Khi Lin Yun Yun, một người bán các sản phẩm tã lót dành cho trẻ em cân nhắc bán hàng trên Pinduoduo - trang thương mại điện tử đang phát triển nhanh chóng tại Trung Quốc, cô đã không suy nghĩ quá nhiều về giá cả.
Trang Pinduoduo - vốn là nơi được nhiều người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng nhờ vào các ưu đãi giảm giá, đã gửi lời nhắc liên tục đến Yun Yun khi có những người bán hàng khác bán sản phẩm với giá thấp hơn các mặt hàng của cô. Và khi cô Lin giảm giá, trang web sẽ liên tục quảng cáo các sản phẩm của cô và cảnh báo rằng cô sẽ cần tiếp tục giảm giá để thu hút khách hàng.
Cô Lin, 28 tuổi, một người bán hàng sống ở Chương Châu, một thành phố phía đông nam Trung Quốc, cho biết: “Nền tảng này liên tục nhắc nhở tôi giảm giá. Nhưng nếu tôi hạ giá thêm nữa tôi sẽ không kiếm được lợi nhuận”.
NGUỒN CƠN PINDUODUO
Người mua đang đổ xô đến Pinduoduo mua hàng để nhận được mức giảm giá đáng kinh ngạc, mức giá đến từ những ‘lời nhắc’ liên tục từ sàn đến người bán hàng. Tuy nhiên, nền kinh tế Trung Quốc cũng đang gặp khó khăn do yếu tố trì trệ tại thị trường bất động sản, khiến người tiêu dùng chi tiêu ít đi và tiết kiệm nhiều hơn, dẫn đến giá các mặt hàng giảm xuống và tất yếu lợi nhuận người bán hàng cũng giảm theo.
Từ những yếu tố đó, các công ty ngần ngại thuê thêm nhân công hoặc đầu tư vào tương lai, điều này càng làm tăng thêm mối lo ngại về nền kinh tế.
Chỉ số giảm phát GDP của Trung Quốc, một chỉ số kinh tế đo lường giá cả trên toàn nền kinh tế, đã giảm trong 5 quý liên tiếp, điều này đồng nghĩa với mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 5% trong năm nay của quốc gia này sẽ khó có thể đạt được.
Chính phủ đã đưa ra các chính sách tập trung vào hỗ trợ sản xuất và đầu tư, khiến các nhà máy Trung Quốc hoạt động sôi nổi, dẫn đến công suất dư thừa và các đối tác thương mại toàn cầu tràn ngập hàng hóa từ quốc gia này. Nguồn cung dồi dào đang giúp giữ giá ở mức thấp.
Và đó là lúc Pinduoduo xuất hiện. Bởi vì mua sắm trực tuyến ngày càng tăng ở Trung Quốc, việc giảm giá của ứng dụng và các nền tảng thương mại điện tử khác tương tự Pinduoduo đã góp phần dẫn đến giảm phát. Theo HSBC, khoảng 60% người tiêu dùng trong nước mua hàng thông qua thương mại điện tử, chiếm hơn 1/3 tổng chi tiêu bán lẻ.
Ông Donald Low, Giáo sư về chính sách công tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong, cho biết: “Pinduoduo vừa là hậu quả vừa là nguyên nhân của giảm phát".
Được thành lập vào năm 2015, Pinduoduo đã phát triển nhanh hơn các đối thủ lâu đời hơn và gần đây đã mở rộng ra nước ngoài với thương hiệu Temu. Trong quý gần đây nhất, Pinduoduo cho biết doanh thu của họ đã tăng 86%.
Các nhà kinh tế đã nghiên cứu tác động của thương mại điện tử đến giá cả trong nhiều năm. Vào giữa những năm 2010, các nhà kinh tế bắt đầu trích dẫn “Hiệu ứng Amazon” - nói về những tác động của nhà bán lẻ trực tuyến Amazon.com trong việc giảm giá ồ ạt trên web và tại các cửa hàng truyền thống. Hầu hết tất cả các nhà bán lẻ, bao gồm cả Amazon, đều theo dõi giá của nhau và sau đó tự điều chỉnh bằng cách sử dụng công cụ định giá theo sát diễn biến thị trường.
Về cơ bản, hiệu ứng Amazon đã giúp hàng hóa được bán với giá rẻ hơn. Nhưng Alberto Cavallo, giáo sư kinh doanh tại Harvard, đã lập luận vào năm 2018 rằng thương mại điện tử đang khiến giá cả trở nên nhạy cảm hơn với những cú sốc kinh tế, chẳng hạn như chi phí năng lượng cao hơn. Ông lưu ý rằng giá có thể tăng mạnh nếu các cú sốc là lạm phát.
Giáo sư Cavallo cho biết Trung Quốc có thể đang trải qua điều gì đó tương tự nhưng theo chiều hướng ngược lại. Cú sốc kinh tế của nền kinh tế suy thoái đang tạo áp lực giảm giá và hiệu ứng này đang được đẩy nhanh bởi các nền tảng thương mại điện tử.
HỆ LỤY TỪ CUỘC ĐUA GIẢM GIÁ TRÊN CÁC SÀN THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ
Thành công của Pinduoduo đã thúc đẩy hai đối thủ lớn nhất là Alibaba và JD.com tham gia cuộc cạnh tranh giá rẻ. Theo truyền thông Trung Quốc, năm ngoái, trang mua sắm Taobao của Alibaba đã bắt đầu chiến dịch đánh giá người bán dựa trên mức giá của họ so với các nền tảng thương mại điện tử khác.
Những người bán có giá tốt hơn sẽ nhận được nhiều lượng truy cập và hiển thị sản phẩm của họ hơn. JD.com, từng nổi tiếng với việc bán đồ điện tử cao cấp, cũng đã tạo ra hàng loạt chiến dịch giá rẻ.
Về phần mình, các cơ quan quản lý Trung Quốc đã thiết lập một quy tắc mới vào tháng 5 nhằm ngăn chặn các nền tảng trực tuyến áp đặt những hạn chế vô lý đối với giá cả, quy tắc giao dịch và lưu lượng truy cập của người bán.
Lulu Qi bắt đầu bán phụ kiện quần áo, khăn tắm, ốp điện thoại và cáp sạc trên Pinduoduo vào năm 2018. Pinduoduo liên tục đề nghị thu hút khách hàng tiềm năng đến với sản phẩm của mình nếu cô đáp ứng được mức giá đề xuất của ứng dụng. Nhưng cô không thể làm điều đó vì chúng thấp hơn nhiều so với mức giá cô bỏ ra để nhập hàng.
Các cơ quan quản lý Trung Quốc đã thiết lập một quy tắc mới vào tháng 5 nhằm ngăn chặn các nền tảng trực tuyến áp đặt những hạn chế vô lý đối với giá cả, quy tắc giao dịch và lưu lượng truy cập của người bán.
Bà Qi, sống ở Thâm Quyến, một thành phố ở phía đông nam Trung Quốc, cho biết: “Không thể kinh doanh với mức giá đó”. Các chính sách khác của Pinduoduo cũng gây khó khăn cho việc kiếm tiền của người bán. Người mua không hài lòng với sản phẩm có thể yêu cầu hoàn lại tiền mà không cần trả lại hàng. Cô cho biết điều này xảy ra với cô Qi khoảng năm lần một ngày.
Tuy nhiên, các thương gia cho biết rất khó rời bỏ Pinduoduo vì khách hàng rất trung thành với nền tảng này.
Một người mua hàng trên Pinduoduo, Gao Ning, quản trị viên văn phòng ở Bắc Kinh, cho biết ban đầu anh thận trọng khi sử dụng nền tảng này nhưng nhận thấy đây là một cách thuận tiện để mua hàng tạp hóa.
Giờ đây Gao Ning còn mua giấy vệ sinh, túi đựng rác, thùng rác, xà phòng rửa bát và thức ăn cho mèo từ trang web này. Anh nhận thấy rằng những mặt hàng tương tự ở đó rẻ hơn so với các trang web khác, và mọi người đến đó đều mong đợi giá trị xứng đáng với số tiền bỏ ra.