Ông Hoàng Xuân Đôn, Trưởng ban Quản lý Công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn, cho biết tỉnh Hà Giang đang hoàn thiện đề án thu phí tham quan địa danh này. Nguồn lực đầu tư để xây dựng và phát triển cao nguyên đá Đồng Văn từ trước đến nay được sử dụng từ ngân sách địa phương, như hệ thống giao thông, nước sạch, điện, chuyển đổi nghề nghiệp và mô hình kinh tế, an ninh chính trị và quốc phòng...
Tuy nhiên, theo ông Đôn với xu thế phát triển của cao nguyên đá Đồng Văn trong giai đoạn tới, nếu chỉ chờ nguồn kinh phí bao cấp từ ngân sách nhà nước sẽ "thiếu hụt trầm trọng, không thể đáp ứng nhu cầu xây dựng và phát triển". Đặc biệt, với hệ thống khuyến nghị và tiêu chí ngày càng cao của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO, cũng như nhu cầu từ du khách, nguồn lực đầu tư cho hạ tầng, quảng bá, giáo dục, bảo tồn và quản lý cũng tăng theo. Chí phí cho mỗi kỳ tái thẩm định sẽ vượt quá khả năng của tỉnh.
Ông Đôn cho biết có khoảng 40 điểm trong phạm vi cao nguyên đá Đồng Văn có thể thu phí nhưng tỉnh Hà Giang mới chỉ thu phí ba điểm, gồm hang Lùng Khúy (Quản Bạ); Nhà Vương, cột cờ Lũng Cú (Đồng Văn). Từ năm 2017 đến năm 2021, tổng số phí thu được khoảng 29 tỷ đồng, sau khi nộp ngân sách chỉ còn 17,2 tỷ đồng.
"Khi tham khảo kinh nghiệm của một số quốc gia và tỉnh thành trong nước, chúng tôi nhận thấy việc thu phí vào các điểm tham quan du lịch góp phần quan trọng vào công tác bảo tồn, phát triển các khu di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch", ông Đôn nói.
Được biết, tỉnh Hà Giang đã chuẩn bị cho việc này 4 năm nay nhưng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên chưa triển khai được. “Hiện các sở ban ngành của tỉnh đang thảo luận nhiều về việc này. Đa số đều ủng hộ vì chủ trương thu phí để tái đầu tư cho đồng bào dân tộc. Nhưng vẫn đang gặp nhiều khó khăn về mức thu và địa điểm thu phí”, ông Đôn nói.
Đặc biệt, tại cao nguyên đá Đồng Văn các điểm tham quan rất dàn trải, nếu thu phí theo từng điểm thì mỗi điểm mất thêm 5 - 7 người làm việc nên lượng nhân công khá lớn. Hơn nữa, về mặt cảm xúc sẽ gây khó chịu cho du khách vì một ngày phải “rút ví” vài chục lần để mua vé tham quan. “Còn nếu thu tại 1 điểm thì mức thu sẽ là bao nhiều và phương án thu phí như thế nào vẫn đang được bàn bạc”, ông Đôn cho biết.
Trước đó, vào tháng 4/2023, tỉnh Hà Giang đã tổ chức tọa đàm về xây dựng sản phẩm du lịch mới. Tại buổi tọa đàm, Hà Giang đề xuất và xin ý kiến về việc thu phí tham quan Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn theo số đêm lưu trú. Tỉnh dự kiến tổ chức thu phí với 3 phương án ở mức thu là 20, 30, 40 nghìn đồng/người/đêm đối với người lớn; 10, 15, 20 nghìn đồng/người/đêm đối với trẻ em. Nếu theo phương án này, dự kiến vào năm 2024, lượng khách tham quan cao nguyên đá Đồng Văn có thể thu vé vào khoảng 1,78 triệu lượt, doanh thu hơn 70 tỷ đồng.
Nguồn kinh phí thu được sẽ được chi cho đơn vị tổ chức quản lý thu phí, cơ sở lưu trú trực tiếp thu phí, bảo tồn, bảo vệ, xây dựng sản phẩm mới ở cao nguyên đá Đồng Văn. Mức phân chia nguồn thu phí có các đơn vị là: Ủy ban Nhân dân các huyện, xã, thị trấn 20%; các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú trực tiếp thu phí 20%; nộp ngân sách nhà nước 60%. Nguồn phí này sẽ được phục vụ đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng du lịch, phát triển sản phẩm mới, xây dựng các công trình vệ sinh môi trường.
Tại buổi tọa đàm, đã có nhiều ý kiến đóng góp đối với vấn đề này. Các địa biểu cho rằng, việc thu phí là vấn đề nhạy cảm, tác động đến nhiều đối tượng, do đó trước khi thực hiện thu phí, tỉnh cần làm đề án thu phí và xin ý kiến của các đối tượng bị tác động và nhân dân.
Có ý kiến cho rằng cũng phải xây dựng phương án thu phí và quản lý một cách công bằng, công khai, minh bạch để bảo đảm khoản tiền thu được sẽ được sử dụng để bảo tồn và phát triển du lịch một cách hiệu quả. Ngoài việc thu phí tham quan Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang cũng đề xuất thu phí du khách tham quan bảo tàng tỉnh.
Điều đặc biệt nhất với du khách khi đến Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn chính là đá. Đá dựng thành những hàng rào vững chắc, uốn lượn ôm trọn lấy những ngôi nhà nhỏ, những nương ngô... Bất cứ ở đâu trên Cao nguyên đá, trong các bản làng, ta đều bắt gặp những bức tường đá vô cùng chắc chắn bao quanh những ngôi nhà của người Mông rất xinh xắn. Những viên đá vốn thô ráp, gồ ghề, đầy góc cạnh đã được bàn những người đàn ông trong gia đình lựa chọn, sắp xếp một cách khéo léo mà không cần dùng tới xi măng hay bất cứ chất liệu kết dính nào khác để tạo thành những hàng rào đá vững chãi và độc đáo.
Ngoài ra, công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn đã trải qua 7 thời kỳ địa chất khác nhau nên có địa hình nổi bật với những dải núi đá tai mèo sắc nhọn, những hẻm vực núi sâu hun hút, những vách núi cao dựng đứng, cùng với đó là các vườn đá được thiên nhiên kiến tạo không chỉ giúp phát triển du lịch mà còn mang lại giá trị to lớn về mặt khoa học và nghiên cứu. Vì thế, du khách đến đây, có thể nhìn tận mắt những kiến tạo, karst, hang động và đứt gãy quan trọng.