Theo các chuyên gia, hiện nay chất lượng nguồn nhân lực vẫn là một trong những "điểm nghẽn" để tăng năng suất lao động, thậm chí điều này có thể khiến các nguồn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam bị suy giảm.
THIẾU LAO ĐỘNG CÓ TRÌNH ĐỘ CHUYÊN MÔN CAO
Tại diễn đàn Nâng cao năng suất lao động Quốc gia vừa diễn ra, TS. Phạm Xuân Khánh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội, cho biết hiện Việt Nam có nguồn cung lao động dồi dào và khả năng thích nghi cao, được đánh giá là tiếp thu nhanh những tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong sản xuất và kỹ năng quản lý.
Cùng với đó, cơ cấu lao động đang chuyển dịch theo hướng tích cực. Tỷ lệ lao động tham gia trong độ tuổi vẫn duy trì ở mức cao. Tuy nhiên, có thực tế là các doanh nghiệp vẫn rơi vào tình trạng thiếu lao động do dư thừa lao động có chất lượng thấp, lao động không có trình độ chuyên môn chiếm tỷ lệ lớn.
Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo còn thấp; thiếu đội ngũ có trình độ chuyên môn giỏi trong các lĩnh vực, khả năng tự tìm kiếm việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp còn nhiều hạn chế.
“Điều này dẫn đến nhiều doanh nghiệp đã phải thuê lao động nước ngoài. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc thất nghiệp ngày càng gia tăng. Các nguồn đầu tư FDI vào Việt Nam sẽ bị suy giảm nghiêm trọng, nếu không có sự thay đổi về chất lượng đào tạo kịp thời, nguy cơ tụt hậu về nguồn nhân lực, mất đi lợi thế về chi phí lao động giá rẻ”, TS. Phạm Xuân Khánh nhìn nhận.
Chất lượng nguồn nhân lực còn những hạn chế khiến năng suất lao động chưa thể bật tăng. Theo TS. Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng, Ban Kinh tế Trung ương, còn một dư địa rất lớn để dịch chuyển lao động từ khu vực có năng suất lao động thấp hơn, sang khu vực năng suất lao động cao hơn để tăng năng suất lao động.
Ông dẫn chứng 66,5% lao động nằm trong các ngành có năng suất lao động thấp hơn bình quân cả nước. Đặc biệt, ngành nông, lâm, thủy sản có năng suất lao động chỉ bằng 39,73% năng suất lao động bình quân cả nước, nhưng có số lao động chiếm 27,54% tổng lao động có việc làm.
Hay ngành bán buôn bán lẻ chiếm 15,6% nhưng năng suất lao động chỉ bằng 57% mức bình quân cả nước…
“Như vậy chúng ta vẫn còn nhiều dư địa để tăng năng suất lao động bằng việc dịch chuyển lao động từ khu vực dư thừa lao động, có năng suất thấp sang những ngành có năng suất cao hơn, hoặc đang thiếu lao động”, TS. Nguyễn Tú Anh cho hay.
KẾT HỢP CẢ ĐÀO TẠO KỸ NĂNG VÀ TÁC PHONG CÔNG NGHIỆP
Theo các chuyên gia, để đáp ứng quá trình dịch chuyển này, việc đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là vấn đề cần được ưu tiên.
TS. Nguyễn Tú Anh nhấn mạnh cần nâng cao nhận thức cho người lao động về sự cần thiết phải học nghề, học kỹ năng lao động để có đủ điều kiện dịch chuyển lao động.
Bởi có thực tế hiện nay số người học nghề khi bị thất nghiệp rất thấp. Đơn cử năm 2023, trong 85.000 người nhận trợ cấp thất nghiệp chỉ có 778 người có ý định học nghề, và 487 người thực sự học nghề.
Còn theo Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội Phạm Xuân Khánh, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cần áp dụng đồng thời nhiều giải pháp.
Về đào tạo, cần xây dựng một số cơ sở đào tạo chất lượng cao, đạt chuẩn quốc tế, thực hiện được chức năng trung tâm vùng, quốc gia về đào tạo và thực hành chất lượng cao.
“Có thể vừa đào tạo cho sinh viên, đào tạo lại, đào tạo nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động các doanh nghiệp có. Trong đó, chú trọng ưu tiên đầu tư đồng bộ cho một số ngành nghề công nghệ cao, công nghiệp mũi nhọn như công nghệ bán dẫn, năng lượng thông minh, chế biến chế tạo mà Chính phủ đang ưu tiên đầu tư phát triển”, ông Khánh góp ý.
Ông cũng đề xuất thành lập Hội đồng kỹ năng ngành, nghề trong một số lĩnh vực với sự tham gia của cơ quan quản lý Nhà nước, để dự báo nhu cầu nhân lực theo cơ cấu ngành, nghề, giới tính, và trình độ đào tạo phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội theo từng giai đoạn. Việc này cũng làm căn cứ cho các cơ sở đào tạo xây dựng chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của doanh trước mắt và lâu dài.
Cùng với đó, cần ban hành các danh mục nghề nghiệp bắt buộc phải sử dụng lao động qua đào tạo để hạn chế tuyển dụng lao động phổ thông không qua học nghề, vừa góp phần tăng năng suất lao động cho doanh nghiệp, vừa bảo đảm an toàn lao động cho người lao động.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Mai Thiên Ân, Trưởng phòng sản xuất Công ty TNHH Intel Products Việt Nam (trụ sở tại TP. HCM), bổ sung thêm rằng ngoài vấn đề kỹ năng, cần rèn luyện cho người lao động tác phong công nghiệp, nâng cao ý thức, kỷ luật lao động.
Đây là yếu tố quan trọng góp phần nâng cao năng suất lao động, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra yêu cầu cao về chuyên môn hóa, và tuân thủ quy trình đối với người lao động trong quá trình sản xuất.
“Doanh nghiệp muốn nâng cao chất lượng sản phẩm và thương hiệu đòi hỏi người lao động phải có trình độ học vấn, tay nghề, kỹ năng mềm và ý thức lao động tốt. Người lao động muốn nâng cao thu nhập cho bản thân phải có kỹ năng nghề nghiệp, thái độ, ý thức và tác phong tốt”, ông Ân nói.
Từ đó, doanh nghiệp kiến nghị cần có thêm các hình thức giảng dạy, trang bị tác phong công nghiệp cho người lao động từ sớm, để trở thành "thói quen, nếp nghĩ, nếp làm" ngay từ còn ngồi trên ghế nhà trường.