Nguồn thạo tin tiết lộ với hãng tin Bloomberg rằng nỗi lo này của châu Âu có thể dẫn tới bất đồng giữa khu vực này với Mỹ về việc nên trừng phạt Nga ở mức độ nào nếu xảy ra tình huống như vậy.
Tuần này, các nước đồng minh phương Tây tiến hành đàm phán với Nga nhằm ngăn nguy cơ xảy ra chiến tranh giữa Nga với Ukraine và cảnh báo về các biện pháp trừng phạt mạnh tay nếu có bất kỳ hành động quân sự nào xảy ra. Những biện pháp mà phương Tây tính đến bao gồm kiểm soát xuất khẩu, hạn chế khả năng tiếp cận của Nga với công nghệ, thậm chí loại Nga khỏi hệ thống tai toán tài chính toàn cầu. Ngày 10/1, các quan chức Mỹ và Nga đã có cuộc gặp ở Geneva, Thuỵ Sỹ, nhưng sau đó giới chức Mỹ cho biết không đạt được bước đột phá nào.
Về cơ bản, các nước lớn ở Tây Âu trong Liên minh châu Âu (EU) vẫn cam kết đáp trả cứng rắn nếu Nga tấn công Ukraine. Tuy nhiên, một số nước trong nhóm này đã bày tỏ lo ngại với Mỹ về ảnh hưởng đối với nền kinh tế của họ - nguồn tin tiết lộ. Ngoài ra, các nước châu Âu cũng lo ngại rằng Nga sẽ trả đũa, thậm chí có thể cắt nguồn cung khí đốt giữa lúc giá năng lượng đang cao kỷ lục. Ngoài ra, bất kỳ biện pháp đáp trả quan trọng nào của EU với Nga cũng đều cần tới sự nhất trí của 27 quốc gia thành viên, trong khi quan điểm của các nước trong khối về Nga là không hề đồng nhất.
Song song đàm phán với Nga, Mỹ đang tham vấn các nước châu Âu, bao gồm nhóm Quint trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) gồm Pháp, Đức, Anh và Italy. Ngoài ra, Mỹ cũng thảo luận vấn đề với các quốc gia Đông Âu.
THẾ KHÓ CỦA CHÂU ÂU
Vấn đề lớn nhất của EU trong việc trừng phạt Nga nằm ở việc Nga là đối tác thương mại lớn nhất của khối này, chiếm khoảng 37% tổng giá trị thương mại của EU với thế giới ở thời điểm đầu năm 2020 – theo dữ liệu của Uỷ ban châu Âu (EC). Nga cũng là nguồn đáp ứng khoảng 25% lượng dầu nhập khẩu vào EU.
Nguồn tin nói rằng sẽ không dễ dàng để Mỹ và EU đi đến một thoả thuận chung về những biện pháp cụ thể cho việc trừng phạt Nga. Mỹ và các nước châu Âu đã thảo luận về những biện pháp như loại Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế Swift, hạn chế khả năng của các ngân hàng Nga trong việc chuyển đổi tiền tệ, và áp hạn chế xuất khẩu đối với các công nghệ tiên tiến sử dụng trong các lĩnh vực hàng không, bán dẫn và linh kiện khác, thậm chí cả máy tính và hàng tiêu dùng khác trong những kịch bản cực đoan hơn. Các biện pháp trừng phạt như vậy sẽ ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực từ điện tử hàng không và máy công cụ đến smartphone, máy chơi game, máy tính bảng và TV. Theo nguồn tin, trong một số trường hợp, hạn chế xuất khẩu đối với Nga có thể nghiêm ngặt như đối với Cuba, Iran, Triều Tiên và Syria – những nước về cơ bản đang phải đứng ngoại hệ thống thương mại và tài chính toàn cầu.
Sau cuộc đàm phán Nga-Mỹ ở Geneva ngày 10/11, một cuộc đàm phán giữa Nga với NATO sẽ diễn ra trong tuần này, tiếp đó là đàm phán giữa Nga với Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) ở Vienna.
Tổng thống Nga Vladimir Putin vẫn nói rằng ông hiện không có kế hoạch tấn công Ukraine nhưng muốn NATO đưa ra sự đảm bảo an ninh cho Moscow.
Phát biểu trước báo giới ở Brussels ngày 10/1, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói rằng các nước đồng minh phương Tây sẵn sàng lắng nghe những mối lo của Nga. “Nhưng cùng với đó, chúng tôi cũng cần chuẩn bị sẵn sàng cho trường hợp Nga một lần nữa chọn sử dụng vũ lực, chọn đối đầu thay vì đối thoại”, ông Stoltenberg nói.
Một cựu quan chức Mỹ nhận định rằng một vấn đề mấu chốt là Đức, nước vừa hoàn tất dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) từ Nga, sẽ muốn tham gia ở mức độ như thế nào trong việc trừng phạt Nga. Việc bà Angela Merkel mới đây rời cương vị Thủ tướng Đức sau 16 năm cầm quyền đã để lại một khoảng trống quyền lực, khiến châu Âu thiếu đi một nhà lãnh đạo vừa có thể tập hợp EU vào một thoả thuận vừa có thể tương tác trực tiếp với ông Putin – vị quan chức này nhận định. Hiện Nord Stream 2 vẫn chưa đi vào vận chuyển khí đốt và vẫn đang chờ sự phê chuẩn của Đức và EU.
Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock ngày 10/1 nhắc lại quan điểm rằng Nord Stream 2 có ảnh hưởng địa chiến lược. “Nếu năng lượng được sử dụng như một vũ khí, diều đó chắc chắn sẽ đặt ra hệ quả đối với tất cả các dự án hạ tầng năng lượng, trong đó có Nord Stream 2”, bà Baerbock phát biểu tại một sự kiện ở Rome. Cá nhân bà Baerbock, một thành viên Đảng Xanh, từ lâu phản đối dự án đường ống dẫn đầu này.
HY VỌNG MONG MANH CỦA MỸ
Giới chức Mỹ chỉ hy vọng có thể đạt thoả thuận với Nga về những vấn đề như kiểm soát vũ khí và tăng cường giao tiếp giữa quân đội hai nước, nguồn thạo tin cho hay, xét tới việc những đảm bảo từ phía NATO mà ông Putin tìm kiếm khó có thể trở thành hiện thực. Mỹ sẵn sàng chấp nhận những hạn chế có đi có lại với Nga về máy bay ném bom chiến lược và các cuộc tập trận trên bộ.
Tuy nhiên, Mỹ sẽ tránh đưa ra những am kết chắc chắn, và muốn thảo luận với đồng minh trước khi đi đến bất kỳ thoả thuận nào với Nga – nguồn tin cho hay. Ngoài ra, Mỹ sẽ không đàm phán về việc cắt giảm việc triển khai quân đội Mỹ ở Đông Âu. Hôm Chủ nhật, Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken nói với kênh ABC News rằng ông không hy vọng đạt được bước đột phát nào trong đàm phán với Nga tuần này.
Thông tin tình báo và hình ảnh từ vệ tinh cho thấy hiện đang có hơn 100.000 binh sỹ Nga tập trung ở khu vực biên giới giữa nước này với Ukraine. Nga cũng đã phát triển năng lực để triển khai thêm quân trong thời gian ngắn. Giới chức Mỹ nói Nga chưa phát đi tín hiệu nào cho thấy sự xuống thang căng thẳng và đang đẩy mạnh các nỗ lực chiến tranh thông tin đối với Ukraine.
Nguồn tin nói có một đánh giá quân sự cho thấy khả năng Nga sẽ đưa quân vào vùng Donbas ở miền Đông Ukraina trước mùa xuân ở bán cầu Bắc, thay vì tiến hành tấn công quy mô lớn từ nhiều địa điểm.
Ukraine và Nga đã xung đột kể từ năm 2014, khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea ly khai khỏi Ukraine trong cuộc nổi dậy lật đổ chính quyền thân Moscow ở Kiev. Nga cũng bị cho là hậu thuẫn lực lượng ly khai ở miền Đông Ukraine, dẫn tới một cuộc xung đột khiến hơn 14.000 người thiệt mạng ở khu vực này.