March 13, 2023 | 10:49 GMT+7

Cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây có lỡ tiến độ vì thiếu vật liệu san lấp?

Nhu cầu đất đắp để hoàn thành dự án cần khoảng 620.000 m3 so với trữ lượng còn lại khoảng 960.000 m3. Vì chưa được gia hạn khai thác nên hiện không có vật liệu đất để thi công, do vậy việc hoàn thành dự án vào ngày 30/4/2023 sắp tới sẽ không thực hiện được...

Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đoạn giao nhau tại vòng xoay Dầu Giây đầu quốc lộ 20 đi Lâm Đồng. Ảnh: Lê Lâm.
Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đoạn giao nhau tại vòng xoay Dầu Giây đầu quốc lộ 20 đi Lâm Đồng. Ảnh: Lê Lâm.

Đó là nội dung chính trong văn bản kiến nghị Bộ Giao thông vận tải gửi Thủ tướng Chính phủ liên quan đến việc gia hạn sử dụng vật liệu đất dôi dư thu hồi trong quá trình thực hiện hạ cốt nền, cải tạo đất nông nghiệp, nâng cao hiệu quả cây trồng phục vụ thi công dự án cao tốc  Dầu Giây - Phan Thiết.

Dự án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết thuộc dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc Nam phía đông, dài 99 km, đi qua địa phận hai tỉnh Bình Thuận (48 km) và Đồng Nai (51 km), được khởi công cuối tháng 9/2020. Theo kế hoạch, tuyến cao tốc này sẽ hoàn thành vào cuối năm 2022.

Toàn tuyến chia thành bốn gói thầu xây lắp (từ 1-XL đến 4-XL), có 18 cầu trên cao tốc và 47 cầu vượt đường ngang dân sinh. Ban quản lý Dự án Thăng Long (Ban Thăng Long) làm đại diện chủ đầu tư. Giai đoạn 1 của dự án được xây dựng theo quy mô bốn làn xe với tổng mức đầu tư hơn 12.577 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng là hơn 7.200 tỷ đồng.

Dự án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết được thông xe kỹ thuật toàn tuyến vào ngày 31/12/2022, cùng với hai dự án cao tốc khác là tuyến Vĩnh Hảo – Phan Thiết và Mai Sơn – quốc lộ 45. Tuyến chưa đưa vào sử dụng và dự kiến sẽ khánh thành, đưa vào khai thác dịp trước 30/4/2023.

Trong văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải cho biết: Giải quyết các khó khăn về nguồn vật liệu đất đắp cho dự án, bên cạnh thực hiện các thủ tục cấp phép các mỏ đất cho dự án theo cơ chế đặc thù tại Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 16/6/2021 và Nghị quyết số 133/NQ-CP ngày 19/10/2021 của Chính phủ, Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Nai đã hỗ trợ, cấp cho các nhà thầu 5 vị trí với tổng trữ lượng là hơn 2,1 triệu m3 theo hình thức lập hồ sơ cải tạo hạ cốt nền, cải tạo đất nông nghiệp, nâng cao hiệu quả cây trồng.

Cũng theo Bộ Giao thông vận tải, vật liệu đất dư ra trong quá trình thực hiện đã được thu hồi để sử dụng cho dự án với thời hạn đến ngày 31/12/2022, là phù hợp với tiến độ ban đầu của các hợp đồng xây lắp đã ký.

Tuy nhiên, Bộ Giao thông vận tải cũng nêu rõ là do các nguyên nhân khách quan, như dịch Covid-19 kéo dài, điều kiện thời tiết bất lợi, khan hiếm vật liệu đắp nền (thủ tục cấp phép khai thác theo quy định mất nhiều thời gian) ảnh hưởng đến tiến độ, dự án phải gia hạn thời gian thực hiện các gói thầu đến ngày 30/4/2023. Vì vậy cần phải gia hạn thời gian khai thác vật liệu. Các nhà thầu đã làm các thủ tục xin gia hạn khai thác theo quy định, song đến nay chưa được Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai chấp thuận.

Lý do tỉnh Đồng Nai chưa chấp thuận là vì đang có cuộc thanh kiểm tra của Thanh tra Chính phủ tại địa phương về việc cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cho dự án giao thông quan trong quốc gia.

Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây hôm thông xe kỹ thuật vào 31/12/2022. Ảnh: Lê Lâm.
Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây hôm thông xe kỹ thuật vào 31/12/2022. Ảnh: Lê Lâm.

Theo Bộ Giao thông vận tải, nếu Đồng Nai chờ ý kiến kết luận chính thức của Thanh tra Chính phủ mới xem xét việc gia hạn khai thác cho các nhà thầu sẽ mất thời gian ít nhất khoảng một tháng, ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành dự án vào 30/4 sắp tới.

Trên các cơ sở đó, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà thu xếp, bố trí một cuộc họp với thành phần tham dự gồm Thanh tra Chính phủ, Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Nai, Bộ Giao thông vận tải cùng các cơ quan đơn vị liên quan, xem xét việc gia hạn các vị trí hạ cốt nền cải tạo đất nông nghiệp nâng cao hiệu quả cây trồng, vật liệu đất dôi dư trong quá trình thực hiện được thu hồi để sử dụng cho dự án, đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành các gói thầu trước ngày 30/4/2023 theo yêu cầu.

Tính đến thời điểm hiện nay, toàn tuyến cao tốc dài gần 100 km này cơ bản đã hoàn thành, nhiều đoạn đã xong thảm nhựa và lắp các hạng mục phụ như dải phân cách, rào chắn, lưới chắn… Một số điểm còn lu đất, rải đá dăm, thảm nhựa. Các cây cầu dân sinh còn đang thi công đường dẫn.

Theo đúng kế hoạch, toàn tuyến sẽ hoàn thành và chính thức thông xe vào ngày 30/4/2023, sau đó đưa ngay vào khai thác sử dụng.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate