March 14, 2023 | 15:54 GMT+7

Cầu ngoại “chìm nghỉm” trong lực bán từ khối nội, VN-Index bốc hơi 1,2%

Kim Phong -

Quy mô mua vào của khối ngoại chiều nay khá thất vọng, chỉ nhỉnh hơn buổi sáng một chút. Trong khi đó nhà đầu tư trong nước lại tiếp tục bán mạnh khiến những nỗ lực phục hồi giá của cổ phiếu bất thành. So với hôm qua, khối ngoại mua vào giảm tới 25% về giá trị...

VN-Index không thể phục hồi nổi chiều nay, dù khối ngoại có tăng mua.
VN-Index không thể phục hồi nổi chiều nay, dù khối ngoại có tăng mua.

Quy mô mua vào của khối ngoại chiều nay khá thất vọng, chỉ nhỉnh hơn buổi sáng một chút. Trong khi đó nhà đầu tư trong nước lại tiếp tục bán mạnh khiến những nỗ lực phục hồi giá của cổ phiếu bất thành. So với hôm qua, khối ngoại mua vào giảm tới 25% về giá trị.

Các quỹ ETF vẫn đang trong tuần trọng điểm tái cơ cấu, nên việc mua ròng là bình thường. Chiều nay khối ngoại ghi nhận giải ngân thêm 682,8 tỷ đồng, bán ra 402,8 tỷ. Tính chung cả ngày mức mua ròng khoảng 385 tỷ đồng.

Không chỉ có mức giải ngân thấp, vị thế ròng hôm nay cũng kém xa hôm qua với 883,8 tỷ đồng riêng cổ phiếu. Tỷ trọng vốn ngoại mua trên HoSE hôm nay chiếm khoảng 12,6% tổng giao dịch, cũng giảm so với phiên trước.

Trong khi đó HoSE xác nhận thanh khoản khớp lệnh tăng hơn 3%, đạt gần 9.158 tỷ đồng. Cổ phiếu điều chỉnh mạnh, độ rộng VN-Index cuối phiên là 56 mã tăng/365 mã giảm, với 210 mã giảm trên 1%. Con số này nhỉnh hơn buổi sáng một chút (202 mã), nhưng số mã giảm sâu trên 2% thì vượt trội: 144 mã so với 108 mã. Nói đơn giản thì mặt bằng giá cổ phiếu chiều nay đã hạ xuống thấp hơn buổi sáng, dù về chỉ số thì mức giảm không quá mạnh.

VN-Index chốt phiên sáng giảm 1,06% và đóng cửa giảm 1,2%. Thanh khoản buổi chiều giảm nhẹ 5% so với phiên sáng, đạt 4.468 tỷ đồng. Tính chung hai sàn, thanh khoản giảm 4% so với phiên sáng, đạt 5.024 tỷ đồng. Mức giảm thanh khoản này có phần đến từ lực mua giảm của khối ngoại. Tuy vậy, không thể phủ nhận được rằng nhà đầu tư trong nước đã đẩy mạnh bán ra ở vùng giá thấp hơn.

Nhóm blue-chips VN30 được khối ngoại mua khá tốt, mức ròng tổng thể khoảng 260,2 tỷ đồng, với giá trị mua chiếm 23% giao dịch cả rổ. Tuy nhiên trong 30 mã thì chỉ sót lại SAB tăng 1,6%, VJC tăng 0,99%. 25 cổ phiếu khác giảm giá với 18 mã giảm trên 1%.

Cổ phiếu ngân hàng chịu ảnh hưởng khá mạnh từ các biến động của sự hiện ngân hàng Mỹ sụp đổ, hầu hết giảm giá sâu. Chỉ số VNFIN sàn HoSE chốt phiên giảm 1,42% giá trị. Loạt cổ phiếu blue-chips giảm mạnh là BID giảm 2,59%, STB giảm 2,4%, HDB giảm 2,17%, ACB giảm 1,84%, TCB giảm 1,68%, MBB giảm 1,71%. Cổ phiếu ngân hàng chiếm 6/10 vị trí khiến VN-Index mất điểm nhiều nhất.

Nhóm cổ phiếu thanh khoản cao nhất thị trường hầu hết là các mã giảm sâu.
Nhóm cổ phiếu thanh khoản cao nhất thị trường hầu hết là các mã giảm sâu.

Nhìn chung độ rộng quá hẹp nên không có nhóm cổ phiếu nào đi ngược dòng được phiên này. Trong 56 cổ phiếu đi ngược dòng, chủ yếu là các mã được đầu cơ riêng rẽ. Ví dụ nhóm bất động sản đại đa số giảm giá, chỉ số VNREAL sàn HoSE cũng rớt 1,24% nhưng DXS vẫn tăng 3,3%, LCG tăng 2,06%, HU1 tăng 4,05% hay thậm chí D2D kịch trần. Thế nhưng đây không phải là các cổ phiếu đại diện, thanh khoản phần lớn cũng rất nhỏ.

Lực cầu của khối ngoại hôm nay tỏ ra “vô dụng” trước sức ép bán ra của nhà đầu tư trong nước. Các mã được khối ngoại mua ròng tốt thì chủ yếu giảm rất sâu. VHM là cổ phiếu duy nhất đứng tham chiếu với quy mô mua ròng 69,3 tỷ đồng. Ngoài ra SSI +60,8 tỷ ròng, giá giảm tới 3,05%, HSG +60,6 tỷ, giá giảm 4,01%, POW +57,8 tỷ giá giảm 2,28%; HPG +27,7 tỷ giá giảm 3,79%...

Mặc dù cầu ngoại dự kiến sẽ còn tiếp tục mạnh trong những phiên cuối tuần này, nhưng rõ ràng thị trường đang không có sự đồng thuận từ phía nhà đầu tư trong nước. Đặc biệt các nhà đầu tư cá nhân đang bán ra rất nhiều. Không chỉ là quan điểm khác biệt, đây là hiệu ứng từ tâm lý đầu cơ lướt sóng nhanh là chính.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate