December 19, 2023 | 15:47 GMT+7

“Cha đẻ” Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu và Chỉ số sẵn sàng kết nối mạng gợi ý cách Việt Nam tăng hạng

Phan Anh -

Chỉ số sẵn sàng kết nối mạng và Chỉ số Đổi mới toàn cầu là vô cùng quan trọng giúp các quốc gia có thể hiểu được thế mạnh và những điểm còn yếu của nền kinh tế quốc gia mình trong việc sẵn sàng cho tương lai. Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu cho phép các quốc gia đánh giá các thành phần của nền kinh tế, xã hội tham gia vào quá trình đổi mới sáng tạo…Vậy làm thế nào để các quốc gia như Việt Nam có thể thay đổi được các chỉ số này?...

GS. Soumitra Dutta, “cha đẻ” Chỉ số sẵn sàng kết nối mạng và Chỉ số Đổi mới toàn cầu.
GS. Soumitra Dutta, “cha đẻ” Chỉ số sẵn sàng kết nối mạng và Chỉ số Đổi mới toàn cầu.

GS. Soumitra Dutta, đồng sáng lập và nhà sáng lập của hai chỉ số đổi mới/công nghệ uy tín (Chỉ số sẵn sàng kết nối mạng (Network Readiness Index) được Diễn đàn Kinh tế Thế giới xuất bản trong 16 năm và Chỉ số Đổi mới sáng tạo Toàn cầu (Global Innovation Index) được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới xuất bản trong 12 năm chia sẻ vấn đề này bên lề tọa đàm “khoa học vì cuộc sống” của Tuần lễ khoa học công nghệ VinFuture.

Tham gia chủ tọa dẫn dắt tọa đàm “Cơ sở hạ tầng bền vững và giao thông xanh” ngày 19/12/2023, vị giáo sư sinh ra ở Ấn Độ sẽ cùng các diễn giả bàn luận về các giải pháp khoa học công nghệ cũng như chính sách giúp thúc đẩy tương lai xanh.

GS. Soumitra Dutta hiện là Hiệu trưởng Trường Kinh doanh Saïd, Đại học Oxford (Vương quốc Anh). Ông nguyên là Hiệu trưởng sáng lập Trường Kinh doanh Cornell SC Johnson thuộc Đại học Cornell (Hoa Kỳ).

Trên thế giới, GS. Soumitra Dutta được đánh giá là người có ảnh hưởng sâu sắc khi đã đặt nền tảng cho việc tích hợp thành công công nghệ mới vào môi trường kinh doanh. Ông cũng nổi tiếng là một diễn giả truyền cảm hứng với những góc nhìn độc đáo từ đổi mới toàn cầu. Giáo sư đã làm việc với các tập đoàn, chính phủ các nước về xây dựng những chính sách đổi mới và công nghệ cải tiến toàn cầu.

Là “cha đẻ” của Chỉ số Đổi mới toàn cầu và Chỉ số sẵng sàng kết nối mạng, theo Giáo sư, 2 chỉ số này có vai trò như thế nào đối với sự phát triển của mỗi quốc gia ngày nay? Làm cách nào để tăng vị thế, tăng xếp hạng quốc gia về chỉ số này, đặc biệt là các nước đang phát triển như Việt Nam?

Tôi cho rằng, cả hai cái chỉ số này đều rất quan trọng đối với các quốc gia đang phát triển cũng như các quốc gia trong khu vực. Các chỉ số này sẽ cho chúng ta nhìn thấy một bức tranh tổng thể về mức độ phát triển của một quốc gia theo nhiều chiều khác nhau.

Công nghệ, đổi mới sáng tạo là rất rộng, nên cần thiết phải có một chỉ số cụ thể nào đó để giúp cho các quốc gia nhìn vào để tham chiếu, đánh giá xem những hành động nào là cần phải thực hiện trong quá trình phát triển kinh tế xã hội đất nước.

Cụ thể, trong trường hợp quốc gia định ban hành một chính sách thúc đẩy đổi mới công nghệ cần phải nhìn nhận cụ thể xem là nhân lực, kỹ năng nội tại trong nước đã sẵn sàng hay chưa. Ví dụ như với Bộ Khoa học Công nghệ, để định hướng về phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo cần phải nghĩ tới các cấu phần nào trong hệ thống đổi mới sáng tạo và công nghệ cần phải thực hiện.

Về Chỉ số về đổi mới toàn cầu, theo tôi, đổi mới diễn ra ở trong toàn bộ xã hội, chứ không chỉ xảy ra trong lĩnh vực về khoa học công nghệ. Ví dụ như những người nông dân không có bằng cấp tiến sĩ nhưng vẫn có thể đổi mới sáng tạo. Tương tự, trong lĩnh vực điện ảnh, truyền thông… có rất nhiều người không phải là nhà khoa học nhưng rất sáng tạo.

Như vậy, chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu cho phép các quốc gia đánh giá các thành phần kinh tế của xã hội tham gia vào quá trình đổi mới sáng tạo thế nào chứ không đơn thuần chỉ tập trung vào học thuật thuần túy.

Ông đánh giá thế nào về những điểm mạnh của Việt Nam trong việc cải tiến công nghệ? Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm gì từ những quốc gia khác và có thể làm gì để thúc đẩy cả hai chỉ số này?

Đổi mới sáng tạo là vô cùng quan trọng với các nền kinh tế. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đòi hỏi các quốc gia phải đầu tư thúc đẩy công nghệ mới. Hai chỉ số này là vô cùng quan trọng để giúp các quốc gia có thể hiểu được thế mạnh và những điểm còn yếu của nền kinh tế quốc gia mình trong việc sẵn sàng cho tương lai.

Việt Nam đang có nhiều lợi thế khi có một đội ngũ nhân tài rất đông đảo, mạnh mẽ, tinh thần làm việc hết sức sẵn sàng. Không những thế, Việt Nam còn có một  đội ngũ lãnh đạo rất là khao khát và sẵn sàng đầu tư cho lĩnh vực phát triển công nghệ.

Ngoài ra, vị thế địa chính trị cũng là một điểm lợi thế giúp Việt Nam rất nhiều. Các quốc gia và các tổ chức trên thế giới đang nghĩ đến một chính sách Trung Quốc + 1 . Như vậy tôi cho rằng, Việt Nam đang có một cơ hội rất lớn.

Các ngành công nghiệp, Chính phủ đều cần phải tạo ra những điều kiện cơ bản để thu hút đầu tư nước ngoài, để phát triển nguồn lực sản xuất trong nước và đặc biệt là sự sẵn sàng phát triển, đổi mới và đầu tư nhiều hơn vào một xã hội tương lai của Việt Nam.

Giáo sư có lời lời khuyên nào cho việc cải tiến công nghệ ở Việt Nam?

Lời khuyên của tôi là các bạn phải đầu tư và không ngừng đầu tư vào công nghệ vì công nghệ đang phát triển rất nhanh chóng. Khi nghĩ về đổi mới sáng tạo và công nghệ, chúng ta có thể nghĩ tới hai loại đổi mới sáng tạo.

Một là đổi mới được phát sinh từ nhu cầu thị trường, nghĩa là nhu cầu thị trường cho thấy có một nhu cầu cần phải giải giải quyết thì chúng ta có thể sử dụng công nghệ hiện tại để đáp ứng nhu cầu đó. Điều này đang diễn ra ở rất nhiều các quốc gia, đặc biệt là quốc gia đang phát triển. Chúng ta sử dụng công nghệ hiện hữu đang có để đáp ứng được nhu cầu của khách hàng hiện nay.

Nhưng điểm quan trọng hơn là việc tạo ra một công nghệ mới. Việc tạo ra công nghệ mới sẽ mở ra một lĩnh vực mới cho nền kinh tế. Và Việt Nam cần phải đầu tư nhiều hơn vào công nghệ mới, đầu tư vào nghiên cứu và phát triển. Điều này đòi hỏi cam kết mạnh mẽ từ Chính phủ để đầu tư vào nguồn lực con người có chất lượng.

Tôi nghĩ Việt Nam phải làm cả hai khía cạnh. Một là sử dụng công nghệ hiện hữu để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Và quan trọng hơn là đầu tư vào nghiên cứu phát triển công nghệ mới, tạo ra  nhu cầu mới và sản phẩm mới cho tương lai.

Theo ông, làm cách nào để cân bằng giữa đổi mới công nghệ và đảm bảo an toàn công nghệ, an toàn thông tin và đáp ứng được nhu cầu phát triển hiện tại?

Như chúng ta đã thấy thế giới hiện nay ngày càng kết nối nhiều hơn so với trước đây. Tính phức tạp của công nghệ mà chúng ta đang trải qua hiện nay trong một thế giới kết nối ngày càng cao. Theo tôi, đây sẽ là thách thức cho tất cả các quốc gia để bảo vệ chính mình một cách an toàn trong kỉ nguyên công nghệ mới nổi ngày càng tăng lên.

Điều này đòi hỏi những hành động từ Chính phủ đưa ra những quy định, nguyên tắc phù hợp cùng với cả nỗ lực của khu vực tư nhân, các doanh nghiệp đầu tư vào hạ tầng phù hợp. Nó cũng đòi hỏi đầu tư vào giáo dục đào tạo, đặc biệt là thế hệ trẻ về việc sử dụng công nghệ hiệu quả

Theo tôi, việc xây dựng một xã hội an toàn công nghệ không dễ dàng. Chúng ta có thể thấy nhiều vụ việc rò rỉ thông tin đang xảy ra ở khắp nơi trên thế giới. Thông tin và cách thức sử dụng, chia sẻ thông tin nếu không theo một chuẩn mực đạo đức sẽ trở thành một vấn đề lớn đối với xã hội.

 
Theo Báo cáo chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu 2023 do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới công bố mới đây, Việt Nam tăng 2 bậc so với năm 2022, xếp hạng 46/132 quốc gia, nền kinh tế.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate