Tuần trước, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron có một thông điệp đơn giản gửi tới doanh nghiệp Pháp đang chuẩn bị cho việc ký hợp đồng năng lượng với mức giá “cắt cổ”. Thông điệp đó là “đừng ký”.
Người đứng đầu điện Elysee nói rằng các công ty nên khước từ “mức giá điên rồ” mà các nhà cung cấp năng lượng đang chào, đồng thời khẳng định các chính phủ ở châu Âu sẽ thành công trong việc đưa thị trường vận hành bình thường trở lại, để đưa chi phí về mức hợp lý.
“CÔNG THỨC THẢM HOẠ”
Ông Aymeric Le Jemtel, CEO của Veta France - một công ty nhỏ chuyên sản xuất tấm ốp cho các toà nhà từ một nhà máy ở miền Bắc nước Pháp - không có chung sự tự tin với ông Macron. Các nhà cung cấp gạch cho Veta từ khắp nơi ở châu Âu đang phải tăng giá bán sản phẩm đề bù đắp cho giá khí đốt tăng cao mà họ dùng để đốt lò. Một số thậm chí phải huỷ đơn hàng vì không có lãi.
“Thật khó để chống chọi vì chúng tôi không thể biết giá cả sắp tới sẽ thế nào. Chúng tôi không muốn phải đóng cửa trong mùa đông này, nhưng tôi thực sự lo”, ông Le Jemtel nói.
Giữa lúc nhiệt độ ở châu Âu bắt đầu giảm xuống do mùa đông mỗi lúc một đến gần, và nhập khẩu khí đốt từ Nga chỉ còn một phần rất nhỏ so với trước kia, các bộ trưởng năng lượng ở châu Âu đã nhóm họp vào hôm thứ Sáu vừa rồi để thảo luận về một kế hoạch đánh thuế trong toàn Liên minh châu Âu (EU) nhằm vào phần lợi nhuận vượt trội các công ty năng lượng. Số tiền thu được sẽ dùng để hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp vượt qua “bão giá” năng lượng.
Các nước thành viên EU có thể chỉ ra một số thành công trong nỗ lực của khối nhằm “cai” khí đốt Nga trong những tháng gần đây, bao gồm đạt tỷ lệ dự trữ khí đốt hơn 85% công suất. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều quốc gia trong khối cảnh báo rằng những đề xuất mới nhất có thể vẫn không đủ để đưa châu Âu vượt qua “mùa đông không khí đốt Nga” một cách an toàn.
“Chắc chắn là có những quan chức dự họp nghĩ rằng kế hoạch được đưa ra là không đủ và cần phải hành động thêm. Không ai muốn giá năng lượng tăng cao gây bất ổn tại các nước thành viên. Đó sẽ là một công thức thảm hoạ”, một nhà ngoại giao EU nói.
Tuần trước, 15 nước thành viên EU đã viết thư gửi bà Kadri Simson, cao uỷ viên phụ trách vấn đề năng lượng của EU, đề nghị áp trần giá toàn châu Âu đối với giá khí đốt bán buôn vì các doanh nghiệp đang “oằn mình” dưới áp lực từ giá năng lượng hiện cao gấp khoảng 5 lần so với cách đây 1 năm.
Giới phân tích giờ đây cảnh báo rằng một cuộc suy thoái sâu là điều mà châu Âu không thể tránh khỏi. Ngân hàng Đức Deutsche Bank dự báo tổng sản phẩm trong nước (GDP) của toàn khu vực Eurozone sẽ giảm gần 3% trong thời gian từ quý 2 năm nay đến quý 2 năm sau, một cú giảm từ đỉnh đến đáy sâu hơn cả trong khủng hoảng nợ công Eurozone cách đây 1 thập kỷ. Sau chiến thắng bầu cử của liên minh cực hữu ở Italy trong tháng 9 vừa rồi, các nước EU khác đang thận trọng theo dõi bất kỳ tín hiệu nào cho thấy sự leo thang giá cả sinh hoạt có thể dẫn tới bất ổn xã hội và đẩy cử tri về phiếu những chính đảng theo trường phái cực đoan.
“Cuộc khủng hoảng năng lượng châu Âu giờ đã bắt đầu có ảnh hưởng thực sự, vì giá năng lượng bán buôn đang ngấm qua các doanh nghiệp đến hoá đơn mà các hộ gia đình nhận được. Tổn thất đối với nền kinh tế sẽ lớn hơn rất nhiều”, chuyên gia Simone Tagliapietra của tổ chức nghiên cứu Bruegel nhận định.
ÁP LỰC TỪ CÁNH HỮU
Pháp là một trong những nước EU quyết liệt nhất trong nỗ lực bảo vệ người tiêu dùng và doanh nghiệp trước sự leo thang của giá năng lượng. Tuy nhiên, một số quan chức Chính phủ Pháp lo ngại rằng bất ổn xã hội sẽ xảy ra trong mùa đông năm nay. Sự cố gắng của chính quyền Tổng thống Macron đã ghìm lạm phát của Pháp ở mức 6,5%, thấp hơn nhiều so với lạm phát ở một số nước Eurozone khác, nhất là các nước vùng Baltic – nơi lạm phát đang dao động từ 20-25%.
Pháp bảo vệ người dân khỏi sự leo thang của giá cả một cách tốt hơn so với các nước châu Âu khác, tới mức mà nước này còn phụ thuộc rất ít vào khí đốt tự nhiên và chủ yếu sử dụng điện từ các nhà máy điện hạt nhân thuộc sở hữu của công ty điện lực quốc doanh EDF. Hồi tháng 2 năm nay, Chính phủ Pháp đã có động thái bảo vệ các hộ gia đình và doanh nghiệp nhỏ bằng một “lá chắn thuế” giới hạn mức tăng giá điện ở 4% và giữ khí đốt tự nhiên đi ngang trong cả năm 2022.
Ngoài ra, các biện pháp hỗ trợ khác cũng được triển khai, bao gồm phát séc trực tiếp 100 Euro cho các hộ nghèo, trợ cấp dầu sưởi, giảm giá xăng và dầu diesel tại các trạm bán lẻ xăng dầu, Tổng mức hỗ trợ của cả năm nay là 24 tỷ Euro, trong đó 7,5 tỷ Euro được cấp cho những người sử dụng ô tô - theo Bộ Tài chính Pháp.
Gần đây, Chính phủ Pháp tuyên bố các biện pháp bảo vệ này sẽ được gia hạn sang năm 2023 bằng cách hạn chế mức tăng giá khí đốt và giá điện ở 15% đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp nhỏ. Chính phủ sẽ phải chi khoảng 45 tỷ USD cho kế hoạch này, nhưng một khi thu được thuế từ các nhà cung cấp năng lượng, chi phí ròng sẽ giảm còn khoảng 16 tỷ Euro.
Phương pháp can thiệp như vậy phù hợp với văn hoá chính trị Pháp, trong đó Chính phủ nước này thường vạch ra chính sách công nghiệp vào bảo vệ người dân khỏi các cuộc khủng hoảng kinh tế. Tuy nhiên, phương pháp đó cũng phản ánh nỗi lo sợ của điện Elysee rằng sự bất mãn của cử tri sẽ củng cố sức mạnh cho đảng cực hữu Mặt trận Dân tộc của bà Marine Le Pen, chính đảng đã giành 89 ghế - một con số chưa từng có tiền lệ của đảng này - tại Quốc hội Pháp vào mùa hè vừa rồi.
Chính phủ của Tổng thống Macron vẫn bị ám ảnh bởi những cuộc biểu tình phản đối tăng thuế bán lẻ xăng dầu xảy ra vào mùa đông năm 2018. Một số bộ trưởng lo ngại sự sống dậy của phong trào phân tán và không có thủ lĩnh đó, nhất là khi giá xăng dầu bán lẻ ở Pháp trong những tháng gần đây cao hơn nhiều so với ở thời điểm đó.
Do một số gián đoạn không lường trước được tại các nhà máy điện hạt nhân của EDF, Chính phủ Pháp đã cảnh báo về khả năng phải áp định mức sử dụng năng lượng đối với các công ty trong mùa đông năm nay. Một số dịch vụ công cộng như bể bơi và bảo tàng đã phải giảm số giờ tiêu thụ điện. “Chống lạm phát là một ưu tiên kinh tế và chính trị. Lạm phát là thuốc độc đối với các nền dân chủ, lịch sử đã cho thấy điều đó”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Pháp Bruno Le Maire phát biểu hồi tuần trước.
Bất chấp những nỗ lực can thiệp vào thị trường năng lượng của Chính phủ Pháp tính đến thời điểm này, các doanh nghiệp và hộ gia đình ở nước này vẫn đang trong tâm trạng bất an cao độ vì sự leo thang chi phí mà họ đang đối mặt.
Trao đổi với Financial Times, bà Stephanie Pauzat - một quan chức của CPME, một tổ chức đại diện doanh nghiệp vừa và nhỏ - cho biết trong những tuần gần đây, bà đã nhận được một số cuộc gọi từ các lãnh đạo doanh nghiệp lo ngại về tình hình giá cả sau khi được nhà cung cấp năng lượng báo giá.
2/3 số công ty ở Pháp mua năng lượng trên thị trường mở vì không đủ tiêu chuẩn để hưởng mức giá điều tiết do Chính phủ thiết lập và được EDF áp dụng. Chỉ những công ty có dưới 10 nhân viên và doanh thu dưới 2 triệu USD mới được bảo vệ bởi trần giá năng lượng mà Paris đặt ra cho năm nay và dự kiến cho năm 2023.
Bà Pauzat cho biết trong một cuộc khảo sát được CPME thực hiện vào tháng 7, có 93% trong số 2.400 chủ doanh nghiệp ở Pháp nói rằng giá năng lượng tăng cao đã đẩy giá thành sản phẩm của họ tăng 10%. Tuy nhiên, 1/3 nói rằng họ không thể đẩy phần chi phí tăng thêm này về phía khách hàng.
“Chúng tôi nghe thấy các công ty phàn nàn rằng họ đang phải đối mặt với giá điện tăng gấp 10-20 lần trong thời gian từ tháng 1 đến nay”, bà Pauzat cho hay. “Điều này đe doạ toàn bộ mô hình kinh doanh và sự sống còn của doanh nghiệp”, bà nói và lấy dẫn chứng là một công ty cung cấp điện bán buôn cho các công ty công nghiệp đã nhận được báo giá từ EDF cho một hợp đồng điện cả năm là 40.000 Euro từ mức 5.000 Euro vào năm ngoái. Một công ty gỗ gần Saint Etiene với 35 công nhân đã được chào bán một hợp đồng điện với giá 200.000 Euro, tăng gấp hơn 3 lần so với năm ngoái.