April 17, 2025 | 08:30 GMT+7

Nguy cơ tiềm ẩn khiến đột quỵ ở phụ nữ ngày càng trẻ hóa

Hoài Phương -

Việt Nam thuộc nhóm nước tỉ lệ đột quỵ cao, mỗi năm ghi nhận khoảng 200.000 ca mắc. Độ tuổi trung bình người dân bị đột quỵ khoảng 65 tuổi, độ tuổi dưới 45 tuổi chiếm 7,2% và có xu hướng trẻ hóa…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Đột quỵ hiện là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn tật trên toàn cầu. Mỗi năm, trên thế giới có hơn 14 triệu ca đột quỵ não mới, đồng nghĩa trung bình cứ 3 giây trôi qua có 1 người bị đột quỵ. Toàn thế giới ghi nhận 6,5 triệu ca tử vong mỗi năm. Tại Việt Nam, đột quỵ đã vượt qua ung thư, trở thành nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và con số này ngày càng tăng. 

Trước đây, phần lớn các ca đột quỵ xảy ra ở người cao tuổi hoặc sớm hơn một chút là vào cuối tuổi trung niên. Nhưng những năm gần đây, đột quỵ ở nhóm tuổi trẻ hơn trở thành mối bận tâm lớn. Những ca đột quỵ ở tuổi 20, 30, 40 liên tiếp gần đây dấy lên lo lắng về việc căn bệnh này ngày càng trẻ hóa và xảy ra nhiều hơn ở phụ nữ. 

Mới đây, tại Bệnh viện Bạch Mai, một nữ bệnh nhân 33 tuổi được đưa đến Trung tâm Đột quỵ trong tình trạng đau đầu dữ dội kèm co giật. Khai thác bệnh sử được biết, cô sử dụng thuốc tránh thai được khoảng 3 tháng. Kết quả chẩn đoán hình ảnh cho thấy bệnh nhân bị huyết khối xoang tĩnh mạch não kèm xuất huyết. Dù được điều trị tích cực bằng thuốc chống đông và chống co giật, bệnh nhân vẫn để lại di chứng tê nhẹ nửa người và cần thời gian dài để phục hồi.

Nguy cơ tiềm ẩn khiến đột quỵ ở phụ nữ ngày càng trẻ hóa - Ảnh 1

Trường hợp thứ 2 là nữ bệnh nhân 34 tuổi, cũng có tiền sử dùng thuốc tránh thai. Bệnh nhân cũng nhập viện vì đau đầu kéo dài và được phát hiện huyết khối tĩnh mạch não. Rất may mắn khi tổn thương không ảnh hưởng đến nhu mô não và bệnh nhân hồi phục hoàn toàn sau một tuần điều trị.

Trước đó, Khoa Đột quỵ não, Viện Thần kinh, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cũng vừa tiếp nhận và điều trị thành công hai bệnh nhân nữ trẻ tuổi bị đột quỵ do huyết khối xoang tĩnh mạch não - một bệnh lý nguy hiểm nhưng dễ bị bỏ sót, đặc biệt ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản và có sử dụng thuốc tránh thai đường uống kéo dài.

Bệnh nhân ngay lập tức được hội chẩn đa chuyên khoa giữa khoa Đột quỵ (A7C), Can thiệp thần kinh (A7E), Phẫu thuật thần kinh (A7B), điều trị đa mô thức. Sau điều trị tích cực, bệnh nhân tỉnh táo, cai được máy thở, giao tiếp được và sinh hoạt chủ động một phần – một kết quả tích cực trong ca bệnh phức tạp.

Một nữ bệnh nhân khác, trẻ tuổi, vào viện vì đau đầu kéo dài, yếu nửa người trái tăng dần, khó đi lại vài ngày… Sau khi chụp CLVT và các xét nghiệm sàng lọc được chẩn đoán: Nhồi máu não vùng thái dương phải do huyết khối xoang thẳng, xoang sigma và xoang ngang trái. Bệnh nhân vào viện khi chưa có biến chứng phù não nặng hay tụt kẹt, bệnh nhân được điều trị nội khoa bằng thuốc chống đông theo phác đồ và đã hồi phục tốt, ra viện với khả năng sinh hoạt độc lập.

ThS.BS Đinh Trung Hiếu, Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, một nghiên cứu năm 2024 ở Iran cho thấy, hơn 50% phụ nữ bị huyết khối tĩnh mạch não có tiền sử sử dụng thuốc tránh thai, trong đó 70% dùng thuốc thế hệ 2. Một phân tích tổng hợp cũng chỉ ra rằng, nguy cơ huyết khối tĩnh mạch não ở người dùng thuốc tránh thai cao gấp 7,59 lần so với người không sử dụng.

Nguy cơ tiềm ẩn khiến đột quỵ ở phụ nữ ngày càng trẻ hóa - Ảnh 2

Theo bác sĩ Hiếu, thành phần estrogen trong thuốc tránh thai có thể kích hoạt quá trình đông máu thông qua việc tăng nồng độ fibrinogen và prothrombin - những yếu tố thúc đẩy hình thành cục máu đông. Đồng thời, estrogen cũng làm giảm protein S, một chất ức chế đông máu tự nhiên của cơ thể. Đối với những người mang đột biến gen Factor V Leiden, nguy cơ huyết khối khi dùng thuốc tránh thai có thể tăng gấp 20 - 30 lần.

Theo thống kê toàn cầu, tỷ lệ thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch (VTE) ở phụ nữ dùng thuốc tránh thai tăng gấp 3-6 lần so với người không dùng. Những đối tượng nếu lạm dụng thuốc tránh thai có thể đối mặt với nguy cơ đột quỵ nhồi máu não cao hơn người bình thường cũng có sử dụng thuốc, bao gồm phụ nữ đã lớn tuổi (thường trên 35 tuổi); rối loạn chức năng đông máu; hút thuốc lá; thừa cân béo phì; tiền sử gia đình có người gặp bất thường mạch máu (dị dạng mạch máu não), tăng đông máu,…; bị liệt lâu ngày; tiểu đường; huyết áp cao; bệnh đau nửa đầu migrainel; nhiễm HIV/AIDS; mang thai.

Nghiên cứu mới dựa trên quan sát ở Đan Mạch cho thấy thuốc tránh thai kết hợp estrogen-progestin, trong đó đặt vòng âm đạo và miếng dán, liên quan đến nguy cơ tăng đột quỵ, đau tim. Các nhà nghiên cứu đã theo dõi hồ sơ kê đơn thuốc của hơn hai triệu phụ nữ Đan Mạch trong độ tuổi 15 - 49 từ năm 1996 đến năm 2021.

Các loại thuốc tránh thai được đưa vào nghiên cứu là thuốc viên kết hợp estrogen-progestin, vòng tránh thai âm đạo, miếng dán, thuốc viên chỉ chứa progestin, dụng cụ tử cung, que cấy dưới da và thuốc tiêm bắp.

Kết quả nghiên cứu cho thấy thuốc viên kết hợp estrogen-progestin, thuốc tránh thai nội tiết tố được sử dụng phổ biến nhất, có liên quan đến nguy cơ đột quỵ do thiếu máu cục bộ và đau tim gấp đôi. Điều này có nghĩa là cứ 4.760 phụ nữ sử dụng thuốc tránh thai kết hợp trong một năm thì có thêm một cơn đột quỵ và cứ 10.000 phụ nữ mỗi năm sử dụng thì có thêm một cơn đau tim.

Nguy cơ tiềm ẩn khiến đột quỵ ở phụ nữ ngày càng trẻ hóa - Ảnh 3

Thuốc tránh thai chỉ chứa progestin, chẳng hạn như thuốc viên và que cấy, có nguy cơ gây đau tim thấp hơn thuốc viên kết hợp. Thuốc tránh thai kết hợp không uống, chẳng hạn như đặt vòng âm đạo và miếng dán, có nguy cơ liên quan cao nhất, trong đó đặt vòng âm đạo làm tăng nguy cơ đột quỵ do thiếu máu cục bộ gấp 2,4 lần và nguy cơ đau tim gấp 3,8 lần, còn miếng dán làm tăng nguy cơ đột quỵ do thiếu máu cục bộ gấp 3,4 lần.

Tại Việt Nam, theo một nghiên cứu của Bệnh viện Từ Dũ và Viện Sản C, gần 50% phụ nữ trong độ tuổi sinh sản từng sử dụng thuốc tránh thai, trong đó gần 20% dùng liên tục trên 12 tháng mà không qua thăm khám định kỳ.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hải Linh, Khoa Đột quỵ não, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, khuyến cáo nếu có ý định sử dụng thuốc tránh thai hàng tháng dài hạn, chị em phụ nữ nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám, làm xét nghiệm cần thiết và được tư vấn cách dùng thuốc an toàn, hiệu quả. Không tự ý sử dụng hoặc kéo dài thời gian uống thuốc khi chưa có chỉ định chuyên môn.

Các yếu tố khác như môi trường, thức ăn, stress, áp lực, vận động trí não hoặc vận động thể lực quá mức cũng có thể gây ra đột quỵ. Việc chẩn đoán đột quỵ không khó, với các cơ sở y tế lớn chỉ cần 15 phút, bác sĩ có thể đánh giá cả nguyên nhân dị tật, dị dạng mạch máu não cũng như xuất huyết não, nhồi máu não. 

Tiến sĩ Trần Chí Cường, Chủ tịch Hội Can thiệp Thần kinh TP.HCM, nhấn mạnh, 20 - 30 tuổi là giai đoạn quan trọng nhất bảo vệ sức khỏe. Nếu người trẻ chủ quan, khi bước vào giai đoạn 50 - 60 tuổi thì đã quá muộn.

“Đa số những người trẻ, khỏe thường cho rằng đột quỵ không xảy ra và bỏ qua các yếu tố nguy cơ như thừa cân, béo phì, ít vận động, mỡ máu cao... Tôi chỉ đưa ra lời khuyên chân thành, hãy thực sự quan tâm và có hành động vì sức khỏe”, bác sĩ Cường nói. 

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate