May 05, 2021 | 06:00 GMT+7

Chạy đua mở trung tâm đào tạo nhân lực chuyển đổi số

Đỗ Phong -

Nhu cầu về nhân lực cho hành trình chuyển đổi số ngày càng tăng mạnh khiến cho nhu cầu đào tạo cũng không ngừng tăng theo...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số, đào tạo kỹ năng chuyển đổi số, công nghệ số, dịch vụ số, kinh doanh số, xây dựng lực lượng nòng cốt, hình thành mạng lưới chuyên gia chuyển đổi số trên toàn quốc để dẫn dắt, tổ chức và lan tỏa tiến trình chuyển đổi số là yếu tố then chốt, góp phần đảm bảo công cuộc chuyển đổi số quốc gia thành công.

KHỞI ĐỘNG CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO CHUYỂN ĐỔI SỐ

Một chương trình hợp tác đào tạo chuyển đổi số vừa được Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông), Đại học Văn Lang và Công ty cổ phần Viet Lotus khởi động tuần qua với khóa học đầu tiên diễn ra đến ngày 11/5/2021. Chương trình được xây dựng trên mô hình Blended Learning kết hợp giữa online và offline.

Được thiết kế với 8 module, chương trình đào tạo kiến thức và kỹ năng về chuyển đổi số, cung cấp từ những kiến thức cơ bản đến kiến thức thực tế để triển khai thành công quá trình chuyển đổi số cho một tổ chức/doanh nghiệp.

Tám module kiến thức và kỹ năng về chuyển đổi số tập trung hướng tới những nội dung về chuyển đổi số, mô hình khung chuyển đổi số, các xu hướng công nghệ và ứng dụng trong chuyển đổi số, kinh tế nền tảng và sự thay đổi mô hình kinh doanh, quản trị chương trình chuyển đổi số, dữ liệu và phân tích trong chuyển đổi số, hạ tầng công nghệ chuyển đổi số.

 

Đây là “viên gạch” đầu tiên khởi động chương trình đào tạo chuyển đổi số. Sau khi thí điểm sẽ tổng kết, đánh giá, thẩm định lại, từ đó hướng tới xây dựng Khung chương trình đào tạo chuyển đổi số quốc gia chuẩn.

Đặc biệt, chương trình đào tạo có sự tham gia của đội ngũ giảng viên, diễn giả là những chuyên gia uy tín như: Tiến sĩ Vũ Duy Thức, chuyên gia công nghệ tại Silicon Valley, CEO- đồng sáng lập Kambria và OhmniLabs; Tiến sĩ Trần Việt Hùng, CTO, đồng sáng lập GotIt; thành viên Tổ tư vấn Ủy ban quốc gia về cải cách giáo dục và đào tạo của Thủ tướng Chính phủ…

Đại diện Cục Tin học hóa cho biết thời gian tới, Cục và các đơn vị sẽ hợp tác triển khai xây dựng khung chương trình đào tạo chuyển đổi số quốc gia, sẽ đưa ra nhiều chương trình, nhiều nền tảng hỗ trợ đào tạo về chuyển đổi số, góp phần hiện thực hóa khát vọng Việt Nam trở thành quốc gia số.

TƯ VẤN CHUYỂN ĐỔI SỐ: NGHỀ TIỀM NĂNG

Bên cạnh chương trình này, trong thời gian qua đã xuất hiện nhiều chương trình hợp tác về chuyển đổi số, chương trình hợp tác đào tạo nhân lực giữa các đơn vị cũng như hình thành mô hình học viện đào tạo nhận lực chuyển đổi số. Ở một số trường đại học như Đà Nẵng… cũng cho biết kế hoạch sẽ mở thêm các ngành theo hình thức chuyển đổi số. Đây là những ngành được kết hợp giữa ngành truyền thống với công nghệ thông tin, nhằm thích ứng với thời đại số. Không chỉ các trường đại học, mô hình giáo dục STEM cũng đã và đang hình thành hướng tới hỗ trợ các học sinh phổ thông tiếp cận các công nghệ mới của chuyển đổi số…

Đặc biệt, một mô hình đào tạo cũng khá mới đó là Học viện đào tạo chuyển đổi số đầu tiên của Việt Nam NextAcademy (thuộc NextPay) vừa được triển khai. Để đáp ứng yêu cầu này, Học viện chuyển đổi số Việt Nam- Next Academy đã xây dựng các nền tảng cơ bản phục vụ công cuộc chuyển đổi số quốc gia với mục tiêu sẽ đào tạo nghề cho hàng vạn chuyên gia tư vấn và triển khai chuyển đổi số cho cả thị trường. Đây là một học viện tiên phong về nghề tư vấn chuyển đổi số, tư vấn chuyển đổi hoạt động của doanh nghiệp lên môi trường số.

Ông Nguyễn Hữu Tuất, CEO NextPay cho biết, sự ra đời của học viện này hướng đến mục tiêu cung cấp lực lượng cho bản thân doanh nghiệp. Tuy nhiên hướng mục tiêu lớn hơn là tiếp tục đào tạo không ngừng để cung cấp lực lượng nhân lực chuyển đổi số cho xã hội, tạo ra một ngành nghề mới- nghề chuyển đổi số đầy tiềm năng phát triển.

Đại diện học viện này cho biết sẽ tạo tạo từ lý thuyết tới thực tế để hiểu về chuyển đổi số, để trở thành người bạn đồng hành tin cậy tư vấn chuyển đổi số cho các doanh nghiệp. Những học viên này cũng sẽ được cấp chứng chỉ xác nhận để trở thành những tư vấn chuyển đổi số chuyên nghiệp. Học viện này cũng cam kết toàn bộ những người học từ học viện chuyển đổi số này sẽ có việc làm, phát triển thành công.

 

Tư vấn chuyển đổi số sẽ trở thành một nghề mới trong nền kinh tế số, sánh vai với các ngành nghề truyền thống khác hiện nay như kế toán hay luật sư... Năm 2025, nghề tư vấn chuyển đổi số là một nghề thời thượng, là một trong Top 10 ngành nghề tạo ra thu nhập triển vọng cho giới trẻ và xã hội.

Việt Nam hiện có khoảng 800.000 doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm hơn 98%, sử dụng tới 70% lực lượng lao động và đóng góp 50% GDP. Theo thống kê của Tập đoàn công nghệ NextTech, khi Covid-19 diễn ra, trên 90% doanh nghiệp nhỏ và vừa chịu ảnh hưởng tiêu cực. Vì vậy, khoảng 47% doanh nghiệp khi được khảo sát coi chuyển đổi số là nhu cầu cấp thiết nhưng còn lạ lẫm và chưa biết bắt đầu từ đâu.

Theo  ông Nguyễn Quân, Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, nhiều doanh nghiệp Việt Nam còn lúng túng, chưa hiểu thế nào là chuyển đổi số, chưa biết phải bắt đầu từ đâu và làm thế nào để chuyển đổi số. Nếu không chuyển đổi số thì trong vài năm tới, các doanh nghiệp đó sẽ vô cùng khó khăn và nền kinh tế Việt Nam cũng sẽ bị tụt hậu. "Chỉ khi chuyển đổi số doanh nghiệp thành công thì Việt Nam mới hy vọng có nền kinh tế số", ông Quân nhấn mạnh.

Trên thực tế, câu hỏi mà các doanh nghiệp hiện nay đặt ra chính là chuyển đổi số là gì, tại sao phải chuyển đổi số, ai tư vấn, ai vận hành và làm thế nào để chuyển đổi số…? Để hỗ trợ tư vấn, tuyên truyền và triển khai chuyển đổi số đáp ứng nhu cầu hiện nay cần nguồn nhân lực tư vấn lớn.

 

Theo dự thảo Đề án “Nâng cao nhận thức, đào tạo kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đặt mục tiêu đến 2025 đào tạo được 1000 chuyên gia chuyển đổi số làm lực lượng nòng cốt chuyển đổi số trên toàn quốc; 10.000 lượt cán bộ tại các cơ quan nhà nước được đào tạo ngắn hạn về chuyển đổi số, kỹ năng số; tuyển sinh, đào tạo 5.000 kỹ sư, cử nhân chất lượng cao về các chuyên ngành công nghệ số, kinh tế số và xã hội số…

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate