August 17, 2021 | 12:10 GMT+7

Chỉ số S&P 500 đã tăng gấp đôi trong đại dịch Covid-19

Bình Minh -

Thị trường chứng khoán Mỹ vừa thiết lập một cột mốc lớn chứng minh cho sức phục hồi mạnh mẽ từ cú sốc mà Covid-19 gây ra: chỉ số S&P 500 đã tăng gấp đôi từ mức đáy thiết lập trong đại dịch...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Theo hãng tin CNBC, khi chốt phiên giao dịch ngày 16/8,  S&P 500 - thước đo rộng nhất của chứng khoán Mỹ - đã tăng 100,2% kể từ đáy 2.237,4 điểm khi chốt phiên ngày 23/3/20200. Đó là mức điểm đóng cửa thấp nhất của chỉ số kể từ khi Covid trở thành đại dịch.

S&P 500 đã mất 354 phiên giao dịch để đi tới cột mốc này, đánh dấu đợt thị trường giá lên (bull market) với mức tăng gấp đôi nhanh nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Phiên ngày 16/8, chỉ số đóng cửa ở mức cao kỷ lục 4.479,71 điểm.

Trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cách đây hơn 1 thập kỷ, S&P 500 chạm đáy ở mức 676,53 điểm vào hôm 9/3/2009, nhưng phải tới ngày 27/4/2011 mới tăng gấp đôi so với đáy này. Tính bình quân, các đợt thị trường giá lên của chứng khoán Mỹ mất hơn 1.000 ngày giao dịch để đạt được mức tăng như vậy.

“Thông thường, thị trường phải mất vài năm để tăng gấp đôi. Bởi vậy, thành quả này cho thấy đợt thị trường giá lên này thực sự rất đáng kinh ngạc”, chiến lược gia trưởng Ryan Detrick thuộc LPL Financial nhận định.

Số ngày để chỉ số S&P 500 tăng gấp đôi trong các đợt thị trường giá lên (bull market) của chứng khoán Mỹ - Nguồn: CNBC.
Số ngày để chỉ số S&P 500 tăng gấp đôi trong các đợt thị trường giá lên (bull market) của chứng khoán Mỹ - Nguồn: CNBC.

Nhiều người cho rằng các biện pháp kích cầu bằng tiền tệ và tài khoá chưa từng có tiền lệ đã đưa thị trường chứng khoán Mỹ bật dậy mạnh mẽ từ sau cú sụt do Covid gây ra. Ở giai đoạn đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng vào năm ngoái, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã cắt giảm lãi suất về gần 0 và bắt đầu bơm ra thị trường 120 tỷ USD mỗi tháng để mua vào trái phiếu. Hành động giải cứu này diễn ra khi S&P 500 có cú giảm 30% nhanh nhất trong lịch sử.

Bên cạnh đó, Chính phủ Mỹ cũng rót hàng nghìn tỷ USD vào nền kinh tế, bao gồm hỗ trợ trực tiếp cho các hộ gia đình và trợ cấp thất nghiệp cho hàng triệu người Mỹ bị mất công việc vì đại dịch.

Xu hướng tăng điểm của chứng khoán Mỹ diễn ra mạnh đến nỗi ở thời điểm này, chỉ số đã cao hơn khoảng 4% so với mức điểm mục tiêu bình quân cuối năm 2021 đưa ra bởi 4.328 chiến lược gia ở Phố Wall trong một cuộc khảo sát do CNBC thực hiện.

Hậu thuẫn cho đà tăng tưởng như “siêu thực” này của thị trường còn là sự phục hồi mạnh mẽ của lợi nhuận các công ty niêm yết. Quý 1 năm nay, lợi nhuận của các công ty trong S&P 500 tăng 53% so với cùng kỳ năm ngoái. Quý 2, mức tăng trưởng lợi nhuận là 93,8% - theo dữ liệu của Refinitiv.

Tăng trưởng lợi nhuận hàng quý so với cùng kỳ năm trước của doanh nghiệp trong S&P 500.
Tăng trưởng lợi nhuận hàng quý so với cùng kỳ năm trước của doanh nghiệp trong S&P 500.

Chuỗi phiên lập kỷ lục gần đây nhất của S&P 500 diễn ra khi thống kê cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 tăng chậm lại so với tháng 6. Nhà đầu tư cũng phấn khởi khi Thượng viện Mỹ thông qua một gói đầu tư hạ tầng trị giá 1 nghìn tỷ USD.

Cổ phiếu công nghệ - nhóm hưởng lợi từ xu hướng ở nhà nhiều hơn của người dân trong đại dịch - là nhóm tăng mạnh nhất, đến nay tăng 120% so với mức đáy vào tháng 3 năm ngoái. Những nhóm cổ phiếu chu kỳ như vật tư, năng lượng, tài chính, và công nghiệp cũng đều tăng gấp đôi nhờ lạc quan về sự mở cửa trở lại của nền kinh tế.

Mức tăng của các nhóm cổ phiếu ngành chính trong S&P 500 khi chỉ số này tăng gấp đôi từ mức đáy thiết lập vào tháng 3/2020 đến ngày 16/8/2021.
Mức tăng của các nhóm cổ phiếu ngành chính trong S&P 500 khi chỉ số này tăng gấp đôi từ mức đáy thiết lập vào tháng 3/2020 đến ngày 16/8/2021.

Dù đà tăng của thị trường vẫn còn, nhiều chuyên gia cho rằng chứng khoán Mỹ thời gian tới sẽ giằng co nhiều. Đã có một số mối lo mới phủ bóng lên thị trường, bao gồm làn sóng biến chủng Delta, tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại, và khả năng Fed sẽ sớm cắt giảm các chính sách kích thích tăng trưởng. Ngoài ra, thị trường chưa có một đợt giảm lớn nào trong suốt 10 tháng qua.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate