October 25, 2022 | 12:09 GMT+7

Cầu bắt đáy trở lại, cổ phiếu blue-chips “dắt” VN-Index đảo chiều

Kim Phong -

Từ mức giảm gần 24 điểm, VN-Index quay đầu đi lên và chốt phiên sáng đã tăng 11,55 điểm. Dù chỉ trên tham chiếu 1,17% nhưng biên độ phục hồi của chỉ số lên tới 3,66%. Nhóm cổ phiếu blue-chips là động lực của diễn biến đảo chiều thành công, với thanh khoản trong rổ VN30 tăng 50% so với sáng hôm qua...

Nhóm vốn hóa lớn nhất của VN-Index đã đảo chiều tăng khá mạnh trong sáng nay.
Nhóm vốn hóa lớn nhất của VN-Index đã đảo chiều tăng khá mạnh trong sáng nay.

Từ mức giảm gần 24 điểm, VN-Index quay đầu đi lên và chốt phiên sáng đã tăng 11,55 điểm. Dù chỉ trên tham chiếu 1,17% nhưng biên độ phục hồi của chỉ số lên tới 3,66%. Nhóm cổ phiếu blue-chips là động lực của diễn biến đảo chiều thành công, với thanh khoản trong rổ VN30 tăng 50% so với sáng hôm qua.

Thông tin đồn thổi khiến thị trường náo loạn hôm qua cuối cùng cũng được xác nhận, bằng quyết định tăng lãi suất điều hành thêm 1% nữa đồng thời nâng trần lãi suất huy động. Thị trường đã không còn hoảng loạn nữa, dù vẫn có một nhịp rơi khá mạnh.

VN-Index chạm đáy lúc 10h30, xuống 962,45 điểm, tương đương giảm 2,4% nữa trước khi quay đầu phục hồi. Độ rộng của chỉ số tại đáy ghi nhận 50 mã tăng/366 mã giảm. Tuy nhiên đến gần 11h, độ rộng chuyển biến khá tốt, ghi nhận 118 mã tăng/298 mã giảm. Càng về cuối phiên đà phục hồi càng rõ hơn, chốt phiên sáng HoSE có 177 mã tăng/247 mã giảm.

VN30-Index tăng 1,67% so với tham chiếu, mạnh hơn nhiều so với mức tăng 1,17% của VN-Index và càng khác biệt so với Midcap chỉ tăng 0,89% và Smallcap giảm 0,56%. Rổ blue-chips ghi nhận 24 mã tăng/6 mã giảm, với BID tăng kịch trần. Top 10 cổ phiếu kéo gần 12,5 điểm (trong tổng 11,55 điểm tăng) cho chỉ số hoàn toàn thuộc rổ VN30. Ngoài BID dẫn đầu, còn có CTG tăng 6,67%, VNM tăng 3,38%, SAB tăng 3,92%, HPG tăng 4,57%, VCB tăng 1,32%.

VN-Index đảo chiều thành công.
VN-Index đảo chiều thành công.

Nhóm cổ phiếu tài chính khá nổi bật sáng nay với mức tăng ở chỉ số VNFIN là 2,23%. Dù vậy cũng chỉ có 15/27 cổ phiếu ngân hàng vượt được tham chiếu, trong đó 9 mã tăng hơn 1%, BID và SHB kịch trần. Nhóm chứng khoán cũng chỉ phân hóa, một số tăng trên 2% như SSI, VCI, BVS, MBS và hơn chục mã nhỏ giảm mạnh.

Riêng cổ phiếu bất động sản vẫn chưa thể phục hồi thành công. VIC đang giảm 3,36%, VHM giảm 1,12%, NVL giảm 1,21%, KBC giảm 5,01%, DIG giảm 5,47%... Chỉ số VNREAL đại diện nhóm bất động sản sàn HoSE vẫn đang giảm 1,95%.

Thị trường phục hồi dần có dấu ấn của lực cầu bắt đáy khá rõ. Thanh khoản khớp lệnh ở HoSE sáng nay đã tăng 51% so với sáng hôm qua, đạt 6.190 tỷ đồng. Tính chung hai sàn niêm yết, giao dịch cũng tăng 51%. Thanh khoản lớn hơn và giá được bẻ ngược chiều giảm là một tín hiệu khá mạnh mẽ, thể hiện nhu cầu mua nâng giá dần lên. Đà tăng thể hiện ở các chỉ số là rất dốc nửa sau phiên sáng nay.

Toàn thị trường có 17 cổ phiếu đạt giá trị khớp lệnh vượt 100 tỷ đồng thì có 6 mã vẫn đang giảm giá là VND giảm 2,85%, DIG giảm 5,47%, GEX giảm 1,22%, KBC giảm 5,01%, VHM giảm 1,12% và HDC giảm 4,52%. Số tăng hầu hết là mạnh, chỉ có 3 mã là tăng dưới 3%.

Khối ngoại sáng nay bán ròng 102,6 tỷ đồng trên HoSE, tập trung mạnh nhất là VND với -103,8 tỷ, HPG -40 tỷ, SSI -35 tỷ. Phía mua ròng chỉ có VCB là đáng kể, với 20,7 tỷ đồng. Khối này bán ra không nhiều, tổng giá trị khoảng 677,2 tỷ đồng, tương đương xấp xỉ 10% tổng giao dịch của HoSE. Phía mua đạ 574,7 tỷ đồng.

Sự kiện tăng lãi suất điều hành được đồn thổi suốt cả phiên hôm qua và là một trong những yếu tố thúc đẩy hoạt động bán tháo. Không phải nhà đầu tư nào cũng biết đến tin này và càng ít người có khả năng kiểm chứng sự thật. Tuy vậy thị trường có phản ứng khá mạnh mẽ trong phiên sáng nay, cho thấy đã có sự giải tỏa áp lực nhất định từ phiên bán tháo trước. Điều còn lại là thị trường sẽ suy nghĩ gì về áp lực kế tiếp, khi FED sẽ có động thái tăng lãi suất những tháng còn lại của năm 2022.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate