May 30, 2015 | 07:40 GMT+7

Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng nhận nhiều “đặc ân” tài chính

Bảo Anh

Nhà nước sẽ đầu tư 200 triệu USD và cấp gần 4.000 tỷ đồng cho công tác giải phóng mặt bằng

Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng dự kiến sẽ thông xe toàn tuyến vào cuối năm nay.<br>
Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng dự kiến sẽ thông xe toàn tuyến vào cuối năm nay.<br>
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa ký quyết định điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn đầu tư và bổ sung các cơ chế, chính sách hỗ trợ cần thiết đối với dự án đường ôtô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Theo đó, phần Nhà nước tham gia, hỗ trợ tối đa 39% tổng mức đầu tư của dự án theo số liệu thẩm định của Bộ Giao thông Vận tải.

Ngoài các cơ chế, chính sách thí điểm hiện hành, dự án còn được điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn đầu tư và bổ sung các cơ chế, chính sách hỗ trợ cần thiết.

Cụ thể, Thủ tướng quyết định chuyển sang hình thức Nhà nước đầu tư trực tiếp vào dự án khoản vay 200 triệu USD từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc.

Đối với khoản vay 100 triệu USD từ Ngân hàng Tái thiết Đức KFW, Thủ tướng giao Bộ Tài chính xem xét hình thức chuyển đổi hoặc hỗ trợ phù hợp với quy định của Luật Quản lý nợ công và các quy định của pháp luật liên quan.

Người đứng đầu Chính phủ cũng quyết định Nhà nước hỗ trợ chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư của dự án khoảng 3.699 tỷ đồng. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính có nhiệm vụ bố trí nguồn vốn ngân sách Nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 để hỗ trợ theo quy định.

Thủ tướng cho phép Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) được sử dụng tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải nộp của các khu đô thị và khu công nghiệp theo Quyết định số 1621/2007.

Cụ thể, đối với khu đô thị Gia Lâm, Hà Nội thực hiện theo nội dung quy định tại điểm đ, mục 2, Thông báo số 197 ngày 12/5/2014 của Văn phòng Chính phủ. Đối với các khu đô thị, khu công nghiệp khác, VIDIFI làm việc với các tỉnh, thành phố liên quan để có phương án cụ thể, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Thủ tướng Chính phủ giao Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) và VIDIFI chịu trách nhiệm tìm kiếm đối tác hoặc tăng vốn chủ sở hữu theo đúng quy định.

Trước mắt, Thủ tướng Chính phủ đồng ý vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp dự án là 3.200 tỷ đồng.

Ngoài phần vốn Nhà nước đầu tư trực tiếp và các khoản hỗ trợ nêu trên, VDB và VIDIFI chịu trách nhiệm huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để triển khai dự án, trong đó bao gồm việc cân đối tài chính trong 5 năm đầu vận hành Dự án.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu VIDIFI thực hiện đúng quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng và các quy định có liên quan để đưa Dự án vào sử dụng bảo đảm chất lượng công trình và hiệu quả đầu tư.

Dự án đường ôtô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng do VIDIFI làm Chủ đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT). Đường có tổng chiều dài 105,5 km với điểm bắt đầu nằm trên đường vành đai 3 của Hà Nội đi qua các tỉnh, thành phố là Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng và điểm cuối đường là đập Đình Vũ (thuộc quận Hải An, Hải Phòng).

Tuyến đường được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A có 6 nút giao liên thông khác mức tại giao cắt với các quốc lộ. Tuyến đường có 9 cầu lớn, 21 cầu trung, 22 cầu vượt với tổng chiều dài cầu khoảng 11 km. 124 cống chui và cầu vượt dân sinh.

Tốc độ ôtô thiết kế đạt 120km/giờ. Mặt cắt ngang bình quân là 100 m, mặt đường rộng 33 m với 6 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp, có dải phân cách giữa, dải cây xanh hai bên đường, có đường gom ở các vị trí cần thiết...

Dự kiến đến cuối năm nay, cao tốc này sẽ thông xe toàn tuyến.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate