Từ khi cuộc chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra vào cuối tháng 2 tới nay, châu Âu đã bất an cao độ về nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng năng lượng trầm trọng trong mùa đông năm nay, trong bối cảnh Nga - vốn là nhà cung cấp khí đốt lớn nhất của châu Âu - liên tục cắt giảm cung cấp khí đốt cho khu vực này.
Châu Âu cáo buộc Nga dùng năng lượng làm vũ khí để trả đũa các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp lên Nga liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine. Trong khi đó, Nga phủ nhận cáo buộc này, nói rằng cung cấp khí đốt giảm chẳng qua do vấn đề kỹ thuật và do trở ngại từ chính các biện pháp trừng phạt.
Giờ đây, châu Âu đã có thể yên tâm phần nào khi dự trữ khí đốt của các nước trong khu vực đã gần đầy; các tàu chờ khí đốt hoá lỏng (LNG) đang xếp hàng chờ vào cảng vì không có đủ suất để dỡ hàng; và giá khí đốt sụt giảm nhanh.
Giá khí đốt giao sau tiêu chuẩn tại thị trường châu Âu hiện đã giảm hơn 70% kể từ mức cao kỷ lục thiết lập vào cuối tháng 8. Hôm thứ Hai tuần này, giá khí đốt giao ngay trong vòng 1 giờ có thời điểm giảm dưới 0 - theo dữ liệu từ sàn giao dịch ICE.
Nhà phân tích Tomas Marzec-Manser của công ty phân tích ICIS nói với trang CNN Business rằng giá khí đốt giảm dưới 0 là do “mạng lưới dư thừa cung”. Đây thực sự là một diễn biến gây bất ngờ đối với châu Âu, nơi các hộ gia đình và doanh nghiệp đang bị bủa vây bởi những hoá đơn năng lượng “khủng” chưa từng thấy.
Chuyên gia Massimo di Odoardo, Phó giám đốc phụ trách nghiên cứu thị trường khí đốt và LNG tại Wood Mackenzie, nói rằng thời tiết dễ chịu là một nguyên nhân chính dẫn tới thay đổi tình hình.
“Ở những nước như Italy, Tây Ban Nha và Pháp, nhiệt độ và mức tiêu thụ khí đốt hiện nay ngang bằng với thời điểm tháng 8 và đầu tháng 9”, ông Odoardo nói với CNN Business. “Ngay cả ở những nước Bắc Âu, Anh và Đức, tiêu thụ khí đốt cũng đang thấp hơn nhiều so với mức bình quân của thời điểm này hàng năm”.
Liên minh châu Âu (EU) đã xây dựng được một lá chắn quan trọng cho mùa đông năm nay, khi dự trữ khí đốt của khu vực đã gần đầy. Dữ liệu từ cơ quan Hạ tầng khí đốt châu Âu (Gas Infrastructure Europe) cho thấy dự trữ khí đốt của EU hiện đạt khoảng 94% công suất. Mức này vượt xa mục tiêu dự trữ đạt 80% mà EU đặt ra cho mốc thời gian tháng 11.
“Đó là một mức dự trữ rất cao”, ông di Odoardo nói, nhấn mạnh rằng trong 5 năm qua, mức dự trữ khí đốt bình quân cao nhất của châu Âu là 87%.
Nỗ lực của châu Âu nhằm kiếm nhiều khí đốt nhất có thể trước mùa đông đã dẫn tới tình trạng tắc nghẽn tại các cảng biển tiếp nhận LNG của khu vực. Sự tắc nghẽn thêm phần trầm trọng vì châu Âu vốn thiếu cảng LNG, trong khi các nước trong khu vực đã ra sức gom mua LNG từ Mỹ và Qatar để bù vào sự sụt giảm nguồn cung khí đốt Nga.
Theo chuyên gia Felix Booth thuộc công ty dữ liệu Vortexa, đang có khoảng 35 tàu chở LNG đang chờ gần cảng hoặc đang di chuyển rất chậm về phía cảng, chủ yếu ở khu vực Bắc Âu và bán đảo Iberian. Ông Booth nói những con tàu này có thể phải đợi cả tháng trời để được dỡ hàng. Các tàu này chở số LNG với trị giá tổng cộng khoảng 2 tỷ USD - theo dữ liệu từ công ty dữ liệu Argus Media.
Dù đã giảm về ngưỡng khoảng 100 Euro, tương đương khoảng 100 USD, mỗi megawatt giờ, giá khí đốt giao sau ở châu Âu hiện vẫn đang cao hơn khoảng 126% so với cùng kỳ năm ngoái, khi nền kinh tế bắt đầu mở cửa trở lại sau đại dịch và nhu cầu tăng vọt.
Ông Booth nói rằng giá khí đốt có thể tăng mạnh trở lại trong tháng 12 và tháng 1 tới khi thời tiết chuyển lại hơn. Điều này sẽ khuyến khích một số tàu chở LNG sẵn sàng đợi ngoài khơi lâu hơn để có thể bán được khí đốt với giá tốt hơn.
Và mặc cho tỷ trọng của Nga trong tổng nhập khẩu khí đốt của châu Âu đã giảm từ 40% xuống còn 9%, khu vực này có thể gặp nhiều khó khăn trong mùa hè năm 2023 khi chuẩn bị dự trữ khí đốt cho mùa đông.
Giá khí đốt ở châu Âu có thể lại tăng lên mức 150 Euro/megawatt giờ vào trước cuối năm 2023 - theo chuyên gia Bill Weatherburn của Capital Economics nhận định.
“Làm đầy dự trữ khí đốt cho mùa đông năm sau sẽ đòi hỏi EU phải nhập khẩu thêm LNG vì cần thiết phải thay thế nhập khẩu khí đốt Nga trong cả năm”, ông Weatherburn nói với CNN Business.