Theo báo cáo mới nhất của NielsenIQ (NIQ), cảm nhận của người tiêu dùng về tình hình kinh tế đã dần cải thiện khi có 45% người đồng ý với quan điểm “Việt Nam đang không rơi vào giai đoạn suy thoái kinh tế ở thời điểm này”. Theo đó, tình hình tài chính của người tiêu dùng đang chuyển biến tốt, phần lớn người tiêu dùng thấy lạc quan về khả năng chi tiêu của mình.
NGƯỜI TIÊU DÙNG VẪN RẤT THẬN TRỌNG
Báo cáo về những xu hướng mới có thể dẫn đầu tăng trưởng trong thị trường bán lẻ năm 2025 của NIQ cho thấy tình hình tài chính cá nhân tại Việt Nam trong năm 2024 có cải thiện đáng kể, mặc dù vẫn tồn tại những gánh nặng về chi phí thiết yếu.
Cụ thể, 67% người dân cho rằng tình hình tài chính của họ tốt hơn so với năm trước, trong khi chỉ có 10% cho rằng tình hình tài chính của họ kém hơn. Tuy nhiên, các chi phí cơ bản như chăm sóc sức khỏe (50%), thực phẩm và hàng hóa (49%), cũng như nhiên liệu (44%) vẫn là gánh nặng lớn đối với người tiêu dùng.
Bà Thảo Huỳnh, Vietnam Industry Insights Lead, NIQ Việt Nam, cho rằng mặc dù tình hình tài chính có cải thiện, người tiêu dùng vẫn duy trì thói quen chi tiêu thận trọng và tiết kiệm.
Trước tình trạng tăng giá, người tiêu dùng cũng tỏ ra thận trọng trong việc mua sắm. Trong đó, 64% cho biết họ chỉ mua các mặt hàng thiết yếu khi giá thực phẩm tăng và 63% sẽ giảm số lượng mua sắm. Đồng thời, họ rất chú trọng đến các ưu đãi và khuyến mãi, với 75% luôn tận dụng các chương trình giảm giá để tiết kiệm chi phí.
“Tuy nhiên, sự ảnh hưởng của khuyến mãi đối với việc lựa chọn thương hiệu và cửa hàng vẫn có giới hạn, khi 42% người tiêu dùng cho biết họ chỉ mua sản phẩm khi có thiện cảm với thương hiệu”, bà Thảo cho biết thêm.
Bên cạnh đó, người tiêu dùng Việt Nam hiện đang trở nên thông thái và có ý thức hơn trong việc mua sắm. Theo đó, 85% người tiêu dùng so sánh giá cả trước khi quyết định mua hàng, 80% ưu tiên những sản phẩm đã được nhiều người tiêu dùng khác lựa chọn và 78% sẵn sàng chi nhiều tiền hơn cho sản phẩm chất lượng cao. “Điều này cho thấy chất lượng sản phẩm đang được ưu tiên hàng đầu trong quyết định mua sắm”, bà Thảo nhấn mạnh.
Mặt khác, theo khảo sát của PwC, người tiêu dùng Việt Nam đang ngày càng ưu tiên tính bền vững trong thói quen tiêu dùng, khi có 94% cho biết đã trải qua những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu trong cuộc sống hàng ngày (tỷ lệ này ở khu vực là 88%).
Đáng chú ý, 74% người tiêu dùng Việt Nam bày tỏ sẵn sàng chi trả cao hơn 20% so với mức giá trung bình cho một sản phẩm được làm từ vật liệu tái chế/bền vững và có đến 85% sẽ cân nhắc việc mua xe hybrid (xe lai) hoặc xe điện trong 3 năm tới.
Người tiêu dùng Việt Nam khá cởi mở với việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong các hoạt động ít rủi ro, tuy vậy vẫn muốn có sự tương tác trực tiếp với con người trong các giao dịch phức tạp. Cụ thể, 69% AI có thể trợ giúp thu thập thông tin sản phẩm, theo sau là đưa ra gợi ý về sản phẩm (63%) và hỗ trợ dịch vụ khách hàng (59%).
NGÀNH F&B ĐẨY MẠNH CHUYỂN ĐỔI SỐ VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
Theo báo cáo từ hệ thống quản lý Ipos Report, ngành F&B Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng từ 10 - 12% vào năm 2024 so với năm 2023. Với doanh thu đứng thứ 3 Đông Nam Á, Việt Nam hiện là một trong những thị trường tiềm năng nhất khu vực trong lĩnh vực này.
Mặt khác, theo thông tin số liệu giao dịch qua nền tảng thanh toán Payoo, nền kinh tế có nhiều tín hiệu tích cực, sức mua của người tiêu dùng tăng cao trong nửa đầu 2024 là cơ hội để nhiều ngành nghề hồi phục.
Trong đó, ngành thực phẩm và đồ uống - F&B (Food & Beverage) nhanh chóng có phản ứng tích cực đón đầu sự hồi phục trong năm 2024. Một khảo sát trên 3000 doanh nghiệp F&B vừa qua của Payoo cho thấy khoảng 80% doanh nghiệp ở Việt Nam vẫn tích cực và có nguồn lực để phát triển trong năm 2024, với gần 52% có kế hoạch mở rộng.
Dự báo, năm nay giá trị thị trường thực phẩm và đồ uống (F&B) tại Việt Nam dự kiến sẽ tăng 10,92% so với năm 2023.
Năm qua, Payoo cũng tập trung mảng F&B và mở rộng tập khách hàng thuộc nhóm này, ghi nhận mức chi tiêu tăng cao. Cụ thể, số lượng và giá trị giao dịch lĩnh vực F&B qua hệ thống tăng tương ứng 38% và 54%. Hình thức thanh toán qua thẻ quốc tế vẫn thống trị nhưng giảm nhẹ với 65% số lượng giao dịch, tiếp đến là quét mã QR với 30% và thẻ nội địa với 5%.
Bên cạnh giải pháp truyền thống là thanh toán tại quầy qua POS, Payoo còn mở thêm giải pháp cho phép khách hàng mua trả trước trọn gói và để sẵn trong ứng dụng riêng của nhiều thương hiệu lớn và sử dụng khi có nhu cầu.
Đáp lại thị hiếu của người tiêu dùng, đặc biệt là thế hệ trẻ và xu hướng tiêu dùng hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, nhiều doanh nghiệp trong ngành F&B đã cải tiến quy trình kinh doanh, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong cách tiếp cận khách hàng.
Đơn cử, thương hiệu Vinamilk đã đầu tư vào công nghệ và giải pháp xanh tại các trang trại và nhà máy của mình. Các cửa hàng của Vinamilk cũng đang từng bước chuyển sang sử dụng túi nhựa tái chế, góp phần giảm thiểu rác thải nhựa.
Tương tự, Acecook Việt Nam cũng đã thay thế bao bì nhựa của các sản phẩm mì ly như Modern và Handy Hảo Hảo bằng bao bì giấy, cùng việc chuyển sang sử dụng nĩa làm từ nhựa sinh học có nguồn gốc từ nguyên liệu sinh học được chứng nhận.
Vừa qua, Tổng Công ty Cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (SABECO) đã chính thức khai trương Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Ngành bia SABECO (SRC). Đại diện SABECO cho biết việc ra mắt SRC sẽ tạo ra một hệ thống nghiên cứu và phát triển bia ở mức độ chuyên sâu để đổi mới công nghệ, nghiên cứu ứng dụng nguyên liệu mới, quy trình mới để cải tiến và sản xuất, phù hợp với văn hóa ẩm thực và thị hiếu người Việt.
Hay mới đây, Pernod Ricard cũng vừa cho ra mắt nhãn điện tử E-label có thể được truy cập thông qua mã QR được in trên nhãn sau của các sản phẩm Pernod Ricard. Theo đó, khi quét mã QR bằng bất kỳ thiết bị di động nào, người tiêu dùng tại Việt Nam sẽ được dẫn trực tiếp đến một nền tảng chuyên dụng, cung cấp thông tin chi tiết về sản phẩm đồ uống đó, những rủi ro sức khỏe liên quan đến lạm dụng, hướng dẫn về uống có trách nhiệm.