July 07, 2021 | 15:40 GMT+7

Cầu nâng giá ồ ạt, VN-Index lấy lại gần 34 điểm

Kim Phong -

Tâm lý hưng phấn gia tăng đáng kể trong phiên chiều khi nhà đầu tư chấp nhận nâng giá mua, đẩy giá nhiều cổ phiếu tăng mạnh hơn. Tuy nhiên thanh khoản phiên chiều không cao, nhưng khối ngoại tăng mua mạnh, chiếm tới gần 22% giá trị rổ VN30 chiều nay...

VN-Index nỗ lực tăng chiều nay, đã quay trở lại được mức điểm trước khi có cú sập ATC chiều hôm qua.
VN-Index nỗ lực tăng chiều nay, đã quay trở lại được mức điểm trước khi có cú sập ATC chiều hôm qua.

Tâm lý hưng phấn gia tăng đáng kể trong phiên chiều khi nhà đầu tư chấp nhận nâng giá mua, đẩy giá nhiều cổ phiếu tăng mạnh hơn. Tuy nhiên thanh khoản phiên chiều không cao, nhưng khối ngoại tăng mua mạnh, chiếm tới gần 22% giá trị rổ VN30 chiều nay.

Các cổ phiếu vốn hóa lớn đã tăng đồng thuận hơn, là nguyên nhân chính giúp VN-Index lấy lại độ cao chóng vánh. VHM, VIC, VCB, VNM là những cổ phiếu đột biến trong đợt ATC gây ảnh hưởng rất lớn.

Phục thù đợt ATC hôm qua, riêng đợt ATC hôm nay, VN-Index nhảy dựng lên thêm gần 11 điểm. VIC đột biến tăng thêm 1.800 đồng chỉ ở lần khớp cuối, kéo giá tăng 1,79%. VHM bật cao thêm 1.100 đồng, chốt tăng 6,07%. VCB thậm chí đang từ giảm 1% so với tham chiếu được kéo vọt tăng 1,25% so với tham chiếu. VNM được kéo thêm 1.300 đồng, tăng chung cuộc 3,22%.

Diễn biến đột ngột cuối phiên chiều nay ở mức độ nhẹ hơn một chút so với ATC hôm qua (VN-Index bị đánh gục gần 33 điểm), nhưng cùng một kiểu giao dịch dồn lệnh đột biến. Thanh khoản đợt ATC ở các cổ phiếu được đẩy giá lên khá lớn, ví dụ VCB giao dịch 69,2 tỷ đồng, VIC khoảng 47,5 tỷ, VHM gần 62,8 tỷ, VNM hơn 48,6 tỷ đồng...

Tính chung rổ VN30 đợt ATC giao dịch khoảng 1.090 tỷ đồng. Đây không phải là mức giao dịch lớn. Đúng hơn cả phiên chiều nay, thanh khoản có phần thấp. Cụ thể, sàn HoSE buổi chiều chỉ khớp được 10.198 tỷ đồng, giảm 30% so với chiều hôm qua. Giao dịch khá yếu khiến sàn HoSE phiên này giảm thanh khoản 9%, đạt 24.505 tỷ đồng.

Đặc biệt rổ VN30 buổi chiều giao dịch yếu, với 6.479 tỷ đồng, nghĩa là trong đợt khớp lệnh liên tục chiều, giá trị chỉ khoảng 5.389 tỷ đồng. Thế nhưng biến động của VN30-Index rất mạnh. Chỉ số này cuối phiên sáng tăng 0,78% nhưng đóng cửa tăng 3,38%. Độ rộng của rổ này áp đảo với 26 mã tăng/3 mã giảm, trong đó MWG và PNJ tăng kịch trần.

Độ rộng sàn HoSE cũng tốt lên đáng kể khi có 147 mã tăng/226 mã giảm (cuối phiên sáng mới có 67 mã tăng/304 mã giảm). Độ rộng thay đổi như vậy chứng tỏ đà hồi giá đã xuất hiện đồng loạt chiều nay.

Khi giá phục hồi tức là nhà đầu tư phải nâng giá mua lên mới có thể kéo tăng. Thanh khoản phiên chiều thấp cho thấy phía bán cũng không gây áp lực nhiều. Vì vậy lực cầu không gặp phải khối lượng bán cản lớn.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng không còn vai trò áp đảo trong chỉ số hôm nay. Dẫn đầu là VHM, tiếp đó là GAS rồi mới đến TCB. BID cũng khá mạnh khi tăng 3,41%, CTG tăng 3,86%, HDB tăng 4,29%, MBB tăng 4,99%, STB tăng 2,31%, TPB tăng 2,6%, VCB tăng 1,25%, ACB tăng ,53%... Nhóm giảm còn VPB giảm 0,42%, VIB giảm 1,39%.

Nhìn chung các nhóm cổ phiếu còn hút khách như chứng khoán, thép đều bật lên mạnh. VN30-Index tăng 3,38% nhưng 14 cổ phiếu trong rổ mạnh hơn chỉ số.

Điều hấp dẫn chiều nay một phần đến từ lực cầu rất mạnh của khối ngoại. Chỉ riêng với các mã thuộc VN30, khối ngoại giải ngân thêm tới 1.420 tỷ đồng, tức là chiếm xấp xỉ 22% tổng giá trị khớp của cả rổ buổi chiều. Đây là tỷ trọng rất lớn. Cả phiên rổ VN30 được mua 2.760 tỷ đồng và mức ròng là 1.577 tỷ đồng.

Toàn sàn HoSE phiên này khối ngoại giải ngân 3.719,4 tỷ đồng và mua ròng 2.081,3 tỷ đồng. VPB, CTG vẫn bị bán ròng, nhưng mua áp đảo là VHM, MBB, HPG, VNM, STB, MSN, SSI. Đây là các cổ phiếu được mua ròng trên 100 tỷ đồng, trong khi phiên sáng chỉ mới có 3 mã. HDB, KBC, NVL, GEX, KDH, GAS cũng là những cổ phiếu được mua cực tốt, quanh mức 50 tỷ đồng trở lên.

VN-Index lấy lại 33,76 điểm hôm nay sau khi để mất 56,34 điểm hôm qua. So với đỉnh hôm 2/7, chỉ số này vẫn đang thấp hơn 31,72 điểm tương đương 2,23%. VN30 mạnh hơn, chỉ còn thấp hơn đỉnh 1,2%.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate