October 04, 2024 | 07:50 GMT+7

“Trung Quốc có dư địa phát hành thêm 1,4 nghìn tỷ USD trái phiếu để kích cầu”

Bình Minh -

Một nhà kinh tế hàng đầu ở Trung Quốc cho rằng nước này có dư địa để đẩy mạnh hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bằng chính sách tài khóa, thông qua phát hành tới 10 nghìn tỷ nhân dân tệ, tương đương 1,4 nghìn tỷ USD, trái phiếu đặc biệt...

Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.
Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.

Nhận định này phản ánh kỳ vọng gia tăng vào việc Bắc Kinh mở rộng chi tiêu công bên cạnh gói kích cầu bằng chính sách tiền tệ được công bố mới đây.

Ông Jia Kang, nguyên viện trưởng một viện nghiên cứu thuộc Bộ Tài chính Trung Quốc, nói rằng nhà chức trách có thể cải thiện niềm tin bằng cách tăng mạnh đầu tư công vào các dự án công. Nhận định được này ông Jia đưa ra trong một cuộc trả lời phỏng vấn được tờ báo The Paper của Trung Quốc đăng tải ngày 2/10.

“Khi được triển khai, các dự án này sẽ tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân, và khơi mở tiềm năng tiêu dùng”, ông Jia - người hiện đứng đầu một tổ chức nghiên cứu tư nhân có tên Viện Kinh tế học cung - cầu mới Trung Quốc - phát biểu. Không đưa ra một khung thời gian cụ thể, ông cho rằng “tăng cường phát hành trái phiếu tới 4 nghìn tỷ hoặc thậm chí 10 nghìn tỷ nhân dân tệ sẽ không có gì là quá mức”.

NHỮNG KỲ VỌNG VỀ TRÁI PHIẾU ĐẶC BIỆT

Nhận định của ông Jia làm “nóng” thêm cuộc thảo luận đang sôi nổi về những gì Bộ Tài chính Trung Quốc sẽ là hoặc nên làm để thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế sau khi Bắc Kinh gần đây phát tín hiệu mong muốn chặn đà giảm tốc của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Bộ Chính trị Trung Quốc đã đưa ra chủ trương phát hành trái phiếu chính phủ đặc biệt có thời hạn cực dài và trái phiếu đặc biệt của chính quyền các địa phương để thúc đẩy đầu tư công, nhưng không đưa ra thông tin cụ thể. Chính sự thiếu thông tin này làm dấy lên những mối hoài nghi về sức mạnh của các biện pháp tài khóa.

Việc phát hành trái phiếu mà ông Jia đề xuất lớn gấp nhiều lần số trái phiếu chính phủ đặc biệt kỳ hạn dài trị giá 1 nghìn tỷ nhân dân tệ mà Chính phủ Trung Quốc dự định phát hành trong năm nay. Tuy nhiên, vị chuyên gia nói rằng đó sẽ là một mức tăng tương xứng với gói kích cầu 4 nghìn tỷ nhân dân tệ năm 2008, do tổng sản phẩm quốc nội (GDP) danh nghĩa của Trung Quốc đến năm 2023 đã tăng gấp 4 lần.

“Sử dụng cơ chế nợ công hợp lý sẽ không gây quá tải cho chính phủ. Trái phiếu chính phủ dài hạn và siêu dài hạn, có kỳ hạn từ 30 đến 50 năm, mang lại sự linh hoạt đáng kể và đáng để ssử dụng, vẫn nằm trong giới hạn an toàn”, ông Xia phát biểu.

Tuần trước, Reuters đưa tin Bộ Tài chính Trung Quốc đang có kế hoạch phát hành 2 nghìn tỷ nhân dân tệ trái phiếu chính phủ đặc biệt trong năm nay. Hãng tin này dẫn nguồn thạo tin cho biết số tiền huy động được sẽ phân bổ đều cho hai mục tiêu kích thích tiêu dùng và hỗ trợ chính quyền các địa phương giải quyết nợ nần.

Theo bà Becky Liu, trưởng chiến lược vĩ mô về Trung Quốc tại ngân hàng Standard Chartered, những tham vọng mà ông Jia đặt ra là “thực tế”. “Đây là vấn đề về mức độ sẵn sàng hành động để hỗ trợ nền kinh tế, chứ không phải về hỗ trợ bao nhiêu. Nếu sự hỗ trợ là chưa đủ, sẽ có thêm cho tới khi đủ”, bà Liu nói.

Gói kích cầu mà Chính phủ Trung Quốc công bố vào tuần trước - chủ yếu gồm các biện pháp chính sách tiền tệ - đã thúc đẩy sự phục hồi của thị trường chứng khoán nước này, với chỉ số CSI 300 có phiên tăng mạnh nhất kể từ năm 2008 vào hôm thứ Hai tuần này. Một chỉ số đo giá cổ phiếu các công ty Trung Quốc đại lục niêm yết ở Hồng Kông đã tăng 13 phiên liên tiếp trước khi giảm 4,9% trong phiên ngày 3/10.

MỐI LO VỀ NỢ NẦN

Giờ đây, tâm điểm của sự chú ý đang chuyển sang các biện pháp kích cầu bằng chính sách tài khóa mà Bắc Kinh có thể đưa ra trong thời gian tới. Các nhà kinh tế tin rằng Trung Quốc cần phải chi tiêu công nhiều hơn để thúc đẩy nhu cầu trong nước, trong bối cảnh niềm tin của người tiêu dùng nước này trong tháng 8 năm nay giảm xuống mức thấp nhất từ tháng 11/2022.

Các nhà kinh tế Larry Hu và Yuxiao Zhang của Macquarie Group Ltd. nhận định trong một báo cáo: “Trong thời gian tới, chính sách tài khóa là vấn đề chính cần theo dõi, vì Chính phủ Trung Quốc sẽ đưa ra thêm những thông tin cụ thể. Cuối tháng 10, họ có thể công bố thêm hạn ngạch cho việc phát hành trái phiếu chính phủ đặc biệt hoặc trái phiếu chính quyền địa phương đặc biệt”.

Năm ngoái, kỳ họp tháng 10 của Quốc hội Trung Quốc đã cho phép phát hành thêm 1 nghìn tỷ nhân dân tệ trái phiếu chính phủ đặc biệt.

Theo các nhà phân tích của các ngân hàng Nomura Holdings và Morgan Stanley, Chính phủ Trung Quốc sẽ đối mặt với một số trở ngại khi cân nhắc các biện pháp kích cầu bằng chính sách tài khóa.

Nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc của Nomura, ông Lu Ting, cho rằng Chính phủ Trung Quốc có thể đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng lớn, tăng chi tiêu cho an sinh xã hội và cấp vốn trực tiếp cho các dự án nhà ở đang bị trì hoãn. Tuy nhiên, ông cảnh báo không nên tin chắc rằng Bắc Kinh đương nhiên sẽ đưa ra một gói kích cầu lớn bằng chính sách tài khóa.

“Bắc Kinh sẽ triển khai một loạt các biện pháp tài khóa và các chính sách hỗ trợ khác, nhưng quy mô và nội dung cuối cùng của gói kích cầu bằng chính sách tài khóa có thể khá ngẫu hứng và không chắc chắn do bong bóng chứng khoán đang hình thành và vẫn còn đó cuộc tranh luận gay gắt về những gì Chính phủ Trung Quốc nên tập trung vào”, ông Lu viết trong một báo cáo ngày 3/10.

Các nhà kinh tế của ngân hàng Morgan Stanley đưa ra cảnh báo tương tự, đề cập đến các yếu tố bao gồm gánh nặng nợ nần hiện nay của Trung Quốc. Tỷ lệ nợ trên GDP của Trung Quốc đã tăng lên mức kỷ lục 286% vào đầu năm nay - theo dữ liệu của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) và Tổng cục Thống kê Trung Quốc (NBS) do Bloomberg tổng hợp.

Một báo cáo hôm 1/10 của Morgan Stanley viết: “Yêu cầu mở rộng tài khóa đối với Trung Quốc từ này trở đi chỉ có tăng. Mặc dù không có giới hạn cứng nào về mức độ kích cầu bằng chính sách tài khóa, nhưng chúng tôi tin rằng các nhà hoạch định chính sách có thể do dự một cách tự nhiên trong việc đưa ra các biện pháp như vậy, trong bối cảnh thâm hụt tài khóa rộng khắp và mức nợ công tăng cao”.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate