Tổng giám đốc (CEO) Jamie Dimon, Ngân hàng JPMorgan Chase, nói ông không loại trừ khả năng kinh tế Mỹ suy thoái, nhưng cho rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nên đợi trước khi bắt đầu cắt giảm lãi suất. Trên thị trường tài chính, giới đầu tư và chuyên gia phân tích đang đặt cược nhiều vào khả năng Fed bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ vào tháng 6.
“Thế giới đang nghĩ kinh tế Mỹ sẽ hạ cánh mềm, với khả năng xảy ra kịch bản như vậy khoảng 70-80%. Tôi cho rằng khả năng hạ cánh mềm trong thời gian 1-2 năm tới chỉ khoảng một nửa mức như vậy. Trường hợp tồi tệ nhất là nền kinh tế rơi vào tình trạng tăng trưởng trì trệ kết hợp với lạm phát cao (stagflation)”, nhà điều hành cấp cao nhất của ngân hàng lớn nhất Mỹ về giá trị tài sản phát biểu hôm thứ Ba trên kết nối video tại một hội nghị tài chính ở Sydney, Australia.
Ông Dimon nói các chỉ số kinh tế đã bị bóp méo bởi đại dịch Covid-19 và ông không hoàn toàn tin vào các số liệu đó. Vì vậy, ông cho rằng Fed nên đợi cho tới khi mọi thứ trở nên rõ ràng hơn rồi mới tiến hành nới lỏng chính sách tiền tệ. “Lúc nào Fed cũng có thể giảm lãi suất nhanh và mạnh. Uy tín của họ có một chút rủi ro ở đây. Tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ hiện đang rất thấp, tiền lương vẫn tiếp tục tăng”, ông nói.
Theo vị CEO, nền kinh tế Mỹ hiện có vẻ như tăng trưởng mạnh, nhưng rủi ro suy thoái vẫn còn đó.
Phát biểu này của ông Dimon có phần kém lạc quan hơn so với những gì ông nói gần đây - một sự thay đổi quan điểm mạnh mẽ so với những gì ông đưa ra cách đây chưa đầy 2 năm khi Fed và các ngân hàng trung ương lớn khác bắt đầu tăng mạnh lãi suất để chống lạm phát. Vào năm 2022, ông Dimon từng khiến báo chí tốn giấy mực khi cảnh báo rằng nền kinh tế Mỹ sắp hứng một “cơn bão lớn”.
Về phần mình, Chủ tịch Fed Jerome Powell vào tuần trước phát tín hiệu rằng ngân hàng trung ương này đã gần có đủ tự tin để bắt đầu giảm lãi suất. “Chúng tôi đang đợi để có được sự tin tưởng hơn rằng lạm phát đang giảm một cách bền vững về ngưỡng 2%. Khi có được sự tin tưởng đó, điều mà chúng tôi không còn xa, việc giảm bớt mức độ thắt chặt của chính sách tiền tệ là điều phù hợp”, ông Powell phát biểu khi điều trần trước Uỷ ban Ngân hàng thuộc Thượng viện.
Theo dự báo của thị trường, Fed sẽ giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp chính sách tiền tệ tiếp theo vào ngày 19-20/3. Về lần họp này của Fed, tâm điểm chú ý của giới đầu tư sẽ là cập nhật dự báo kinh tế hàng quý của Fed, bao gồm các dự báo về tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP), lạm phát, thất nghiệp và lãi suất.
Nếu trong lần cập nhật dự báo này, giới chức Fed vẫn dự kiến có 3 lần giảm lãi suất, mỗi lần giảm 0,25 điểm phần trăm trong năm nay, thì việc bắt đầu hạ lãi suất gần như chắc chắn sẽ được khởi động vào tháng 6 như dự báo hiện tại của thị trường.
Theo nhà kinh tế trưởng Vincent Reinhart của công ty Dreyfus and Mellon, thông điệp của Fed trong cuộc họp tháng 3 sẽ là “chúng tôi đang đi đúng hướng”. Ông Reinhart cho rằng: “Fed đang gần tới chỗ có được mức độ tin tưởng cần thiết” để bắt đầu cắt giảm lãi suất quỹ liên bang từ mức 5,25-5,5%.
Một chỉ báo cho thấy sự vững vàng của nền kinh tế Mỹ là tăng trưởng của thị trường việc làm - yếu tố khiến Fed không thể vội vã trong việc giảm lãi suất. Mỗi tháng, nền kinh tế vẫn tạo ra được một số lượng việc làm lớn, thậm chí vượt dự báo của giới phân tích.
Chẳng hạn tháng 2 vừa qua, khu vực phi nông nghiệp của nền kinh tế có 275.000 công việc mới, con số cao hơn dự báo. Dù vậy, báo cáo của Bộ Lao động Mỹ cũng cho thấy một vài dấu hiệu suy yếu của thị trường việc làm, trong đó tiền lương tăng chậm lại và tỷ lệ thất nghiệp tăng nhẹ lên 3,9% - mức cao nhất trong 2 năm.
Trước khi tiến hành cuộc họp tới, Fed còn một số dữ liệu kinh tế quan trọng nữa để đánh giá, bao gồm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 dự kiến công bố vào ngày 12/3 và chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) dự kiến công bố vào ngày 13/3.