March 11, 2021 | 11:33 GMT+7

Nông dân thời @ với cơ hội "giải cứu" nông sản qua sàn thương mại điện tử

Vũ Khuê

Nếu tham gia tốt ở lĩnh vực thương mại điện tử, người nông dân sẽ dễ dàng đưa nông sản, đặc sản ra thị trường ngoài địa phương, thậm chí ra thế giới

"Chỉ 1.000 đồng cho một kg nông sản, không giới hạn số lượng mua" là một chương trình do Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương và Công ty cổ phần công nghệ Sen Đỏ khởi động không chỉ đơn thuần thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, mà còn giúp người làm nông trở thành người nông dân thời @ thực thụ.

Chương trình bắt đầu từ ngày 9/3 đến hết tháng 3 với các sản phẩm: bắp cải, su hào, cà chua của tỉnh Hải Dương và tập trung phục vụ địa bàn Hà Nội thông qua các gian hàng quốc gia "Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại" trên sàn thương mại điện tử Sendo.

GIẢI BÀI TOÁN ĐẦU RA 

Ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, Cục phối hợp với Sendo tiến hành mở các gian hàng quốc gia Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại nhằm trực tiếp hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Trước mắt, gian hàng tập trung hỗ trợ giải quyết khó khăn cho các sản phẩm nông sản trong và sau thời kỳ dịch bệnh. Hiện Hải Dương vẫn tồn đọng 45 ngàn tấn bắp cải, 15 nghìn tấn su hào, cà chua...

Để đưa bắp cải, su hào, cà chua lên Sendo, Cục Xúc tiến thương mại hỗ trợ kết nối Sendo với các điểm cung ứng sản phẩm tại Hải Dương. Các điểm cung ứng sản phẩm này được các cấp có thẩm quyền cấp giấy phép về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, dán tem truy xuất nguồn gốc, tuân thủ quy trình khử khuẩn, thực hiện quy định 5K do Bộ Y tế ban hành. Sản phẩm cung ứng ra thị trường cuối cùng đạt các tiêu chí về chất lượng, nguồn gốc rõ ràng và minh bạch thông tin. Các sản phẩm nông sản nằm trong chương trình lên sàn Sendo đều được Công ty Trách nhiệm hữu hạn Eurofins Sắc Ký Hải Đăng hỗ trợ việc phân tích mẫu, lưu mẫu và phân tích kiểm nghiệm.

Ông Trần Tuấn Anh, Trưởng Văn phòng đại diện Công ty cổ phần công nghệ Sen Đỏ tại Hà Nội chia sẻ, thời gian qua, Hải Dương là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, vừa lo chống dịch vừa thực hiện các biện pháp cách ly xã hội, khiến nông sản bị ứ đọng, người dân gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, sàn thương mại điện tử Sendo cam kết bù lỗ để thúc đẩy xúc tiến thương mại sản phẩm nông sản Hải Dương với mức giá 1.000 đồng/kg, không giới hạn số lượng, đồng giá vận chuyển chỉ còn mức 9.000/đơn hàng trong toàn bộ khu vực Hà Nội. "Sendo sẽ hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm Hải Dương tới tay người tiêu dùng Thủ đô một cách nhanh nhất, nhiều nhất", đại diện Sendo cho biết.

Chính vì vậy, ngay trong ngày đầu tiên, lượng tiêu thụ sản phẩm nông sản từ Hải Dương đã lên tới 6 tấn và nhu cầu đang tăng rất cao. Các sản phẩm nông sản Hải Dương đảm bảo tiêu chí chất lượng sản phẩm và vệ sinh an toàn thực phẩm, điều này khiến người tiêu dùng Thủ đô yên tâm.

Theo ông Trần Tuấn Anh, đây là tín hiệu tốt cho Sendo, bởi người tiêu dùng từ trước tới giờ chưa có thói quen mua sắm các mặt hàng tươi sống trên sàn thương mại điện tử. Đặc thù của nông sản là loại hàng hóa có thời gian thu hoạch và thời gian sử dụng rất ngắn. Chính vì vậy, việc ứng dụng công nghệ để bán và vận chuyển sẽ giúp cho sản phẩm đến tay người tiêu dùng một cách nhanh nhất, đảm bảo độ tươi, ngon, sạch. Qua sàn thương mại điện tử, sản phẩm tiếp cận trực tiếp với người tiêu dùng, tối ưu được chi phí của người tiêu dùng cuối cùng. Đồng thời, tạo được niềm tin cho người sử dụng. Sản phẩm muốn đến được với người tiêu dùng thì hàng hóa phải có chất lượng, thương hiệu, giá thành bán ra đáp ứng được đối tượng khách hàng của sàn.

"Không chỉ giúp tiêu thụ lượng nông sản còn tồn ứ tại Hải Dương, mà với giải pháp này, nông sản Việt nói chung sẽ giải quyết bài toán mang tính thời điểm như trong mùa dịch hay "được mùa mất giá" mà còn hướng tới phát triển bền vững", ông Trần Tuấn Anh nói.

TRỞ THÀNH NGƯỜI NÔNG DÂN CHUYÊN NGHIỆP 

Ngoài việc mang sản phẩm chất lượng đến cho người tiêu dùng trong nước, hỗ trợ bà con và các đơn vị sản xuất vượt qua giai đoạn khó khăn, Chương trình còn hướng tới mục tiêu nâng cao nhận thức cho bà con nông dân, các hợp tác xã, hộ kinh doanh tại các địa phương về việc sản xuất sạch, kinh doanh theo quy trình, đáp ứng yêu cầu của khách hàng.

Theo ông Chiến, tiêu thụ sản phẩm qua kênh thương mại điện tử sẽ được đặc biệt chú trọng theo hướng: hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp bán hàng, đồng thời nâng cao năng lực từng bước chuyển đổi số thành công.

Bà Nguyễn Thị Minh Thuý, Giám đốc Trung tâm ứng dụng công nghệ thông tin, Cục Xúc tiến thương mại chia sẻ, qua chương trình này, bà con nông dân, các hợp tác xã được cập nhật và nâng cao kiến thức về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, các kỹ năng về thương mại điện tử, thương mại bền vững. Cũng từ đó, tập quán canh tác theo nhu cầu của khách hàng được hình thành, đảm bảo cho nền sản xuất nông nghiệp theo định hướng thị trường.

Ngoài hỗ trợ xúc tiến thương mại cho nông sản tại Hải Dương, Cục Xúc tiến thương mại sẽ phối hợp với sở công thương và sở nông nghiệp tại một số địa phương xúc tiến sản phẩm theo các hình thức như kết nối trực tiếp trong chuỗi cung ứng, thúc đẩy thương mại điện tử thông qua các sàn thương mại điện tử trong nước và quốc tế.

Người nông dân hiện vẫn sản xuất, trồng trọt theo tập quán truyền thống nên việc đảm bảo các tiêu chí trên sàn thương mại rất khó. Do vậy, chương trình huấn luyện và đào tạo trong chuỗi cung ứng về truy xuất nguồn gốc, xúc tiến bán hàng, thương mại điện tử, xây dựng hình ảnh sản phẩm. Với các sản phẩm được đưa lên gian hàng, Cục Xúc tiến thương mại hỗ trợ dán tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm, đảm bảo sản phẩm cung cấp đúng và đủ thông tin đến tay người tiêu dùng.

Bà Thuý cho biết thêm, để nhân rộng mô hình này, Cục đã làm việc với các sàn thương mại điện tử khác như Lazada, Tiki để trong thời gian tới sẽ thực hiện chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại. Không chỉ xúc tiến tiêu thụ sản phẩm nông sản trong nước, xúc tiến xuất khẩu các sản phẩm nông sản qua các sàn thương mại điện tử lớn cũng rất khả thi. Cục Xúc tiến thương mại đang phối hợp với Alibaba và Amazon tiến hành các hoạt động xây dựng gian hàng chung để hỗ trợ nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp xuất khẩu bằng các kết quả trực quan, thực tế.

"Quan trọng nhất là nâng cao nhận thức của người nông dân, doanh nghiệp về hiệu quả mang lại từ thương mại điện tử. Doanh nghiệp phải nhìn thấy hiệu quả thực sự mà thương mại điện tử mang lại, khi đó họ sẵn sàng tham gia", bà Thuý chia sẻ.

Đưa sản phẩm nông sản tươi lên sàn thương mại gặp nhiều thách thức, liên quan tới hậu cần, vận chuyển, kho bãi... chi phí sẽ đội lên. Nhưng khi nhận thức của bà con nông dân, người tiêu dùng đã được nâng cao, thì việc tiêu thụ sẽ dễ dàng hơn, các khâu khác trong chuỗi cũng được cải thiện. "Khi đó, việc mua bán nông sản trên các sàn thương mại điện tử sẽ diễn ra sôi động hơn, sản phẩm bán được nhiều hơn, dần dần, việc mở rộng ra các sàn thương mại điện tử khác, mở rộng ra các sản phẩm khác không phải là bài toán khó", bà Thuý nói.

Theo bà Thuý, việc huấn luyện cho bà con, các hợp tác xã ở các địa phương làm quen với phương thức thương mại điện tử ban đầu không hề dễ dàng bởi những người bán hàng nông sản chưa quen với mô hình sàn thương mại điện tử, nguyên do xuất phát từ thương mại điện tử chưa phổ cập tới đại đa số nông dân. Tuy nhiên, nếu tham gia tốt ở lĩnh vực thương mại điện tử, khi ứng dụng thành công mô hình nông sản bền vững, họ sẽ dễ dàng đưa nông sản, đặc sản ra thị trường ngoài địa phương, thậm chí ra thế giới với giá thuận lợi nhất.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate