May 05, 2025 | 09:20 GMT+7

Chất cấm Sibutramine trong sản phẩm giảm cân nguy hiểm như thế nào?

Hoài Phương -

Sibutramine thuộc danh mục chất cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Sản phẩm chứa Sibutramine thường gây giảm cân nhanh bằng cách tác động lên hệ thần kinh trung ương, làm mất hoặc ức chế cảm giác đói…

Cơ quan điều tra từng phát hiện nhiều sản phẩm sôcôla giảm cân có chứa chất cẩm Sibutramine.
Cơ quan điều tra từng phát hiện nhiều sản phẩm sôcôla giảm cân có chứa chất cẩm Sibutramine.

Mới đây, Cục An toàn Thực phẩm đã yêu cầu các đơn vị liên quan xử lý thực phẩm bảo vệ sức khỏe Dáng xuân Phục linh GoldBest Slim Collagen chứa chất cấm Sibutramine - vẫn đang được kinh doanh, quảng cáo trên mạng.

Sản phẩm Dáng xuân Phục linh Gold thuộc lô số 11 2023, sản xuất ngày 1/11/2023, hạn sử dụng đến 1/11/2026, do Công ty Cổ phần EU YB (địa chỉ tại tổ 20, phường Minh Tân, thành phố Yên Bái) nhập khẩu, phân phối và chịu trách nhiệm về chất lượng. Sản phẩm này được sản xuất bởi Austin Biologic & Technology Limited tại Hong Kong.

Sản phẩm thứ hai Best Slim Collagen thuộc lô 29L367, có hạn sử dụng đến tháng 1/2027, do Công ty TNHH Thiết bị Y tế Hoa Anh Đào (có địa chỉ tại xóm 4, thôn Hải Bối, xã Hải Bối, huyện Đông Anh, Hà Nội) nhập khẩu và phân phối. Sản phẩm này có xuất xứ từ Mỹ, được sản xuất bởi Arnet Pharmaceutical tại Florida.

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số được đề nghị tháo gỡ nội dung quảng cáo hai sản phẩm trên các sàn giao dịch và ứng dụng thương mại điện tử; đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, ngăn chặn tình trạng sản phẩm giả hoặc đã bị thu hồi vẫn tiếp tục được rao bán.

Chất cấm Sibutramine trong sản phẩm giảm cân nguy hiểm như thế nào? - Ảnh 1

Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử được đề nghị xử lý tương tự đối với nội dung quảng cáo trên các website, đồng thời yêu cầu các nền tảng như Facebook và YouTube gỡ bỏ hoặc chặn quảng cáo các sản phẩm vi phạm. Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước chịu trách nhiệm kiểm soát việc lưu hành các sản phẩm nêu trên tại thị trường nội địa, xử lý các hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng cấm hoặc không rõ nguồn gốc.

Trước đó, ngày 29/4, Cục An toàn thực phẩm có công văn đề nghị 63 tỉnh, thành phố giám sát, thu hồi do hai sản phẩm có chứa chất cấm Sibutramine (theo báo cáo kết quả mẫu giám sát chủ động mối nguy về an toàn thực phẩm của Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia). Cục An toàn Thực phẩm ngày 3/5 đã khuyến cáo người dân không mua, không sử dụng và không kinh doanh các sản phẩm này.

Có thể nói Sibutramine là chất cấm thường xuyên “núp bóng” các sản phẩm giảm cân trôi nổi trên thị trường. Tuy nhiên, cơ chế hoạt động của chúng là ức chế thần kinh trung ương để giảm cảm giác đói, không thực sự tác động đến mỡ thừa mà chỉ gây mất nước hoặc mất cân bằng dinh dưỡng. Điều này dẫn đến hiệu quả giảm cân chỉ mang tính tạm thời và không bền vững.

Việc sử dụng các sản phẩm giảm cân chứa chất cấm có thể gây biến chứng nghiêm trọng đe dọa tính mạng như suy kiệt, suy gan thận, teo mật, sốc phản vệ, đột quỵ, nhồi máu cơ tim, tổn thương não, xuất huyết dạ dày, rối loạn điện giải. Trong trường hợp không được phát hiện và điều trị kịp thời, người sử dụng có thể tử vong.

Trước đó, Bộ Y tế cũng đã cảnh báo sản phẩm Detox Táo hỗ trợ giảm cân chứa chất cấm Sibutramin.
Trước đó, Bộ Y tế cũng đã cảnh báo sản phẩm Detox Táo hỗ trợ giảm cân chứa chất cấm Sibutramin.

Tháng 3/2025, Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận bệnh nhân nữ (27 tuổi, ở Thanh Hóa) nhập viện trong tình trạng mẩn ngứa, sưng phù, giảm thị lực, suy thận và thay đổi về nhận thức, tinh thần. Trung tâm Chống độc cùng các chuyên khoa trong viện đã hội chẩn và xác định đây là ca bệnh khó, có nhiều bệnh lý nền ở các cơ quan khác nhau.

Bác sĩ Nguyễn Huy Tiến, Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết: "Khi nhập viện tình trạng bệnh nhân rối loạn ý thức, glasgow về ba điểm, kết quả kiểm tra lâm sàng có tình trạng tổn thương thần kinh và suy thận kèm theo". Mẫu thực phẩm chức năng bệnh nhân sử dụng được gửi đi Viện Kiểm nghiệm Thực phẩm Quốc gia xác định trong đó có chứa chất Sibutramine. Điều này đã làm nặng thêm những bệnh lý nền của bệnh nhân, khiến tình trạng càng thêm trầm trọng.

Trước đó, hồi tháng 4/2024, Trung tâm chống độc – Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân nữ, 26 tuổi, mua sản phẩm có tên gọi Detox Táo về sử dụng. Trong 1 lọ sản phẩm có 2 loại viên giống thuốc màu vàng và xanh, chị uống sản phẩm trong 10 ngày có hiện tượng bị đau dây chằng, sau 2 tuần sử dụng, mắt đột ngột không nhìn thấy gì theo cơn. Xét nghiệm loại "thuốc" này phát hiện có chứa chất cấm Sibutramine.

Sibutramin trước đây là thuốc dùng đường uống để điều trị béo phì. Tuy nhiên, qua quá trình sử dụng tại nhiều nước đã có các báo cáo về những trường hợp ngộ độc khi sử dụng thuốc này để giảm cân, bao gồm các trường hợp nặng và tử vong.

Tháng 10/2010, Sibutramine bị rút khỏi thị trường Mỹ, Canada do tăng nguy cơ đau tim, đột quỵ ở người bệnh tim. Chất này bị cấm sử dụng ở Mỹ, Canada, châu Âu và nhiều quốc gia khác trên thế giới. Từ năm 2010, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã ngừng cấp phép nhập khẩu và đình chỉ lưu hành, thu hồi toàn bộ thuốc chứa Sibutramine tại Việt Nam.

Sibutramin bị cấm sử dụng ở Mỹ, Canada, châu Âu và nhiều quốc gia khác.
Sibutramin bị cấm sử dụng ở Mỹ, Canada, châu Âu và nhiều quốc gia khác.

Năm 2011, Cục Quản lý Dược đã đình chỉ lưu hành và thu hồi các thuốc chứa hoạt chất Sibutramine do có tác dụng không mong muốn. Cục cũng rút số đăng ký của tất cả thuốc có chứa hoạt chất Sibutramine. Các bệnh viện, viện có sử dụng thuốc này cũng bị Cục yêu cầu dừng ngay việc kê đơn, sử dụng thuốc. Tuy nhiên, trên mạng xã hội, các sản phẩm giảm cân chứa Sibutramine vẫn được quảng cáo với công dụng "giảm cân cấp tốc", "giảm cân mà không cần ăn kiêng"…

TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết: "Tại Trung tâm Chống độc từng tiếp nhận các bệnh nhân ngộ độc thực phẩm chức năng, các loại cà phê giảm cân, kẹo giảm cân do có chứa Sibutramin. Đã có bệnh nhân bị hôn mê, co giật, tổn thương não. Trung tâm Chống độc đã có thông báo tới các cơ quan chức năng và chia sẻ khuyến cáo với cộng đồng về vấn đề này. Sibutramin là chất có nguy cơ độc tính rất cao, cấu trúc phân tử của Sibutramin giống với ma túy Amphetamine".

Cácbác sỹ khuyến cáo, để giảm cân, người dân nên đi khám hoặc có lời khuyên trực tiếp từ bác sĩ hướng dẫn, đánh giá tình trạng và biện pháp cụ thể với từng người. Hiện Bộ Y tế chỉ phê duyệt một số thuốc điều trị béo phì, nhưng đều là thuốc kê đơn, cần có chỉ định của bác sĩ.

Theo "Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh béo phì", việc điều trị cần được thăm khám, đánh giá và quản lý lâu dài, tương tự các bệnh mạn tính như tim mạch, tiểu đường... Bên cạnh đó, các loại thực phẩm chức năng hiện nay ở Việt Nam đang được quảng cáo và hiểu sai rất nhiều. 

Chất cấm Sibutramine trong sản phẩm giảm cân nguy hiểm như thế nào? - Ảnh 2

Khi cần mua bất cứ sản phẩm gì, đặc biệt dùng trên cơ thể người cần chọn sản phẩm được sản xuất bởi công ty được cấp phép và đáp ứng tiêu chuẩn, việc mua bán cũng cần trực tiếp qua nhà phân phối chính thức, có hóa đơn, đóng thuế rõ ràng.

Cho tới hiện nay, để đảm bảo an toàn và có tác dụng mong muốn, với tất cả sản phẩm thực phẩm chức năng và thuốc thì người dân vẫn không nên mua trên mạng xã hội, qua internet hay điện thoại. Người dân không nên chỉ nhìn thấy hiệu quả trước mắt mà quên đi hậu quả lâu dài.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate