Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) ngày 30/5 đã nhất trí lệnh cấm vận một phần đối với dầu thô do Nga sản xuất, theo đó mở đường cho gói trừng phạt thứ 6 của khối này nhằm mục đích đáp trả Moscow liên quan đến cuộc chiến tranh Nga-Ukraine.
Theo tin từ Bloomberg, lệnh cấm vận trên sẽ không cho phép việc mua dầu và các sản phẩm từ dầu từ Nga giao hàng cho các nước thành viên EU bằng đường biển, nhưng bao gồm một điều khoản miễn trừ tạm thời cho phép tiếp tục nhập khẩu dầu Nga qua đường ống. Thông tin này được Chủ tịch Hội đồng châu ÂU Charles Michel công bố sau khi kết thúc hội nghị thượng đỉnh EU ở Brussels.
“Biện pháp này ngay lập tức bao trùm hơn 2/3 dầu nhập khẩu từ Nga vào EU, làm mất đi một nguồn lực tài chính to lớn cho cỗ máy chiến tranh của Nga”, ông Michel viết trong một dòng tweet. “Sức ép tối đa đối với Nga để kết thúc chiến tranh.
Các quan chức và giới ngoại giao vẫn cần nhất trí về các chi tiết kỹ thuật và gói trừng phạt vẫn cần phải được chính thức phê chuẩn bởi tất cả 27 nước thành viên. Ông Michel cho biết các đại sứ EU sẽ có cuộc thảo luận tiếp theo vào ngày thứ Tư tuần này.
Trong suốt 1 tháng qua, Hungary đã phản đối việc cấp vận dầu Nga vì muốn đàm bảo rằng nguồn cung năng lượng của mình không bị gián đoạn. Với kế hoạch vừa được phê chuẩn, nước này sẽ tiếp tục được mua dầu Nga qua đường ống. Budapest đã nhận được sự đảm bảo của lãnh đạo EU rằng Hungary sẽ nhận được nguồn cung dầu thay thế nếu đường ống dẫn dầu đó bị gián đoạn - nguồn thạo tin tiết lộ với Bloomberg.
Cũng theo nguồn tin được tiếp cận với phiên bản mới nhất của lệnh cấm vận được đề xuất, Uỷ ban châu Âu (EC) muốn sau 6 tháng nữa sẽ hoàn toàn dừng nhập khẩu dầu Nga qua đường biển, và 8 tháng là thời hạn để dừng việc nhập khẩu các sản phẩm từ dầu. Việc nhập dầu qua đường ống khổng lồ Druzhba nối đến khu vực Trung Âu sẽ được miễn trừ khỏi lệnh cấm cho tới khi tìm ra một giải pháp kỹ thuật đáp ứng được nhu cầu năng lượng của Hungary và các nước nằm sâu trong lục địa khác.
Phần lớn dầu đi qua đường ống này hiện nay có đích đến là Đức và Ba Lan – hai nước đều đã phát tín hiệu sẽ “cai” năng lượng Nga cho dù EU có hành động như thế nào. Nguồn tin cho biết tại hội nghị thượng đỉnh ngày 30/3, Berlin đã có văn bản tái khẳng định cam kết này. Cả hai nước đều ủng hộ hoàn toàn việc cấm vận dầu Nga qua đường biển - biện pháp dự kiến đến cuối năm nay sẽ cắt giảm 90% lượng dầu thô mà EU nhập từ Nga.
“Chúng tôi sẽ sớm quay lại vấn đề số dầu 10% còn lại được nhập qua đường ống”, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen phát biểu tại một cuộc họp báo.
Đường biển chiếm khoảng 2/3 lượng dầu mà các nước EU nhập từ Nga. Theo ước tính của hãng tin Bloomberg, lệnh cấm vận dầu Nga của EU có thể khiến Moscow mất tới 10 tỷ USD doanh thu xuất khẩu mỗi năm. Đó là bởi biện pháp trừng phạt này sẽ buộc Nga phải bán dầu với giá rẻ cho châu Á. Hiện tại, giá dầu thô Urals của Nga bán cho khách châu Á có giá thấp hơn khoảng 34 USD/thùng so với giá dầu Brent giao sau tại thị trường London.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban, người đã cáo buộc EU áp đặt quyết định cấm vận dầu Nga lên các nước thành viên, nói trong các cuộc thảo luận kín rằng việc bàn bạc về cấm vận dầu Nga qua đường ống cần được tiến hành ở cấp độ các nhà lãnh đạo thành viên EU vì đây là một quyết định chính trị chứ không phải kỹ thuật - nguồn tin tiết lộ. Hội nghị thượng đỉnh tiếp theo của lãnh đạo EU sẽ diễn ra vào cuối tháng 6.
Châu Âu là khách hàng mua năng lượng lớn nhất của Nga. Dầu thô Nga chiếm 27% tổng nhập khẩu dầu của khối này trong năm 2021 – theo dữ liệu từ Eurostat. Tỷ lệ này tương đương khoảng 2,4 triệu thùng dầu mỗi ngày – theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA). Khoảng 1/3 số dầu đó được vận chuyển tới EU thông qua đường ống.
Đối với một số nước EU, đường ống chiếm tỷ lệ rất cao trong nhập khẩu dầu Nga, như Hungary (86%), Cộng hoà Czech (97%), và Slovakia (100%).