Thị trường có thêm hai nhịp lùi tạo đáy sâu mới trong khoảng 30 phút đầu phiên chiều nay, trước khi quay đầu phục hồi. Điểm thấp nhất của VN-Index tới 1245.02, ngay sát đáy tháng 6. Dòng tiền bắt đầu hành động, khá nhiệt tình ở vùng giá thấp nhưng đã chững lại không đuổi giá về cuối.
Không chỉ mua thận trọng, dòng tiền chiều nay cũng có sự chọn lọc cao. Sàn HoSE đóng cửa vẫn có tới 350 cổ phiếu giảm so với 96 mã tăng. Thời điểm chỉ số tạo đáy cũng chỉ là 393 mã giảm/60 mã tăng. Nói cách khác, chỉ vài chục cổ phiếu phục hồi đủ để vượt tham chiếu, đại đa số vẫn còn giảm rất sâu.
Thực vậy, trong 350 cổ phiếu đỏ cuối phiên, có tới 22 mã giảm sàn và 176 mã khác giảm trên 1%. Trong khi đó VN-Index đóng cửa giảm 0,8% tương đương mất 10,14 điểm so với tham chiếu. So sánh thì cuối phiên sáng VN-Index giảm 15,69 điểm nhưng chỉ có 12 mã giảm sàn.
Nguyên nhân là dòng tiền bắt đáy không ào ạt ở tất cả các cổ phiếu, thậm chí còn bán tháo ở rất nhiều mã, trong khi mua vào chọn lọc các mã khác. Do đó khả năng phục hồi giá rất khác nhau.
Lấy ví dụ rổ VN30, chiều nay có tới 21 cổ phiếu tăng giá so với mức chốt buổi sáng, chỉ 6 mã tụt sâu thêm. VN30-Index đóng cửa cũng chỉ giảm 0,23% với 12 mã tăng/15 mã giảm, phục hồi đáng kể so với mức giảm 0,84% của phiên sáng (độ rộng 7 mã tăng/21 mã giảm). MSN có phiên chiều bứt phá ấn tượng khi tăng thêm 1,26% nữa, đóng cửa tăng tổng cộng 1,69%. VHM có màn lội ngược dòng tăng 1,34% chiều nay, đảo chiều thành tăng 0,13% so với tham chiếu. TCB cũng tăng 1,72% buổi chiều để vượt tham chiếu 1,07%. HDB, VRE, POW là các mã khác đảo chiều thành công. Nhóm BCM, MBB, BVH, MWG cũng có phiên chiều phục hồi tốt nhưng chưa đủ để đổi màu giá. Thống kê rổ này có 10 mã tăng thêm trên 1% so với giá buổi sáng.
Mặc dù chưa nhiều cổ phiếu đảo chiều thành công, nhưng biên độ hồi giá so với mức đáy của phiên trong rổ VN30 là tích cực. 10 cổ phiếu của rổ có biên lợi nhuận trong ngày hơn 2% kể từ giá đáy, 11 mã khác phục hồi từ 1% tới 2% so với mức thấp nhất. Nhìn từ góc độ bắt đáy, đây là kết quả không tệ.
Biên độ phục hồi mạnh như vậy không phải là phổ biến. Mở rộng ra toàn sàn HoSE cũng chỉ có 107 mã đạt mức phục hồi từ 2% trở lên so với đáy trong phiên, tương đương 28,9% tổng số cổ phiếu có giao dịch ở sàn này. Rất nhiều cổ phiếu tuy hồi mạnh nhưng giá còn giảm sâu. Nói đơn giản, biên độ dao động giá của đa số cổ phiếu hôm nay rất rộng, đặc biệt là biên độ giảm sâu nhất, nên dù giá có hồi lại thì vẫn còn khoảng cách khá xa để quay lại tham chiếu chứ chưa nói là xanh được.
Nhóm chịu áp lực rất lớn hôm nay có mức độ phục hồi không đáng kể. Trong 22 cổ phiếu đóng cửa giá sàn, nhiều mã thanh khoản cả trăm tỷ đồng như HDG, CTS, VDS. Những mã giảm rất sâu như DGC giảm 6,02%, NVL giảm 6,3%, VIX giảm 6,65%, HSG giảm 3,79%, GVR giảm 5,07%, PC1 giảm 4,95%, ANV giảm 3,19%, DBC giảm 4,8%, PVT giảm 3,86%... đều phục hồi rất yếu chỉ trong biên độ 1-2 bước giá so với mức thấp nhất.
Thanh khoản hai sàn niêm yết chiều nay cũng không mạnh, chỉ khớp thêm 9.337 tỷ đồng, giảm tới 18% so với phiên sáng. HoSE giảm giao dịch 16,7%, đạt 8.681 tỷ đồng. Điều này cũng cho thấy dòng tiền bắt đáy có hoạt động, nhưng không sẵn sàng mua đuổi. Ngược lại, thanh khoản giảm và giá phục hồi cũng thể hiện áp lực bán có giảm đi một chút.
Nhà đầu tư nước ngoài chiều nay giải ngân khá tốt, mua ròng 215,1 tỷ đồng trên sàn HoSE. Phiên sáng khối này mua ròng tổng hợp 221,4 tỷ nhưng trong đó có thỏa thuận ròng 375 tỷ đồng ở SBT. Phiên chiều SBT không được giao dịch thêm và khối này mua nhiều cổ phiếu khác. Nổi bật là FPT +61,8 tỷ, VND +30,8 tỷ, SSI +28,9 tỷ, TCH +27,4 tỷ, MSN +25,3 tỷ, FTS +24,6 tỷ, HPG +21 tỷ, PLX +20,5 tỷ, GEX +20,2 tỷ. Bên bán DGC bị xả ròng thêm khoảng 20 tỷ nữa, nâng tổng mức bán ròng lên 97 tỷ đồng. VPB -53,7 tỷ, VHM -32,2 tỷ, MWG -31 tỷ, DXG -26,7 tỷ là các mã khác đáng chú ý.