, ngày 26/2/2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Công điện số 1030/CĐ-BNN-TY gửi các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo công điện, thời gian gần đây tại Campuchia đã phát hiện ca tử vong trên người do virus cúm gia cầm A/H5N1 tại tỉnh Prey Veng. Nhằm ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm dịch bệnh do vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu từ nước ngoài vào Việt Nam, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển chăn nuôi, an toàn thực phẩm và sức khỏe cộng đồng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị đồng chí Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các sở, ban ngành và chính quyền các cấp của địa phương tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp:
Thứ nhất, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát, đặc biệt tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới, cảng biển, đường sông,… để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, giết mổ, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm trái phép vào Việt Nam, đặc biệt các tỉnh biên giới phía Nam. Trường hợp bắt các lô hàng động vật, sản phẩm động vật vận chuyển bất hợp pháp thì phải tiêu hủy ngay (trước khi tiêu hủy, cần lấy mẫu gửi các cơ quan thú y để xét nghiệm bệnh).
Thứ hai, chỉ đạo lực lượng công an, bộ đội biên phòng lập chuyên án đấu tranh với các đối tượng vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới; phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện bắt giữ và xử lý nghiêm các vụ nhập khẩu trái phép gia cầm và sản phẩm gia cầm; tổ chức tuyên truyền cho nhân dân khu vực biên giới về sự nguy hiểm của bệnh cúm gia cầm và tác hại khi buôn bán, vận chuyển gia cầm không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc.
Thứ ba, chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tại địa phương tăng cường các biện pháp kiểm soát lưu thông, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm động vật trái phép vào Việt Nam, gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc trên thị trường.
Thứ tư, chỉ đạo các cơ quan thông tấn báo chí của địa phương tăng cường công tác truyền thông nguy cơ về các dịch bệnh nguy hiểm xâm nhiễm từ nước ngoài thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật trái phép; tổ chức vận động nhân dân khu vực biên giới không tham gia, không tiếp tay cho việc vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật, đặc biệt là gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép vào Việt Nam.
Thứ năm, báo cáo kịp thời, đầy đủ, chính xác tình hình dịch bệnh qua Hệ thống thông tin dịch bệnh động vật trực tuyến (VAHIS) theo đúng quy định hiện hành; tổ chức kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp không báo cáo, giấu dịch, làm lây lan dịch bệnh.