April 30, 2021 | 07:00 GMT+7

Chế biến là giải pháp để giải bài toán "giải cứu nông sản"

Chu Khôi -

Cả nước hiện có trên 43.000 doanh nghiệp chế biến kinh doanh nông lâm thủy sản, trên 7.500 cơ sở chế biến nông lâm thủy sản quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu, tăng 1.500 cơ sở so với năm 2015…

Ngành chế biến nông sản phát triển chưa bền vững
Ngành chế biến nông sản phát triển chưa bền vững

“Nếu thị trường không nở ra, cầu không tăng mà cung tăng thì ắt phải giảm giá. Và câu chuyện giải cứu nằm ở khúc cua của quy luật thị trường khi bị mất cân bằng cung với cầu", ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết như vậy khi được hỏi về lời giải cho câu chuyện giải cứu. Và chế biến luôn là giải pháp để giải quyết vấn đề cung vượt cầu như thế.

CHẾ BIẾN NÔNG SẢN CHƯA BỀN VỮNG

Theo số liệu từ Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hàng năm, sản lượng lúa của cả nước ước đạt 43,98 triệu tấn; sản lượng khai thác thủy sản đạt gần 3,6 triệu tấn; nuôi trồng thủy sản 4,4 triệu tấn. Sản lượng các loại cây trồng khác như: xoài đạt 788.400 tấn; thanh long 1,1 triệu tấn; dứa 674.000 tấn; khoai lang 1,3 triệu tấn; rau, đậu 17,1 triệu tấn…

Từ năm 2016 đến 2020, công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản phát triển nhanh cùng với ứng dụng công nghệ cao để giảm chi phí, nâng cao giá trị gia tăng. Đồng thời, thực hiện các giải pháp đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa, giảm tổn thất trong nông nghiệp.

Năm năm qua ghi nhận thị trường tiêu thụ nông lâm thủy sản được mở rộng cả trong nước và quốc tế, chuyển mạnh sang thương mại chính ngạch; tăng nhanh tỷ trọng sản phẩm chất lượng cao, có lợi thế như: thủy sản (nhất là tôm nước lợ), rau, hoa, quả, cây công nghiệp giá trị cao, đồ gỗ và lâm đặc sản.

 

Xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam hiện đã đứng thứ 2 Đông Nam Á, thứ 15 thế giới và hiện có mặt ở trên 196 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Tuy nhiên, quá trình phát triển chế biến nông sản vẫn có nhiều yếu tố thiếu bền vững, tăng trưởng chưa vững chắc, chưa đáp ứng được đòi hỏi của nền sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn và tiêu chuẩn cao từ thị trường quốc tế.

Lĩnh vực chế biến sâu, công nghiệp phụ trợ chưa phát triển mạnh. Tổn thất sau thu hoạch còn cao. Liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị để thúc đẩy cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ cao giảm chi phí trung gian, nâng cao giá trị gia tăng chưa phổ biến.

PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG CÔNG NGHỆ PHỤC VỤ NÔNG SẢN

Trong khi đó, về phía cơ quan được giao quản lý lĩnh vực khoa học công nghệ là Bộ Khoa học và Công nghệ lại luôn sẵn sàng và đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ bảo hộ khai thác các tài sản sở hữu công nghiệp đối với các sản phẩm nông sản. Trong thời gian qua, Cục sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã bảo hộ 84 sáng chế, giải pháp hữu ích, hơn 100 chỉ dẫn địa lý; 464 nhãn hiệu chứng nhận và hơn 1.400 nhãn hiệu tập thể cho nông sản Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt mong muốn nhận được sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp trong việc bảo hộ, khai thác các tài sản trí tuệ của nông sản. Bởi đây là giải pháp quan trọng giúp các doanh nghiệp tiếp cận, chinh phục thị trường thế giới. Hiện nay đã có một số mặt hàng nông sản sau khi được bảo hộ chỉ dẫn địa lý đã mở rộng được thị trường sang nhiều nước trên thế giới.

 

Tới đây, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ xây dựng cổng thông tin quốc gia về truy suất nguồn gốc, hoàn thiện hệ thống các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cho các sản phẩm nông sản.

"Nhằm tạo các điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp chế biến nông sản có thể tiếp cận công nghệ, thiết bị tiên tiến, Bộ cũng đang tích cực phát triển thị trường khoa học công nghệ thuộc lĩnh vực chế biến nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các lĩnh vực liên quan khác”, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nói.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu năm 2020 đạt 41,2 tỷ USD, nhưng mới chiếm 1,95% giá trị thương mại nông lâm thủy sản của thế giới. Vì vậy, nhu cầu tiêu thụ của thị trường còn nhiều dư địa để Việt Nam khai thác, hướng tới. 

Hiện nay nông sản trong nước có 20-30% thông qua chế biến rồi mới tiêu thụ. Trong khi đó, Đài Loan (Trung Quốc) gần 80% nông sản qua chế biến mới bán ra thị trường. "Ngành nông nghiệp nước ta phải so sánh hai con số đó để có phương hướng phát triển, tạo ra giá trị gia tăng, giải bài toán cung vượt cầu, giảm áp lực cho nông dân thường gặp cảnh trúng mùa rớt giá”, Bộ trưởng Hoan đặt vấn đề.

Bộ trưởng Hoan cho rằng, về phía quản lý nhà nước cũng phải cùng doanh nghiệp để kết nối thị trường hoặc có những nghiên cứu nhà nước về khoa học công nghệ để các doanh nghiệp thị trường hóa nghiên cứu khoa học công nghệ.

Bên cạnh đó, cần quan tâm đến các hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ, những doanh nghiệp khởi nghiệp để tiếp cận logistics, công nghệ bảo quản sau thu hoạch, chế biến tạo ra kinh tế nông thôn.

Để phát triển trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nêu hai giải pháp hàng đầu. Một là triển khai thực hiện 4 quy hoạch ngành quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Xây dựng các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành phục vụ công tác quản lý, phát triển ngành. Hai là, phát triển thị trường, thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại; phát triển thị trường tiêu thụ cả trong nước và xuất khẩu, với mục tiêu nâng cao chất lượng và uy tín thương mại nông lâm thủy sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

 

Cả nước hiện có trên 43.000 doanh nghiệp chế biến kinh doanh nông lâm thủy sản, trên 7.500 cơ sở chế biến nông lâm thủy sản quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu, tăng 1.500 cơ sở so với năm 2015. Trong 5 năm, có 67 nhà máy chế biến nông sản lớn với tổng mức đầu tư khoảng 2,58 tỷ USD được khởi công mới, đi vào hoạt động.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate