“Nguy cơ lạm phát tăng cao và đình lạm hiện lớn hơn so với suy nghĩ của mọi người”, ông Dimon phát biểu tại sự kiện dành cho dành đầu tư của JPMorgan ngày 19/5, đề cập tới trạng thái kinh tế đình lạm (stagflation) - xảy ra khi tăng trưởng kinh tế thấp kết hợp với lạm phát cao.
Ông cho rằng giá các tài sản tài chính tại Mỹ vẫn ở mức cao và chênh lệch tín dụng (credit spread) - chênh lệch giữa lợi suất của trái phiếu chính phủ Mỹ với trái phiếu khác cùng thời gian đáo hạn - không phản ánh được tác động của một cuộc suy thoái có thể xảy ra.
“Tình trạng tín dụng hiện tại là một rủi ro lớn”, vị CEO nhận xét. “Những người chưa từng trải qua một cuộc suy thoái lớn đang bỏ qua rủi ro trong trường hợp xảy ra vấn đề về tín dụng".
Sự thay đổi chóng vánh trong chính sách thuế quan của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump thời gian qua làm dấy lên mối lo về suy thoái kinh tế và sự an toàn của các tài sản tài chính Mỹ. Điều này khiến thị trường lao dốc mạnh nhưng nhanh chóng phục hồi sau khi ông Trump tạm hoãn thuế quan và phát tín hiệu khả quan về đàm phán thương mại.
Kể cả sau khi tổ chức đánh giá tín nhiệm Moody’s Ratings nối gót hai tổ chức đánh giá tín nhiệm lớn còn lại là Fitch Ratings và S&P tước xếp hạng tín nhiệm quốc gia bậc cao nhất của Mỹ thứ Sáu tuần trước, chỉ số S&P 500 của chứng khoán Mỹ phiên đầu tuần này vẫn tăng điểm.
“Nhà đầu tư đang thấy rất ổn bởi họ vẫn chưa từng chứng kiến tác động của thuế quan”, ông Dimon phân tích. “Thị trường sụt 10%, rồi phục hồi 10%. Tôi cho rằng đó là một sự tự mãn hết sức phi thường”.
Hiện tại, nhiều quốc gia bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và Liên minh châu Âu (EU) vẫn đang đàm phán thuế quan với Mỹ. Ông Trump gần đây nhất trí một khuôn khổ thương mại với Anh và tạm thời giảm thuế quan cho Trung Quốc để hai bên có thêm thời gian đàm phán.
“Kể cả khi đã giảm, các mức thuế quan vẫn rất cao”, ông Dimon nhận xét. “Hiện chưa rõ các quốc gia sẽ phản ứng thế nào. Để vực dậy ngành sản xuất Mỹ cũng cần thời gian”.
Vị CEO dự báo lợi nhuận của các doanh nghiệp Mỹ có thể sẽ giảm trong bối cảnh nguy cơ xảy ra đình lạm tăng lên, cùng với đó là các rủi ro địa chính trị.
Tuy nhiên, ông Dimon khẳng định JPMorgan sẽ vẫn ổn giữa những biến động đó. Nhà băng lớn nhất tại Mỹ vẫn duy trì mức dự báo lợi nhuận từ lãi vay cả năm 2025 là 94,5 tỷ USD.
Trong bài thuyết trình tại sự kiện, bà Marianne Lake, giám đốc mảng ngân hàng tiêu dùng và cộng đồng của JPMorgan, nhận định tình trạng tài chính của người tiêu dùng và doanh nghiệp Mỹ vẫn ổn. Theo bà, dù tâm lý tiêu dùng đang xấu đi nhưng điều này vẫn chưa phản ánh trong thói quen hay hành vi của người tiêu dùng.
Dù vậy, JPMorgan vẫn chuẩn bị cho tình huống xảy ra suy thoái kinh tế. Hồi tháng 4, ngân hàng lớn nhất nước Mỹ bổ sung 973 triệu USD vào khoản dự phòng nợ xấ, vượt xa con số dự báo 290 triệu USD của giới phân tích.
Bên cạnh đó, biến động thị trường cũng có thể sẽ gây áp lực cho mảng ngân hàng đầu tư của nhà băng này. Theo ông Troy Rohrbaugh, đồng giám đốc điều hành tại ngân hàng thương mại và đầu tư của JPMorgan, tiền phí từ mảng ngân hàng đầu tư của nhà băng có thể giảm 15-17% so với năm trước - mức giảm lớn hơn so với mức dự báo của các nhà phân tích.
“Nhiều khách hàng sẽ hoãn đưa ra các quyết định đầu tư lớn do biến động thị trường”, ông Doug Petno, đồng giám đốc với ông Rohrbaugh, nhận định tại sự kiện. "Các chính sách của ông Trump và cuộc chiến thương mại toàn cầu khiến các thương vụ mua bán và sáp nhập bị hoãn hoặc thậm chí hủy bỏ”.