March 26, 2021 | 10:44 GMT+7

CEO NTT DATA Việt Nam: Chúng tôi muốn chiếm miếng bánh lớn trên thị trường RPA

Thu Hà

Xu hướng và nhu cầu sử dụng RPA (Robotic Process Automation) của doanh nghiệp Việt sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới, khi nhu cầu tối ưu hóa nguồn lực, thu hút nhân sự giỏi ngày càng tăng

Ông Naritoshi Masuda, Tổng giám đốc NTT DATA Việt Nam thuộc tập đoàn NTT DATA .
Ông Naritoshi Masuda, Tổng giám đốc NTT DATA Việt Nam thuộc tập đoàn NTT DATA .

"Với ưu thế vượt trội về sản phẩm và đội ngũ hỗ trợ kỹ thuật chuyên sâu, tại chỗ, chúng tôi hy vọng sẽ chiếm được miếng bánh lớn trên thị trường phần mềm robot tự động hóa (Robotic Process Automation - RPA) tại Việt Nam".

Cùng AI, IoT và BigData, RPA (Robot tự động hóa quy trình) được nhắc đến như "đứa con cưng" của nền công nghiệp chuyển đổi số hiện đại, với những lợi ích "nhãn tiền" đối với doanh nghiệp trong giai đoạn "bình thường mới" và phục hồi sau đại dịch.

Để tìm hiểu rõ hơn về xu hướng ứng dụng phần mềm Robot RPA trong doanh nghiệp và tiềm năng phát triển của thị trường RPA Việt Nam, ông Naritoshi Masuda, Tổng giám đốc NTT DATA Việt Nam thuộc tập đoàn NTT DATA - nhà cung cấp giải pháp RPA số 1 Nhật Bản đã có những chia sẻ với bạn đọc.

Đánh giá của ông về thực trạng cũng như xu hướng sử dụng phần mềm robot RPA trong các doanh nghiệp tại Việt Nam hiện nay?

Hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp quan tâm đến RPA, tuy nhiên mức độ sử dụng vẫn chưa thực sự tạo thành một "làn sóng" trong doanh nghiệp Việt.

Dù vậy, tôi nghĩ, xu hướng và nhu cầu sử dụng RPA của doanh nghiệp Việt sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới khi mà nhu cầu tối ưu hóa nguồn lực, thu hút nhân sự giỏi ngày càng tăng, thúc đẩy doanh nghiệp áp dụng RPA tự động hóa những phần việc đơn giản, có logic cố định trên máy tính để bố trí lại nhân sự vào những công việc mang lại nhiều giá trị hơn.

Hơn nữa, từ năm 2020, đại dịch Covid buộc doanh nghiệp phải thích ứng với hình thức làm việc từ xa và tuân thủ quy tắc giãn cách người lao động. Với số lượng nhân sự có thể đến làm việc ít hơn, để đảm bảo quy trình nghiệp vụ và công việc thường nhật không bị đình trệ và gián đoạn, ngày càng nhiều doanh nghiệp tìm đến RPA như một giải pháp để thay thế con người xử lý những công việc không cần đến tư duy và sự sáng tạo.

Từ thực tế triển khai trên thị trường, theo ông, những doanh nghiệp như thế nào, trong những lĩnh vực gì thì phù hợp nhất để áp dụng RPA?

Mọi doanh nghiệp đều có thể áp dụng RPA vì về bản chất phần mềm robot này có thể thay thế con người thực hiện mọi công việc có quy tắc định sẵn, lặp đi lặp lại trên máy tính. Do đó, việc ứng dụng RPA không bị giới hạn bởi quy mô hay lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp. Tuy nhiên, với những doanh nghiệp có khối lượng công việc càng lớn, càng nhiều quy trình nghiệp vụ lặp lại cần xử lý thì hiệu quả của RPA càng cao và rõ rệt.

Chẳng hạn như công việc nhập thông tin hóa đơn lên hệ thống, bất cứ doanh nghiệp nào cũng cần thực hiện, nếu áp dụng RPA, robot phần mềm sẽ tự động đọc dữ liệu, kiểm tra, đối chiếu và đẩy lên hệ thống với tốc độ xử lý và độ chính xác cao.

RPA cũng có thể sử dụng như một công cụ hữu hiệu để kết nối hệ thống. Tôi nghĩ hầu hết doanh nghiệp đều có rất nhiều hệ thống khác nhau cùng hoạt động nên thường cần xây dựng hệ thống trung gian để liên thông dữ liệu giúp quy trình vận hành trơn tru. Điều này tiêu tốn nhiều thời gian và tiền bạc của doanh nghiệp. Với RPA, doanh nghiệp vẫn đảm bảo được sự kết nối thông tin kịp thời nhưng chỉ phải trả một khoản chi phí thấp.

Như vậy có thể nói, bất cứ doanh nghiệp nào cũng có thể sử dụng hiệu quả RPA.

Cụ thể khi doanh nghiệp áp dụng RPA thì phần mềm robot này đem lại những lợi ích như thế nào?

RPA giúp doanh nghiệp tối ưu chi phí. Cùng một khối lượng công việc giản đơn tốn 2-3 nhân sự thì chỉ cần một phần mềm robot với tốc độ xử lý cao, hoạt động 24/7/365 để hoàn thành trong khoảng thời gian ngắn hơn.

Bên cạnh đó, RPA nâng cao hiệu suất và chất lượng công việc. Phần mềm robot hoạt động dựa trên kịch bản có sẵn nên không bị mắc lỗi thao tác và giảm thiểu rủi ro do sai sót. Thực tế chứng minh, ROI ( tỷ lệ hoàn vốn) của RPA trên thế giới và các khách hàng của chúng tôi khá cao và họ khá hài lòng về các con số này.

Thêm vào đó tự động hóa RPA giúp doanh nghiệp tái cơ cấu và phát triển nguồn nhân sự chất lượng cao. Những nhân viên trước đây phải bỏ thời gian, công sức để làm những việc đơn giản thì giờ được giải phóng và chuyển sang công việc sáng tạo, nhiều giá trị hơn.

NTT DATA Việt Nam cũng là đơn vị cung cấp giải pháp phần mềm RPA với sản phẩm WinActor, vậy đâu là những lợi thế, khác biệt của WinActor?

Thị trường RPA tại Việt Nam tuy mới phát triển được một vài năm nhưng mức độ cạnh tranh rất cao, nhiều nhà cung cấp vào sau chúng tôi nhưng đang thực hiện các chiến dịch quảng bá rất mạnh mẽ.

Với WinActor chúng tôi có chiến lược phát triển rất rõ ràng - là mang đến một sản phẩm dành cho mọi đối tượng người dùng. Điều này được thể hiện rõ nét qua phiên bản thứ 7 với thông điệp "Easy-to for everything". Tất cả các đối tượng cho dù không có kiến thức về IT hay doanh nghiệp không có nhiều hỗ trợ về công nghệ thông tin vẫn có thể dễ dàng sử dụng sản phẩm WinActor.

Ngoài ra, trong quá trình triển khai WinActor, chúng tôi cung cấp các khóa đào tạo ngắn để giúp các chuyên viên nghiệp vụ của doanh nghiệp và tổ chức nhanh chóng làm chủ công nghệ và tự mình xây dựng kịch bản và sử dụng WinActor.

So với các sản phẩm RPA khác, đặc biệt là sản phẩm của nước ngoài, người dùng thường gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp nhận hỗ trợ kỹ thuật vì khoảng cách địa lý và khác biệt ngôn ngữ. Với WinActor, chúng tôi có đội ngũ chuyên gia kỹ thuật Việt Nam được đào tạo bài bản tại Nhật Bản luôn sẵn sàng đồng hành hỗ trợ khách hàng. Đây cũng là một trong những điểm mạnh của WinActor.

Vậy định hướng của NTT DATA trên thị trường RPA tại Việt Nam là như thế nào, thưa ông?

Hiện tại Tập đoàn NTT DATA có chiến lược mở rộng toàn bộ thị trường Châu Á – Thái Bình Dương (khối APAC) và trong đó Việt Nam là trọng tâm với một trung tâm hỗ trợ kỹ thuật được xây dựng tại đây.

Sau 11 năm cung cấp dịch vụ, tại Nhật Bản, WinActor nhận được nhiều đánh giá cao từ phía khách hàng, đối tác và chiếm được thị phần số 1 với hơn 50% doanh nghiệp lựa chọn. Vậy nên khi áp dụng mô hình tương tự (với trung tâm hỗ trợ riêng) tại thị trường Việt Nam, chúng tôi cũng hi vọng sẽ chiếm lĩnh được miếng bánh lớn trên thị trường RPA.

NTT DATA kỳ vọng phần mềm robot WinActor sẽ được các doanh nghiệp Việt đón nhận và sử dụng rộng rãi. Trong năm 2021 và những năm tới đây, chúng tôi sẽ nỗ lực không ngừng để mang đến các sản phẩm uy tín, chất lượng, tăng tốc mạnh mẽ để tốc độ tăng trưởng của WinActor không phải là gấp đôi như năm 2020 so với 2019, mà là gấp 3, thậm chí 4-5 lần.

Cảm ơn ông với những chia sẻ rất ấn tượng này!

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate