Năm nay, Phần Lan tiếp tục giữ vững danh hiệu quốc gia hạnh phúc nhất thế giới năm thứ 7 liên tiếp, theo Báo cáo Hạnh phúc Thế giới - do Liên Hợp Quốc bảo trợ - công bố ngày 20/3. Kế đến vẫn là các quốc gia Bắc Âu gồm Đan Mạch, Iceland, Thụy Điển. Trong Top 10, còn có Israel, Hà Lan, Na Uy, Luxembourg, Thụy Sĩ và Australia. Cũng theo báo cáo, tại Trung và Đông Âu, mức độ hạnh phúc tăng lên đáng kể ở mọi lứa tuổi trong cùng thời kỳ, trong khi ở Tây Âu người dân ở mọi lứa tuổi đều có mức độ hạnh phúc tương tự nhau.
Bảng xếp hạng hạnh phúc dựa trên những tự đánh giá của mỗi cá nhân về sự hài lòng trong cuộc sống, cũng như GDP bình quân đầu người, hỗ trợ xã hội, tuổi thọ, tự do, chất lượng sống và vấn đề tham nhũng. Bà Jennifer De Paola, nhà nghiên cứu về hạnh phúc tại Đại học Helsinki ở Phần Lan, nói với AFP rằng sự gắn kết của người dân Phần Lan với thiên nhiên và sự cân bằng lành mạnh giữa công việc và cuộc sống là những yếu tố chính góp phần mang lại sự hài lòng trong cuộc sống của họ.
Theo Business Insider, mức độ tín nhiệm xã hội cao ở Phần Lan có thể là một trong những lý do khiến đất nước này được xếp hạng là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới liên tiếp trong 7 năm. Hầu hết người Phần Lan cho biết nếu họ lỡ đánh mất ví tiền ở đâu đó, thì khả năng cao họ sẽ nhận lại được chiếc ví rất sớm.
Với du khách, mọi thứ ở Phần Lan đều hoạt động tốt: các dịch vụ công hoạt động trơn tru, tỷ lệ tội phạm thấp, đồng thời có được sự tin tưởng giữa chính phủ và công chúng. Tất cả những điều này phối hợp với nhau để tạo ra một xã hội hoạt động tốt và một nền văn hóa quan tâm đến mọi người. Điều này mở rộng cho du khách, vì tất cả mọi người đều được chào đón. Phần Lan là một điểm đến du lịch an toàn.
Ở Phần Lan, có 3 triệu phòng tắm hơi cho dân số chỉ hơn 5 triệu người. Sự tràn ngập các phòng tắm hơi này là kết quả của văn hóa tắm hơi Phần Lan - một hiện tượng thậm chí còn được đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO, nêu bật giá trị của nó trong phong tục và phúc lợi. Đối với nhiều người Phần Lan, phòng tắm hơi cũng gắn liền với thời gian ở bên hồ. Với 188.000 hồ nước trên khắp đất nước, cộng với 3 triệu phòng tắm hơi đó, có rất nhiều không gian để mọi người trút bỏ những điều tiêu cực.
Ulko-Tammio, hòn đảo du lịch nằm ở phía đông Vịnh Phần Lan sẽ là khu vực không có các thiết bị điện tử trong mùa hè này. Du khách được khuyến khích tạm thời gác lại công việc, tắt hết thiết bị điện tử và thực sự tận hưởng vẻ đẹp của các hòn đảo. Là một trong 41 công viên quốc gia của Phần Lan, hòn đảo Ulko-Tammio tuy không có người sinh sống nhưng là nhà của nhiều loài chim và thực vật quý hiếm mà du khách có thể tận mắt chiêm ngưỡng khi đi bộ dọc theo những con đường mòn tự nhiên hoặc từ tháp chim trên đảo.
Tháng 9/2023, Phần Lan cũng trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cho phép du khách qua biên giới bằng hộ chiếu kỹ thuật số trên điện thoại thông minh. Thử nghiệm hộ chiếu kỹ thuật số của Phần Lan diễn ra trong bối cảnh Liên minh châu Âu tìm cách cải thiện công nghệ du lịch, mong muốn ít nhất 80% công dân ở tất cả 27 quốc gia thành viên của khối sẽ sử dụng hộ chiếu kỹ thuật số trên điện thoại vào năm 2030.
Mặc dù khí hậu nóng lên, giống như Phần Lan, mỗi nước châu Âu luôn tìm cách quảng bá du lịch theo một cách riêng. Tờ Thời báo Thụy Sĩ trích lời một quan chức ngành du lịch nước này cho biết: Thời tiết nóng bức là một rủi ro, nhưng cũng là một cơ hội cho các quốc gia Âu – nơi có nhiều bãi biển, cánh rừng, núi tuyết hay sông hồ. Các thành phố của Thụy Sĩ đang áp dụng một chiến lược mới, nhấn mạnh rằng du khách có thể bơi lội trong hồ. Thành phố Geneve thậm chí tự phong là thành phố nghỉ mát ven hồ.
Tương tự, tờ Jornal de Negócios tại Bồ Đào Nha dự đoán các chuyến du lịch hè sẽ ngày càng trở nên đắt đỏ hơn tại châu Âu. Các điểm đến kín khách, giá phòng khách sạn tăng, nhiều nơi áp dụng thuế du lịch… Tuy nhiên, xu hướng này không ngăn được khách du lịch. Nhờ hiệu ứng của các thành phố hạnh phúc bậc nhất thế giới, du khách từ châu Á, Mỹ và Canada thà không mua ô tô và quần áo nữa, chứ nhất quyết không cắt giảm các chuyến đi tới lục địa già. Riêng trong mảng lưu trú, lợi nhuận từ mỗi phòng cho thuê đã đạt mức cao lịch sử tại Lisbon và Porto, giá khách sạn tăng 31%.
Mới đây, Sojern, nền tảng tiếp thị kỹ thuật số hàng đầu cho ngành du lịch đã công bố số liệu du lịch châu Âu mới nhất của mình trước thềm Thế vận hội Mùa hè 2024. Paris vốn luôn là điểm đến được du khách ưa chuộng –Tháp Eiffel đón 6,3 triệu khách du lịch vào năm 2023, và Olympic sẽ tiếp tục củng cố vị trí hàng đầu của điểm đến này trong lòng du khách.
Vào thời gian diễn ra Thế vận hội trong năm 2024, số lượng vé máy bay đặt đến Paris, không chỉ là các lượt tìm kiếm, đã tăng 125% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, với thời gian kéo dài trung bình của chuyến đi là 11 ngày so với 13,2 ngày vào năm 2023, rõ ràng, Thế vận hội đang có sức ảnh hưởng lớn đến quyết định của du khách. Dự báo trong năm 2024, Pháp sẽ vượt mốc 100 triệu lượt khách quốc tế, với lượng đặt vé máy bay ngày càng tăng và các hãng hàng không chuẩn bị tung ra lượng chỗ ngồi kỷ lục.
Hiện tại, đặt phòng khách sạn của người Paris đến các điểm đến khác của Pháp trong thời gian diễn ra Thế vận hội cũng đã tăng 49% so với năm 2023, cho thấy rất nhiều người Paris đang có kế hoạch dời thành phố vào dịp Olympic để nhường chỗ cho du khách quốc tế. Lille, Nice, Corsica, Lyon, và Toulouse đang là những điểm đến hàng đầu, đem đến cho giới kinh doanh khách sạn trên toàn nước Pháp cơ hội thu hút du khách Paris đến với cơ sở lưu trú của mình trong thời gian Thế vận hội diễn ra.