Phường Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai – Hà Nội) có trên 1.200 hộ trồng rau. Trong số hơn 100 ha diện tích trồng rau phường Lĩnh Nam, thì 76ha đã được Sở NN&PTNT Hà Nội cấp chứng nhận vùng sản xuất rau an toàn (RAT). Trong số này, có 15 ha đã được cấp chứng nhận rau VietGAP.
Rau VietGAP khó bán giá cao
Ông Nguyễn Mạnh Tùng, Chủ nhiệm HTX dịch vụ nông nghiệp Lĩnh Nam cho biết, HTX kết nối với các công ty sản xuất vật tư nông nghiệp để ký hợp đồng cung cấp đầu vào cho xã viên, đảm bảo chất lượng và giá rẻ hơn 10-15% so với giá thị trường. HTX còn có dịch vụ khai thác nước ngầm, xử lý lọc, rồi cung cấp đến tận ruộng cho bà con xã viên, để nước tưới đảm bảo đủ tiêu chuẩn sản xuất rau an toàn. Khi mới triển khai mô hình RAT, HTX thường xuyên mở các lớp tập huấn kỹ thuật canh tác, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng quy trình. Bên cạnh đó, người dân còn được hỗ trợ 40% kinh phí xây dựng cơ bản như: lưới che, hệ thống ống dẫn nước tưới... Hiện nay, sản phẩm RAT Lĩnh Nam khá đa dạng như cải chíp, cải mơ, cải ngọt, rau ngót, mùng tơi, rau muống... Tất cả các quy trình sản xuất, sơ chế, đóng gói sản phẩm đều được sự hướng dẫn, giám sát của cán bộ Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội và Trạm Bảo vệ thực vật quận Hoàng Mai. Sản phẩm đã được đăng ký thương hiệu, mã vạch và được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất rau quả an toàn do Sở NN&PTNT Hà Nội cấp. RAT Lĩnh Nam đã được nhiều trường học, bếp ăn, công ty... trên địa bàn quận Hoàng Mai tìm đến ký hợp đồng đặt mua sản phẩm.
Tuy vậy, ông Tùng than phiền: Chi phí bỏ ra để xin cấp giấy chứng nhận VietGAP rất cao, khiến sản xuất và bán rau VietGAP không có lãi. Trên diện tích 15 ha rau của HTX dịch vụ nông nghiệp Lĩnh Nam được cấp chứng nhận VietGAP, hiện sản xuất 30 loại rau cùng tuân thủ quy trình. Thế nhưng trong giấy chứng nhận VietGAP cấp chỉ ghi 4 chủng loại: cải xanh, rau muốn, đậu trạch, đậu đũa. Hỏi vì sao không làm thủ tục chứng nhận cho đủ 30 loại rau, ông Tùng cho hay, để được cấp chứng nhận VietGAP, phải mời đơn vị cấp chứng nhận đến lấy mẫu xét nghiệm, mỗi loại rau phải xét nghiệm 4 đơn nguyên chỉ tiêu an toàn: dư lượng phân đạm, kim loại nặng, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, vi sinh vật. “Mỗi đơn nguyên chỉ tiêu đó, chúng tôi phải nộp phí 2,2 triêu đồng, tức là mỗi loại rau mất 8,8 triệu đồng. Với 4 loại rau được cấp, đã mất khoản phí hơn 35 triệu đồng. Nếu làm đủ 30 loại rau thì mất ngót 250 triệu đồng, thì nghề trồng rau phá sản. Ấy vậy, mỗi giấy chứng nhận đó chỉ có giá trị trong 2 năm, quanh đi quẩn lại, đã sắp phải chuẩn bị làm hồ sơ để cấp lại chứng nhận. Chúng tôi tha thiết đề nghị nhà nước cần xem xét lại cơ chế cấp chứng nhận VietGAP. Với những đơn vị đã tuân thủ đúng quy trình sản xuất, thì nhà nước nên cấp chứng nhận VietGAp toàn phần, giảm nhẹ các khoản phí cấp chứng nhận”, ông Tùng nói.
Nghi ngờ bán - mua chứng nhận VietGAP
Ông Tùng khẳng định, phần lớn rau sản xuất ở HTX dịch vụ nông nghiệp Lĩnh Nam là đảm bảo tuân thủ quy trình sản xuất Viet Gap hoặc quy trình rau an toàn. Thế nhưng, đầu ra chỉ một lượng nhỏ 10-15% được bán với giá cao, cung cấp cho những khách yêu cầu đến cùng truy xuất nguồn gốc. Còn lại 80-85% vẫn là đưa ra ngoài thị trường tự do, giá bán như rau thông thường. Chúng tôi hỏi một số đơn vị kinh doanh rau, rằng vì sao rau đã có chứng nhận VietGAP rồi mà họ vẫn không chấp nhận mua với giá cao hơn giá rau thông thường, thì được trả lời rằng, ít người tin vào các tờ giấy chứng nhận đó. Nhiều cơ sở trồng rau không cần tuân thủ quy trình sản xuất rau VietGAP. Nhưng đem tiền nộp cho đơn vị cấp chứng nhận là sẽ có giấy.
Những ngày gần đây, sau khi Truyền hình Việt Nam (VTV) thông tin việc có thể mua Giấy chứng nhận VietGAP dễ dàng, người tiêu dùng vô cùng hoang mang, lo lắng. Nhiều bà nội trợ cho biết, trong “rừng thực phẩm bẩn” bủa vây hiện nay, để bảo vệ sức khỏe gia đình, họ chọn mua nông sản có chứng nhận VietGAP dù giá có cao hơn bởi tin đó là sản phẩm sạch, sản phẩm an toàn (được sản xuất theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Vậy nhưng khi tiếp nhận thông tin các cơ sở trồng rau có thể mua Giấy chứng nhận VietGAP dễ dàng thì họ cho biết, không biết phải đặt niềm tin vào đâu. Họ cho rằng, niềm tin của họ đang bị một số kẻ đánh cắp!
Trước những thông tin trên, trao đổi với báo chí, ông Ma Quang Trung, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, Cục đã có quyết định kiểm tra tất cả quy trình cấp Giấy chứng nhận VietGAP của Công ty cổ phần Chứng nhận và Giám định Vinacert (công ty được VTV nêu tên). Đồng thời, qua sự việc này, Cục cũng có quyết định kiểm tra tất cả 22 đơn vị đã được Cục chỉ định cấp chứng nhận VietGAP.
Để nâng cao chất lượng nông sản, đáp ứng yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm, có thể truy xuất nguồn gốc xuất xứ, qua đó giúp người tiêu dùng trong nước được dùng thực phẩm sạch, an toàn và mở rộng thị trường ngoài nước, nâng cao giá trị hàng nông sản xuất khẩu, ngành nông nghiệp đang khuyến cáo và thực hiện nhiều giải pháp mở rộng diện tích canh tác VietGAP đối với cả trồng trọt, chăn nuôi và nuôi thủy sản. Hiện chưa có kết quả kiểm tra của Cục Trồng trọt, nhưng qua sự việc này thấy, dù thông tin đúng hay sai thì việc này cũng đã tạo nên tâm lý bất an cho người tiêu dùng trong nước và là cớ để đối tác nước ngoài áp đặt những điều kiện khó khăn hơn đối với nông sản của ta. Việc làm này không chỉ làm cho người tiêu dùng hoang mang, nghi ngờ, mất niềm tin vào các sản phẩm có chứng nhận VietGAP mà còn làm những người đang thực hiện quy trình sản xuất VietGAP cũng không muốn tiếp tục bởi sợ “vàng thau lẫn lộn”. Không chỉ người tiêu dùng cho rằng niềm tin của họ bị đánh cắp mà người sản xuất đúng chuẩn VietGAP cũng chung suy nghĩ như vậy. Mong các cơ quan chức năng sớm có kết luận và công khai thông tin về việc này để cả người tiêu dùng an tâm khi sử dụng và người sản xuất yên tâm mở rộng sản xuất theo quy trình VietGAP.
Chu Khôi
Google translate