May 25, 2023 | 08:14 GMT+7

Chi trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 1.700 lao động trong quý 1

Nhật Dương -

Trong quý 1/2023, cơ quan Bảo hiểm xã hội đã giải quyết hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng và một lần cho 1.700 người. Tổng số tiền chi hỗ trợ phòng ngừa, chia sẻ rủi ro, chi hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp là 269 triệu đồng…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là một trong 5 chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc được quy định trong Luật Bảo hiểm xã hội, nhằm chia sẻ gánh nặng, bù đắp một phần hoặc thay thế thu nhập của người lao động khi họ bị nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

"ĐIỂM TỰA" CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG LÚC RỦI RO 

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trong năm 2022, toàn ngành đã giải quyết hưởng mới trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng và một lần cho trên 8.100 người lao động, con số này trong 3 tháng đầu năm 2023 là 1.700 người.

Ngoài việc chi trả chế độ cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng năm còn dành nguồn thu để chi hỗ trợ cho các hoạt động phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; chi hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Năm 2022, tổng số tiền chi hỗ trợ phòng ngừa, chia sẻ rủi ro, chi hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp là hơn 1,4 tỷ đồng, tăng 30% so với năm 2021. Trong 3 tháng đầu năm 2023, số chi này là 269 triệu đồng.

Là lao động được hưởng chính sách bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, chị Nguyễn Thị Tin (phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng, TP.Hà Nội), càng hiểu sâu sắc ý nghĩa, lợi ích của việc tham gia chính sách này.

Chị Tin là nhân viên Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội. Trước đó, vào đêm ngày 15/12/2021, trong khi đang đẩy xe gom rác về điểm tập kết, chị Tin bị một xe ô tô bán tải đâm phải, vụ tai nạn khiến chị Tin bị chấn thương sọ não.

“Công ty cũng tạo điều kiện cho tôi nghỉ 2 tháng để điều trị và phục hồi. Tuy nhiên, khi đi làm lại được 5 ngày, tôi bị ngất phải đi cấp cứu tại Bệnh viện Thanh Nhàn”, chị Tin kể và cho hay sau 10 ngày điều trị đã làm đơn xin nghỉ việc vì sức khỏe không đảm bảo.

Chị Nguyễn Thị Tin (phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng, TP.Hà Nội). Ảnh - BHXH Việt Nam. 
Chị Nguyễn Thị Tin (phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng, TP.Hà Nội). Ảnh - BHXH Việt Nam. 

Với tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tật là 31%, chị Tin được hưởng trợ cấp bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo từng tháng với mức bằng 30% lương cơ sở.

Từ năm 2021 đến nay, đều đặn hằng tháng, chị đều được nhận được số tiền trợ cấp 447.000 đồng. “Số tiền tuy không lớn nhưng ổn định đã tạo động lực, giúp tôi yên tâm hơn để vượt qua giai đoạn khó khăn. Được biết, từ tháng 7 năm nay, lương cơ sở được điều chỉnh tăng thì số tiền trợ cấp của tôi cũng cao hơn, lên 540.000 đồng”,  chị Tin phấn khởi cho biết.

Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Thủy (xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, TP.Hà Nội) từng là công nhân nhà máy sản xuất gạch men ốp lát. Tháng 6/2022, trong quá trình làm việc tại phân xưởng, anh bị tai nạn lao động, dập đốt ngón tay khi đang căn chỉnh dây curoa của băng chuyền đỡ gạch. Ngay sau khi xảy ra tai nạn, anh Thủy đã được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Sóc Sơn và giám định y khoa để xác định tỷ lệ thương tật với tỷ lệ tổn thương cơ là 6%.

Anh Nguyễn Văn Thủy (xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, TP.Hà Nội) đã ổn định cuộc sống nhờ được hỗ trợ từ quỹ. 
Anh Nguyễn Văn Thủy (xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, TP.Hà Nội) đã ổn định cuộc sống nhờ được hỗ trợ từ quỹ. 

Do đang tham gia bảo hiểm xã hội tại doanh nghiệp, với tỷ lệ tổn thương dưới 31%, anh Thủy được Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp chi trả chế độ một lần. “Lúc đó tôi được Bảo hiểm xã hội chi trả số tiền là 44 triệu đồng, tương đương với khoảng 4 đến 5 tháng lương. Trong hơn 1 tháng nghỉ việc ở nhà điều trị, số tiền này đã hỗ trợ tôi và gia đình rất nhiều trong sinh hoạt, thuốc men điều trị”, anh Thủy chia sẻ.

BÙ ĐẮP MỘT PHẦN THU NHẬP

Thực tế, dù không mong muốn nhưng những rủi ro trong công việc là điều không thể lường trước, ảnh hưởng tới sức khỏe, cuộc sống của rất nhiều người lao động. Khi không may bị tai nạn lao động hay bệnh nghề nghiệp phải nghỉ làm, hầu hết người lao động không còn thu nhập để trang trải cuộc sống, tạo “gánh nặng” tài chính cho cả gia đình.

Vì vậy, theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, nhờ có Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đã bù đắp một phần hoặc thay thế thu nhập của người lao động khi họ bị giảm, hoặc mất thu nhập do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trên cơ sở đóng góp vào quỹ.

Bà Bùi Thị Kim Loan, Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) cho biết, theo quy định hiện hành của Luật An toàn vệ sinh lao động, đối với những người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thì đều được tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Nếu người sử dụng lao động mà không đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động thì khi chẳng may trong các quá trình lao động, người lao động bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp thì người sử dụng lao động phải chi trả toàn bộ các chế độ trợ cấp hàng tháng, một lần, trợ cấp phục vụ cho người lao động thay cho cơ quan Bảo hiểm xã hội.

“Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là một trong những quyền lợi cơ bản của người lao động, vì vậy khi tham gia giao kết hợp đồng lao động, người lao động hãy chắc chắn người sử dụng lao động sẽ chịu trách nhiệm đầy đủ trong việc đóng bảo hiểm xã hội cho mình. Như vậy mới có thể tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân trong quá trình làm việc”, bà Loan khuyến nghị.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate