October 21, 2023 | 07:00 GMT+7

Cấp sổ đỏ: TP.HCM khó giải quyết trường hợp người dân tự ý tách thửa

Ban Mai -

Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) tại TP.HCM hiện gặp khó khăn, vướng mắc với trường hợp người dân tự ý tách thửa, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển quyền bằng giấy tay…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Văn phòng UBND TP.HCM vừa có Thông báo số 821 về ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường về hồ sơ tự ý tách thửa, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển quyền bằng giấy tay.

Theo đó, về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình cá nhân, hiện nay pháp luật đất đai đã có quy định về thẩm quyền, điều kiện, trình tự thủ tục thực hiện.

Thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo Văn phòng Đăng ký Đất đai TP.HCM và các quận, huyện triển khai thực hiện công tác cấp Giấy chứng nhận cho hộ gia đình cá nhân và đã giải quyết cấp được 1.579.274 Giấy chứng nhận (đạt tỷ lệ 99,19 %).

Tuy nhiên, công tác này còn gặp khó khăn vướng mắc đối với trường hợp người dân tự ý tách thửa, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển quyền bằng giấy tay, dẫn đến còn một số lượng hồ sơ chưa được giải quyết cấp Giấy chứng nhận do pháp luật đất đai qua nhiều thời kỳ có các quy định khác nhau và cần phải có sự phối hợp xử lý nhiều vấn đề của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Để giải quyết tình trạng trên và nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với UBND các quận, huyện và TP. Thủ Đức căn cứ tình hình của địa phương và Công văn số 7881 (ngày 23/8/2023) của Sở Tài nguyên và Môi trường để xây dựng kế hoạch phối hợp, triển khai thực hiện theo quy định.

Trong đó, cần phân loại các dạng hồ sơ, xác định thời gian thực hiện, xây dựng cơ chế phối hợp của các cơ quan, đơn vị trong việc xử lý các vấn đề có liên quan; đảm bảo các điều kiện về cơ sở hạ tầng và quy hoạch, không để xảy ra tình trạng phân lô, tách thửa, xây dựng không đúng quy định.

Đối với nhóm hồ sơ chưa tiếp nhận, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các quận, huyện và TP. Thủ Đức hệ thống các điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận, có kế hoạch công khai thông tin rộng rãi và tuyên truyền, yêu cầu người dân thực hiện theo đúng quy định; kiểm tra xử lý các trường hợp vi phạm (nếu có).

Liên quan đến việc tách thửa trên địa bàn TP.HCM, ông Bùi Xuân Cường, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường hoàn thiện và trình dự thảo quyết định thay thế Quyết định số 60 của UBND TP.HCM (ngày 05/12/2017) và hoàn thiện trước ngày 20/10/2023. Quyết định số 60 của UBND TP.HCM quy định về diện tích tối thiểu được tách thửa, áp dụng cho các trường hợp tách thửa có hình thành đường giao thông, tách thửa đất nông nghiệp, tách thửa đất phi nông nghiệp...

Tuy nhiên, từ ngày 08/02/2021, nghị định 148 hướng dẫn Luật Đất đai có hiệu lực nên Sở Quy hoạch và Kiến trúc nhận thấy nội dung của quyết định 60 về tách thửa đất có hình thành đường giao thông không còn phù hợp với quy định nghị định 148 nên tham mưu cho UBND TP.HCM rà soát lại quyết định 60 để điều chỉnh cho phù hợp.

Tháng 4/2021, Sở Quy hoạch và Kiến trúc ban hành văn bản hướng dẫn nội bộ đề nghị tạm ngưng nhận hồ sơ giải quyết tách thửa và UBND TP.HCM chấp thuận. Song song đó, UBND TP.HCM giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì soạn thảo quyết định thay thế quyết định 60 về tách thửa. Nhưng đến nay đã 30 tháng, việc tách thửa bị "đứng hình" và quyết định thay thế vẫn chưa có.

Thông tin tại cuộc họp báo định kỳ của TP.HCM (ngày 12/10/2023), ông Huỳnh Trịnh Phong, Trưởng phòng Quản lý sau quy hoạch - Pháp chế, Sở Quy hoạch và Kiến trúc, cho rằng việc tạm ngưng tách thửa chỉ áp dụng đối với trường hợp tách thửa có hình thành đường giao thông, còn các nội dung tách thửa khác như tách thửa đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp… thì vẫn tiến hành bình thường.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate