Chia sẻ về quá trình áp dụng các tiêu chuẩn ESG tại Việt Nam của Heineken, ông Alexander Koch cho biết đến nay, doanh nghiệp đã sử dụng nhiệt năng sinh khối tái tạo đối với tất cả 6 nhà máy bia. Toàn bộ (100%) điện năng sử dụng trong sản xuất của Heineken đều được đảm bảo bởi các Chứng chỉ Thuộc tính năng lượng mua từ các nhà cung cấp được chứng nhận tại Việt Nam. Đáng chú ý, cả 6 nhà máy bia của Heineken đã chấm dứt chôn lấp rác thải.
“Hướng đến phát thải ròng bằng 0 và thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, Heineken đang cùng các đối tác triển khai những hoạt động bảo tồn nguồn nước tại các lưu vực sông trọng điểm của Việt Nam, bao gồm lưu vực sông Hồng, sông Đồng Nai và sông Tiền. Đồng thời, tiếp tục tìm hiểu những giải pháp điện năng tái tạo triệt để hơn, như cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) và hệ thống năng lượng mặt trời”, ông Alexander Koch nói.
Tuy nhiên, đại diện Heineken cũng chỉ ra nhiều giới hạn trong việc tiếp cận nguồn năng lượng tái tạo, cần sự chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ.
Thứ nhất, việc ban hành cơ chế về thỏa thuận mua bán điện trực tiếp (DPPA) đã bị trì hoãn 4 năm. Trên thực tế, ở châu Âu, thỏa thuận mua bán điện (PPA) chính là cơ chế tiêu chuẩn, giúp Tập đoàn Heineken có thể đưa điện năng tái tạo vào sử dụng trong sản xuất tại các thị trường thuộc EU, châu Phi nhưng ở Việt Nam, các bộ ngành đang do dự cơ chế này.
Thứ hai, những thử thách trong việc lắp hệ thống điện mặt trời áp mái còn tồn tại. Chẳng hạn như giới hạn về công suất phát tối đa, không ghi nhận sản lượng điện và không được thanh toán khi liên kết vào lưới điện quốc gia, cũng như những quy trình chưa rõ ràng và thiếu thống nhất ở mỗi địa phương.
Thứ ba là những thách thức trong nỗ lực tuần hoàn nước. Ông Alexander Koch cho biết toàn bộ các nhà máy bia của Heineken Việt Nam đều được lắp đặt hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn A. Tuy nhiên, quy định cũng như cơ chế khuyến khích tái sử dụng nguồn nước này vẫn chưa được rõ ràng và cụ thể.
“Vì vậy tất cả chúng ta – ở quy mô quốc gia và doanh nghiệp đều chưa thể tối ưu lợi ích từ việc này. Trong khi đó, tại châu Âu đã có một quy trình tiêu chuẩn cho việc doanh nghiệp tái sử dụng nước thải sau xử lý trong hoạt động của mình, hoặc thậm chí là chia sẻ lượng nước này với các doanh nghiệp khác trong cùng khu công nghiệp”, đại diện Heineken nhấn mạnh.
Thứ tư, nhờ ban hành "cơ chế EPR - Trách nhiệm Mở rộng của Nhà sản xuất", việc áp dụng kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam sẽ được mở rộng hơn. Dù vậy, mong muốn đó vẫn có thể bị đình trệ khi cơ sở hạ hầng cho tái chế ở Việt Nam chưa đầy đủ và sẵn sàng.
Tổng giám đốc Heineken Việt Nam cho rằng những yếu tố trên có thể khiến Việt Nam mất đi sức hấp dẫn đối với các nguồn vốn FDI. Nếu có thể phát huy tiềm năng của thị trường năng lượng tái tạo và nền kinh tế tuần hoàn, Việt Nam hoàn toàn có thể nhảy vọt lên vị trí trung tâm kinh tế hàng đầu trong khu vực.