February 26, 2024 | 09:24 GMT+7

Chi phí nuôi con ở Trung Quốc thuộc hàng đắt nhất thế giới

Điệp Vũ -

Trung Quốc là một trong những quốc gia đắt đỏ nhất thế giới về chi phí nuôi dạy một đứa trẻ, với gánh nặng đổ dồn về phía nữ giới...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.

Đây được xem là một nguyên nhân khiến tỷ lệ sinh ở Trung Quốc giảm xuống thấp trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nhân khẩu học ngày càng có chiều hướng nghiêm trọng ở nước này.

Theo hãng tin CNN, nghiên cứu được Viện nghiên cứu Dân số YuWa của Trung Quốc công bố ngày 21/2, cho thấy chi phí bình quân để nuôi một đứa trẻ ở nước này từ khi sinh ra cho tới năm 17 tuổi là khoảng 74.800 USD. Nếu nuôi đứa trẻ học xong đại học, chi phí sẽ là hơn 94.500 USD.

So với tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân đầu người hàng năm ở Trung Quốc, chi phí để nuôi một đứa trẻ đến năm 18 tuổi lớn gấp 6,3 lần - theo báo cao trên. Tỷ lệ cao thứ hai trên thế giới, chỉ sau tỷ lệ ở Hàn Quốc - một quốc gia Đông Bắc Á khác - nơi có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới. Chi phí nuôi một đứa trẻ đến năm 18 tuổi ở Hàn Quốc lớn gấp 7,79 lần GDP bình quân đầu người hàng năm ở nước này.

Trong khi đó, cũng theo báo cáo nói trên, tỷ lệ tương ứng ở Australia là 2,08 lần; ở Pháp là 2,24 lần; ở Mỹ là 4,11 lần, và ở Nhật Bản là 4,26 lần. Nhật Bản cũng là một quốc gia Đông Á từ lâu phải đương đầu với dân số lão hoá nhanh và tỷ lệ sinh giảm sút.

THIỆT THÒI CỦA PHỤ NỮ TRUNG QUỐC KHI SINH CON

“Vì những lý do như chi phí đắt đỏ của việc nuôi con và khó khăn đối với phụ nữ để cân bằng giữa gia đình và công việc, mức độ sẵn sàng để sinh con của người Trung Quốc gần như là thấp nhất thế giới. Không có gì là qua khi miêu tả tình trạng dân số hiện nay là sự suy sụp về số dân mới sinh”, báo cáo có đoạn viết.

Dân số Trung Quốc đã giảm trong 2 năm qua, trong đó năm 2023 là năm nước này chứng kiến tỷ lệ sinh thấp nhất kể từ năm 1949. Năm ngoái, Trung Quốc để tuột mất vị trí quốc gia đông dân nhất thế giới vào tay Ấn Độ.

Cuộc khủng hoảng nhân khẩu học có thể gây ra những ảnh hưởng to lớn đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, và đã trở nên trầm trọng hơn trong những năm gần đây bất chấp nỗ lực của Chính phủ Trung Quốc nhằm đảo ngược xu hướng này sau nhiều thập kỷ áp dụng chính sách hỗ trợ sinh đẻ.

Dù Trung Quốc đã nới hạn chế về số con mà mỗi cặp vợ chồng có thể có, mở các chiến dịch toàn quốc để khuyến khích các gia đình sinh thêm con, và đưa ra các chính sách hỗ trợ cho phụ nữ nuôi con nhỏ, tình hình vẫn chưa có gì được cải thiện. Đó một phần là do đối với nhiều phụ nữ, họ phải hy sinh nhiều hơn so với những gì họ được bù đắp khi sinh con - theo báo cáo. Lao động nữ nghỉ sinh có thể phải đối mặt với “sự đối xử không bình đẳng” trong công việc như bị chuyển sang phòng ban khác, bị giảm lương, hoặc để mất cơ hội thăng tiến, báo cáo cho hay.

Báo cáo cũng nói rằng nếu chi phí của việc lao động nữ nghỉ sinh hoàn toàn rơi vào các doanh nghiệp và Chính phủ không có hỗ trợ cho doanh nghiệp trong vấn đề này, các chủ sử dụng lao động có thể sẽ tránh tuyển dụng lao động nữ trong độ tuổi sinh đẻ - một xu hướng đã bắt đầu lan rộng ở Trung Quốc. Đã có nhiều báo cáo về việc phụ nữ được hỏi về kế hoạch sinh đẻ trong các cuộc trả lời phỏng vấn việc làm, hoặc bị chuyển sang các vị trí công việc khác ngay cả khi họ không có kế hoạch sinh con.

Và khi một số phụ nữ dừng hẳn công việc để nuôi coi nhỏ, họ gặp nhiều khó khăn khi quay trở lại làm việc. Phụ nữ có con có thể chứng kiến mức lương giảm 12-17%, theo báo cáo trên.

Trong những thập kỷ trước, phụ nữ có thể sẵn sàng chấp nhận những hy sinh này, nhưng hiện nay, phụ nữ Trung Quốc có học vấn cao hơn và mức độ độc lập kinh tế cao hơn giờ hết. Thậm chí, số phụ nữ theo học các chương trình giáo dục bậc cao ở nước này hiện lớn cả nam giới. Với nhiều bước tiến đạt được trong những năm gần đây, phụ nữ Trung Quốc ngày càng ưu tiên sự nghiệp và phát triển bản thân thay vì tập trung vào những cột mốc truyền thống như kết hôn và sinh con.

RỦI RO ĐỐI VỚI NỀN KINH TẾ TRUNG QUỐC

Tiếp đó là vấn đề thời gian, công sức và chi phí của việc nuôi dạy một đứa trẻ.

Các nghiên cứu cho thấy phụ nữ Trung Quốc là người chịu trách nhiệm chính trong gia đình về các công việc như nấu nướng, dọn dẹp và đi chợ, cũng như chăm sóc con cái bao gồm đưa đón con, giám sát học hành và dạy con.

Dẫn một nghiên cứu vào năm 2018, báo cáo của YuMa cho biết điều này đồng nghĩa phụ nữ mất gần 5 giờ đồng hồ lẽ ra dành cho việc nghỉ ngơi hoặc làm việc được trả tiền mỗi ngày để làm những công việc nêu trên. Khi có con, nam giới cũng mất một phần thời gian nghỉ ngơi nhưng thời gian làm việc của họ không bị ảnh hưởng nhiều, và sự nghiệp của họ cũng vậy - theo báo cáo.

“Môi trường xã hội hiện nay ở Trung Quốc không thuận lợi cho việc phụ nữ sinh con, chi phí thời gian và chi phí cơ hội của việc phụ nữ có con là quá cao. Một số phụ nữ đã từ bỏ việc sinh con để đổi lấy cơ hội thành công trong sự nghiệp”, báo cáo có đoạn viết.

Nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 5,2% trong năm 2023, nhỉnh hơn so với mục tiêu chính thức mà Chính phủ nước này đề ra là tăng trưởng khoảng 5%. Tuy nhiên, nước này đang đối mặt hàng loạt thách thức lớn bao gồm cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài, tỷ lệ thất nghiệp ở giới trẻ tăng mạnh, áp lực giảm phát, số vụ vỡ nợ doanh nghiệp gia tăng và tình trạng nợ nần chồng chất của các chính quyền địa phương.

Báo cáo của Yuma cảnh báo tỷ lệ sinh sụt giảm có thể ảnh hưởng mạnh mẽ đến tăng trưởng kinh tế, mức độ hạnh phúc của người dân và vị thế toàn cầu của Trung Quốc. Các tác giả của bản báo cáo kêu gọi Chính phủ Trung Quốc có các chính sách để giảm bớt gánh nặng của việc sinh con và nuôi con một cách sớm nhất có thể, chẳng hạn trợ cấp tiền mặt, thuế và nhà ở, có chế độ nghỉ sinh cho cả nữ giới và nam giới, bảo vệ quyền sinh con của phụ nữ đơn thân, và cải cách giáo dục.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate