Khảo sát hôm 22/6 của Mustgo, nền tảng đặt phòng với hơn 2.000 đối tác khách sạn trên toàn quốc, đã chỉ ra thực trạng hầu hết các điểm đến du lịch phụ thuộc vào vé máy bay có công suất phòng chỉ ở mức khá hoặc trung bình dịp hè năm nay.
Điển hình, Quy Nhơn ghi nhận công suất chung đạt trên 50% với khách sạn 4 - 5 sao, tuy nhiên tháng 6 còn trống nhiều phòng. Đại diện một số khách sạn cho biết lượng khách chủ yếu từ TP.HCM và một số tỉnh miền Tây nhưng "mất hẳn khách từ phía bắc" do giá vé máy cao. So với cùng kỳ năm trước, lượng khách miền Bắc giảm khoảng 70%.
Tương tự, công suất phòng khách sạn 4 - 5 sao ở Phú Quốc giai đoạn hè trung bình cũng đạt 50%. Trong tháng 6, phòng trống nhiều nên các khách sạn cho phép đại lý du lịch bán free sale (bán không giới hạn trong một thời gian nhất định). Tại Nha Trang, công suất các khách sạn 4 - 5 sao mặt biển chuẩn quốc tế lẫn địa phương cũng chỉ đạt khoảng 50 - 60% trong tháng 6 và tháng 7. Các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch như khách sạn, nhà hàng ở Nha Trang cho biết năm nay đón khá ít du khách đến từ miền Bắc.
Nhà hàng Bờ Biển Vàng ở Nha Trang cho biết lượng khách từ phía Bắc được các công ty lữ hành gửi đến đã giảm khoảng 70% so với năm ngoái, hiện cơ sở chủ yếu đón khách miền Trung và Nam. Ông Hoàng Anh, chủ một khách sạn 4 sao ở Nha Trang, cũng cho biết lượng khách từ Hà Nội giảm khoảng 60% so với năm ngoái. Từ sau dịch, khách sạn chỉ dám tăng giá khoảng 2 - 3%, và đã cố gắng hỗ trợ công ty lữ hành nhưng "khó có thể làm gì hơn".
Tại khu vực miền Trung, Đà Nẵng vẫn là điểm đến hàng đầu, đặc biệt có thêm lễ hội pháo hoa dịp cuối tuần tháng 6. Công suất phòng trung bình của các khách sạn 4 - 5 sao mặt biển đều đạt trên 70%, phân phúc 3 sao trong phố tương tự.
Theo Trần Quốc Hùng, Trưởng phòng Phát triển Sản phẩm Mustgo, khách miền Bắc hè này chủ yếu chọn du lịch Sa Pa, Quảng Ninh hay Quảng Bình. Tại Sa Pa, Mustgo ghi nhận công suất cuối tuần phân khúc 3 - 5 sao đạt 60 - 70%, một số resort 5 sao ghi nhận công suất 100% vào dịp cuối tuần. Khách sạn 4 - 5 sao ở Quảng Ninh luôn đạt 80 - 90% công suất trong tháng 6, cuối tuần hết phòng.
Ông Hùng nhận xét tuy đang trong giai đoạn cao điểm nhưng các tỉnh thành phụ thuộc vào đường bay hầu như không đạt công suất phòng như kỳ vọng. Lý do cả khách lẻ lẫn khách đoàn đều cân nhắc kỹ về chi phí, ưu tiên chọn điểm đến gần thành phố mình sống. Còn theo ông Phạm Anh Vũ, Giám đốc Marketing Công ty Du Lịch Việt, hiện tại, khách hàng vẫn có xu hướng chờ vé rẻ, vé khuyến mại từ hãng bay nhưng số lượng vé này cũng hạn chế. Các điểm đến có biển, thuận tiện di chuyển bằng đường bộ hứa hẹn vẫn là điểm nóng trong thời gian tới.
Về phía các đơn vị lữ hành, khảo sát ở nhiều công ty bán tour du lịch hè 2024 cho thấy, khách từ Hà Nội và các tỉnh, thành phố phía Bắc không ưu tiên lựa chọn các điểm xa như Phú Quốc, Nha Trang, Quy Nhơn, Phan Thiết, Phú Yên… Đa phần khách chuyển hướng tới những điểm đến cự ly gần, tương đối dễ di chuyển bằng ôtô như Thiên Cầm (Hà Tĩnh), Cửa Lò (Nghệ An), Sầm Sơn (Thanh Hóa), Hạ Long (Quảng Ninh), Ninh Bình, Hải Tiến (Thanh Hóa)…
Theo ông Nguyễn Thành Lưu, Tổng Giám đốc Lữ hành Saigontourist, hè là mùa du lịch dài nhất trong năm. Nhằm kích cầu, Saigontourist đang phối hợp cùng Vietnam Airlines nghiên cứu xây dựng sản phẩm ưu đãi với chuyến bay khởi hành sau 21 giờ hằng ngày đến các điểm đến du lịch trong nước với mức giá vé máy bay giảm hơn 50% và miễn phí đêm khách sạn đầu tiên trong chương trình tour. Dự kiến, dòng sản phẩm này sẽ góp phần tăng nhu cầu du lịch đường bay của du khách trong mùa hè năm nay.
Ảnh hưởng của giá vé máy bay cao khiến các sản phẩm teambuilding - vốn chiếm tỷ lệ cao dịp hè cũng đổi lịch trình từ đường bay sang đường bộ. Theo bà Trần Phương Linh, đại diện BenThanh Tourist, nhóm khách hàng đoàn thể, doanh nghiệp quy mô 300 - 600 khách tổ chức teambuilding, MICE năm nay có xu hướng lựa chọn các chương trình tour đường bộ, và các điểm đến đảm bảo các yếu tố hạ tầng cơ sở hoàn thiện, cảnh quan thiên nhiên đẹp và giao thông thuận tiện như Phan Thiết, Nha Trang.
Nhiều đơn vị lữ hành đã linh hoạt mở rộng sản phẩm tour đường bộ, đường sắt, tuyến cao tốc, các gói combo, dịch vụ lẻ khởi hành. Tuy nhiên, về lâu dài, điều này có thể làm suy giảm sức cạnh tranh và sức hút của du lịch Việt Nam. Mặt khác, để tận dụng cơ hội phát triển du lịch đường bộ trong bối cảnh giá vé máy bay đang cao, các doanh nghiệp lữ hành cũng cần phải cải thiện, nâng cao chất lượng dịch vụ phương tiện vận chuyển đường bộ và đường sắt; tăng cường tiếp thị, quảng bá cho các điểm đến nội địa; đẩy mạnh hợp tác để tạo ra các gói tour hấp dẫn, tiện ích.
Thực tế, giá vé máy bay đã “hạ nhiệt” khi vào hè. Theo khảo sát, giá vé máy bay khứ hồi chặng Hà Nội - Phú Quốc có lịch khởi hành từ 25 – 29/6 dao động từ 3,3 - 3,7 triệu đồng. Sang tháng 7, giá vé trung bình khoảng 2,87 triệu đồng, tăng lên khoảng 3,1 triệu đồng vào một số ngày cuối tuần. Hành khách có nhiều khung giờ để lựa chọn, với chuyến sớm nhất từ 6h30, và chuyến muộn nhất vào 18h10.
Tuy nhiên, giá vé máy bay như vậy vẫn ở mức cao so với thu nhập của người dân. Chi phí di chuyển bằng đường hàng không hiện chiếm khoảng 50% tổng chi phí cho cả chuyến đi, tăng từ 30% trước đây. Thêm vào đó, kinh tế suy giảm và thu nhập giảm sút khiến người dân thắt chặt chi tiêu. Thay vì bay, nhiều người chọn các điểm đến gần hơn hoặc sử dụng ô tô và tàu hỏa để tiết kiệm chi phí.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, với các chuyến bay có ngày khởi hành xa hơn, càng có nhiều mức giá thấp được các hãng công bố để hành khách có nhu cầu lựa chọn. Khi có kế hoạch đặt vé máy bay từ sớm và xa ngày khởi hành, hành khách có nhiều cơ hội đặt được chỗ trên những chặng bay và nhiều lựa chọn các mức giá phù hợp với điều kiện và nhu cầu di chuyển của mình.
Vé tàu hỏa giường nằm từ Hà Nội, TP.HCM đi tới các điểm du lịch như Quảng Bình, Lào Cai, Nha Trang, Phan Thiết gần như hết dù được đặt trước một đến hai tuần. Chẳng hạn, tình trạng hết vé, đặc biệt các chuyến giờ đẹp, cho chặng Hà Nội - Đồng Hới kéo dài tới giữa tháng 7. Chặng Hà Nội - Lào Cai trong tháng 7 lượng vé cuối tuần cũng còn ít.