August 24, 2022 | 06:00 GMT+7

Chế độ tiền lương lạc hậu, khó giữ người tài trong khu vực công

Nhật Dương -

Một bác sỹ học 6 năm và sau 18 tháng thực hành để được cấp chứng chỉ hành nghề, nếu tuyển dụng vào đơn vị sự nghiệp công lập thì hưởng lương gần 3,5 triệu đồng. Mức lương này chỉ đảm bảo một phần nhu cầu cuộc sống, vì vậy rất khó giữ chân họ ở lại trong khu vực công…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Câu chuyện tiền lương vẫn luôn được nhiều cán bộ, công chức, người lao động đặc biệt quan tâm, nhất là khi thời gian vừa qua xảy ra “làn sóng” nhân viên y tế nghỉ việc hàng loạt mà nguyên nhân chủ yếu vẫn là do chế độ ưu đãi không tương xứng.

Khác với lương tối thiểu vùng được áp dụng với người lao động trong doanh nghiệp, mức lương cơ sở được áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương, phụ cấp và người lao động làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội... được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động ở trung ương, ở cấp tỉnh, huyện, xã, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và lực lượng vũ trang. Mức lương cơ sở cũng được dùng làm căn cứ để điều chỉnh lương hưu.

Trước đây, việc điều chỉnh tăng lương cơ sở được thực hiện hàng năm, nhưng 3 năm qua chưa thực hiện được do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Do đó, hiện nay, mức lương cơ sở vẫn được áp dụng theo Nghị định 38/2019/NĐ-CP, cụ thể từ ngày 1/7/2019, mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng/tháng.

Đã 3 năm, mức lương cơ sở trong khu vực công chưa được điều chỉnh, khiến đời sống cán bộ, công chức, viên chức, người lao động gặp nhiều khó khăn. Làn sóng nhân viên y tế nghỉ việc vừa qua được các chuyên gia đánh giá như “giọt nước tràn ly” bởi chế độ tiền lương, phụ cấp trong khu vực công được cho là đã lạc hậu và chậm thay đổi.

Theo báo cáo của Công đoàn Y tế Việt Nam, tính từ đầu năm 2021 đến 6 tháng đầu năm 2022 có tổng số 9.397 viên chức y tế xin thôi việc, bỏ việc (trong đó có 8.620 viên chức y tế thuộc quyền quản lý của các Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; 777 viên chức y tế thuộc thẩm quyền quản lý của các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế).

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc gần 9.400 viên chức y tế xin thôi việc, bỏ việc được Công đoàn Y tế Việt Nam chỉ ra đó là do lương và chế độ phụ cấp đối với viên chức y tế trong hệ thống y tế công lập thấp, nhất là tại các cơ sở y tế dự phòng và y tế cơ sở.

Theo quy định về chế độ tiền lương và phụ cấp hiện nay, với mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng thì bác sỹ sau khi học 6 năm và sau 18 tháng thực hành để được cấp chứng chỉ hành nghề, nếu tuyển dụng vào đơn vị sự nghiệp công lập thì hưởng lương là 2,34 x 1.490.000 đồng = 3.486.000 đồng. Với phụ cấp ưu đãi nghề là 40% thì mức thu nhập 4.881.240 đồng, chưa trừ nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Mức lương này chỉ đảm bảo một phần nhu cầu của cuộc sống, vì vậy rất khó giữ chân cán bộ, viên chức y tế làm việc trong cơ sở y tế công lập, trong khi mức thu nhập tại các cơ sở y tế ngoài công lập cao hơn gấp 3 đến 4 lần, thậm chí có nơi cao gấp 5 đến 6 lần thu nhập của nhân viên y tế tại cơ sở y tế công lập.

Mức lương quá thấp khó giữ chân nhân viên y tế công lập. Ảnh - Lao động. 
Mức lương quá thấp khó giữ chân nhân viên y tế công lập. Ảnh - Lao động. 

Liên quan đến vấn đề này, tại hội nghị "Nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững" hôm 21/8, BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM đánh giá, chế độ chính sách cho nhân viên y tế hiện nay chưa phù hợp, lạc hậu, chậm thay đổi. Đơn cử như, phụ cấp trực, phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật được thực hiện theo Quyết định 73 đã hơn 10 năm, đến nay vẫn chưa thay đổi; mức chi phụ cấp này đã không còn phù hợp.

Theo ông Thức, hiện đối với bệnh viện hạng I, hạng đặc biệt, mức phụ cấp cho nhân viên y tế trực 24/24 là 115.000 đồng/người/phiên trực, hỗ trợ tiền ăn 15.000 đồng/người/phiên trực. Mức phụ cấp phẫu thuật cho ca mổ loại đặc biệt chỉ là 280.000 đồng/ca, ca mổ loại 1 là 125.000 đồng/ca cho phẫu thuật viên chính. “Một ca mổ đặc biệt thường kéo dài từ 4 - 6 tiếng đồng hồ, thậm chí có ca hơn 8 tiếng vẫn có mức phụ cấp như vậy. Con số này thật sự không tương xứng với sức lao động của người bác sỹ”, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ.

Để nâng cao chế độ đãi ngộ, thu hút nguồn nhân lực y tế trước làn sóng nghỉ việc chuyển sang khu vực tư, Bộ Y tế đã đưa ra nhiều đề xuất, trong đó có việc xem xét nâng lương khởi điểm bậc 2 đối với bác sĩ mới ra trường để thu hút nguồn đầu vào, xem xét chế độ thâm niên nghề của ngành y tế như đối với ngành giáo dục. Bộ cũng kiến nhị Chính phủ sớm ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 56/2011/NĐ-CP, trong đó tăng phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở lên 100%.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ cũng nhấn mạnh, cần có cơ chế đào tạo, cải cách tiền lương, tạo môi trường làm việc tốt để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trong khu vực nhà nước, thu hút, giữ chân những lao động có trình độ cao để chính họ trở thành nguồn lực, động lực trong mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.

Với riêng nhân lực y tế, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất các chế độ, chính sách tiền lương, phụ cấp cho cán bộ ngành y tế, hạn chế tình trạng nghỉ việc, chuyển việc.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate