February 15, 2024 | 09:03 GMT+7

Giảm phát đe doạ kinh tế Trung Quốc

An Huy -

Một vòng xoáy giảm giá nếu xuất hiện ở Trung Quốc sẽ không chỉ đe doạ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới mà còn đặt ra rủi ro lớn đối với nền kinh tế toàn cầu...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.

“Gọng kìm” giảm phát đang ngày càng siết chặt Trung Quốc - nơi chứng kiến giá tiêu dùng trong tháng 1 vừa qua giảm với tốc độ mạnh nhất trong hơn 14 năm. Một vòng xoáy giảm giá nếu xuất hiện ở Trung Quốc sẽ không chỉ đe doạ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới mà còn đặt ra rủi ro lớn đối với nền kinh tế toàn cầu.

Số liệu thống kê công bố mới đây cho thấy Trung Quốc đang đứng trước khả năng rơi vào một thời kỳ giảm phát mà tình trạng giá cả giảm sút càng kéo dài bao nhiêu sẽ càng khó đảo ngược bấy nhiêu.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 của Trung Quốc giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 9/2009 và sâu hơn nhiều so với mức dự báo giảm 0,5% mà giới chuyên gia kinh tế đưa ra trước đó. Trong đó, lạm phát lõi chỉ tăng 0,4% so với cùng kỳ năm ngoái, so với mức tăng 0,6% ghi nhận trong tháng 12/2023. Giá dịch vụ tăng 0,5%, bằng một nửa mức tăng của tháng trước. Không chỉ giá tiêu dùng giảm, chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) giảm 2,5% trong tháng 1 so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu tháng giảm thứ 16 liên tiếp của giá hàng hoá tại cổng nhà máy.

VÒNG XOÁY GIẢM PHÁT ĐANG HÌNH THÀNH

Giảm phát làm gia tăng những thách thức chồng chất mà nền kinh tế Trung Quốc đang đối mặt. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) của nước này được dự báo sẽ tiếp tục giảm trong năm nay, sau khi đạt mức tăng thuộc hàng yếu nhất trong nhiều thập kỷ vào năm ngoái nếu không tính những năm đại dịch Covid-19. Cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài là một nguyên nhân khiến người tiêu dùng Trung Quốc thắt lưng buộc bụng. Các doanh nghiệp xuất khẩu của nước này đang trầy trật vì nhu cầu của các thị trương bên ngoài suy yếu. Thị trường chứng khoán lao dốc và niềm tin sứt mẻ vào nền kinh tế Trung Quốc khiến giới đầu tư quốc tế rút vốn.

“Bình thường, mọi người sẵn sàng chi nhiều tiền để làm tóc trước Tết Nguyên đán, vì một kiểu tóc mới và đẹp được cho là mang lại may mắn trong năm mới. Nhưng năm nay, nhiều khách hàng hỏi mức giá làm tóc thấp hơn”, bà Song Jiaqi - chủ một tiệm tóc ở Bắc Kinh - nói với tờ Wall Street Journal.

Trước Tết thường là giai đoạn cao điểm đối với các tiệm tóc ở Trung Quốc, vì người dân nước này tin rằng việc cắt tóc trong tháng Giêng sẽ dẫn tới xui xẻo. Bà Song cho biết năm nay, một số tiệm đưa ra mức giá dưới 20 nhân dân tệ, tương đương khoảng 2,8 USD, bằng khoảng một nửa so với bình thường, cho gói dịch vụ gồm gội, cắt và sấy. Trước đây, khách của tiệm bà Song thường tới cắt tóc 2 tháng một lần, nhưng bây giờ, phải 3-4 tháng họ mới tới một lần. “Người tiêu dùng đang trở nên thận trọng hơn trong chi tiêu vì kinh tế đi xuống”, bà chủ tiệm nói.

Doanh nghiệp nước ngoài hoạt động ở Trung Quốc cũng đang cảm nhận rõ ảnh hưởng từ tình trạng giảm phát.

“Tôi cho rằng chúng ta không nên kỳ vọng quá nhiều vào việc tăng giá bán sản phẩm ở thị trường Trung Quốc. Năm nay, chúng tôi dự báo mức tăng giá sản phẩm ở Trung Quốc chỉ quanh ngưỡng 1% là cùng”, CEO Bjorn Rosengren của công ty thiết bị điện ABB nhận định trong một cuộc điện đàm với các nhà phân tích về kết quả kinh doanh quý 4/2023 vào hôm 1/2. Các sản phẩm của ABB - nhà sản xuất biến áp, hệ thống dẫn điện, robot và các thiết bị phần cứng công nghiệp khác - tăng giá khoảng 2% tại thị trường Trung Quốc trong năm ngoái.

Giảm phát là một vấn đề kinh tế nan giải. Giá cả giảm bào mòn lợi nhuận doanh nghiệp và khuyến khích người tiêu dùng trì hoãn chi tiêu do kỳ vọng sẽ mua được hàng với giá rẻ hơn trong tương lai. Tình trạng này dẫn tới việc doanh nghiệp phải giảm giá bán hàng, trì hoãn việc tuyển dụng nhân công và đầu tư, từ đó gây áp lực giảm tiêu dùng, dẫn tới một vòng xoáy giảm phát.

Ở thời điểm hiện tại, một số chuyên gia không cho rằng Trung Quốc sẽ rơi vào một vòng xoáy như vậy. Họ nói lạm phát sẽ trở lại với nền kinh tế Trung Quốc trong năm nay nhờ chi tiêu của Chính phủ nước này vào cơ sở hạ tầng và các nỗ lực kích cầu khác.

Trong rổ hàng hoá và dịch vụ tính CPI của Trung Quốc, giảm phát diễn ra đặc biệt nghiêm trọng ở nhóm thực phẩm do giá thịt lợn lao dốc vì nguồn cung dư thừa. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng dữ liệu tháng 1 có thể bị bóp méo do biến động giá cả ở nhóm thực phẩm và du lịch trong thời gian cận Tết.

“Chúng tôi cho rằng lạm phát giá tiêu dùng ở Trung Quốc sẽ quay trở lại trạng thái dương trong những tháng sắp tới”, ông Julian Evans-Pritchard, chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc công ty nghiên cứu Capital Economics, nhận định trong một báo cáo. Tuy nhiên, ông cũng dự báo lạm phát ở Trung Quốc sẽ duy trì ở mức thấp trong tương lai gần do các vấn đề mang tính cấu trúc của nền kinh tế như khủng hoảng bất động sản và già hoá dân số.

TRUNG QUỐC CẦN KÍCH CẦU MẠNH HƠN?

Tuy nhiên, đối với các nhà kinh tế khác, Trung Quốc đang có những biểu hiện của một thời kỳ giảm phát sâu và kéo dài. Tăng trưởng thu nhập chậm lại khiến người tiêu dùng nước này khó có thể vừa trả nợ vừa duy trì mức chi tiêu. Một tỷ lệ lớn lao động có vẻ đã chấp nhận công việc có thu nhập thấp hơn trong bối cảnh kinh tế khó khăn, trong khi mức lương của lao động mới được tuyển dụng cũng giảm xuống. Lợi nhuận của các doanh nghiệp ở Trung Quốc đang trên đà giảm, nên những công ty đã vay nợ nhiều trở nên thận trọng hơn với việc đầu tư và tuyển dụng.

Giới chuyên gia kinh tế đôi khi sử dụng thuật ngữ “suy thoái bảng cân đối kế toán” (“balance sheet recession”) để miêu tả tình trạng trong đó gánh nặng nợ nần gia tăng và các doanh nghiệp, hộ gia đình tập trung vào việc giảm nợ trong bối cảnh thu nhập đi xuống. Tình trạng đáng lo ngại như vậy đã từng xảy ra ở Nhật Bản, quốc gia đã trải qua “thập kỷ mất mát” với tăng trưởng kinh tế trì trệ và lạm phát liên miên sau “cú sốc kép” là vỡ bong bóng bất động sản và vỡ bong bóng chứng khoán vào đầu thập niên 1990.

“Tâm lý bi quan của doanh nghiệp và nhà đầu tư không phải tự nhiên mà xuất hiện. Đó là hệ quả của giảm phát nợ (debt deflation) và suy thoái bảng cân đối kế toán”, nhà kinh tế trưởng Arthur Budaghyan của công ty nghiên cứu BCA Research nhận định. Giảm phát nợ là một lý thuyết được khởi xướng bởi nhà kinh tế học của thế kỷ 19 Irving Fisher, cho rằng sự suy giảm kinh tế có thể xảy ra khi giá cả giảm và giá trị của đồng tiền tăng lên, dẫn tới sự gia tăng giá trị thực của nợ.

Trước đây, Trung Quốc từng trải qua những giai đoạn giá tiêu dùng giảm, điển hình là vào năm 1998 khi cuộc khủng hoảng tài chính càn quét châu Á và vào năm 2009 - sau khi bong bóng nợ dưới chuẩn vỡ tung ở Mỹ dẫn tới khủng hoảng tài chính toàn cầu bùng nổ. Trong cả hai trường hợp đó, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã phản ứng bằng cách bơm vốn giá rẻ ồ ạt vào nền kinh tế thông qua hạ lãi suất và nới lỏng cho vay. Nhờ đó, tăng trưởng và lạm phát nhanh chóng quay trở lại.

Nhưng cũng chính các biện pháp kích cầu đó là một nguyên nhân dẫn tới tình trạng bong bóng bất động sản mà Bắc Kinh giờ đây đang muốn giải quyết triệt để. Do Chính phủ Trung Quốc không muốn gia tăng gánh nặng nợ nần trong nền kinh tế và tạo tiền đề cho những cuộc khủng hoảng trong tương lai, phản ứng chính sách của nước này hiện nay hạn chế hơn nhiều so với trước kia, thể hiện qua việc cắt giảm lãi suất dè dặt, tiền bơm vào hệ thống tài chính cũng ít hơn, và các biện pháp hỗ trợ nhỏ giọt cho thị trường bất động sản như nới quy định về mua căn nhà thứ hai tại một số thành phố lớn.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, điều này đồng nghĩa rằng giai đoạn tăng trưởng kinh tế yếu ớt, đi kèm với giá cả đi ngang hoặc giảm ở Trung Quốc lần này có thể kéo dài thậm chí vài năm, cho tới khi các nhà hoạch định chính sách vứt bỏ được nỗi lo về một gói kích cầu quy mô lớn hoặc mức nợ trong nền kinh tế giảm xuống.

“Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) thực sự nên đưa ra hỗ trợ chính sách mạnh mẽ hơn”, nhà kinh tế học Carlos Casanova của ngân hàng Union Bancaire Privee nhận định.

Đối với phần còn lại của thế giới, giảm phát ở Trung Quốc là tin xấu nhiều hơn là tin tốt. Giá hàng hoá từ Trung Quốc giảm xuống có thể giúp giải toả bớt áp lực lạm phát ở các quốc gia khác, nhưng cũng đồng nghĩa rằng nền kinh tế toàn cầu có thể sẽ ngập trong hàng hoá giá rẻ mà các nhà máy Trung Quốc không thể bán được tại thị trường trong nước. Trong trường hợp như vậy, các nhà sản xuất tại các quốc gia khác có thể không thể cạnh tranh được và dẫn tới leo thang căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc với phương Tây.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate