Cuối năm 2023, trên địa bàn tỉnh xôn xao thông tin “nhiều người ở Quảng Bình không có Tết” vì sập bẫy lừa đảo, mất số tiền lớn khi đối tượng đã “cao chạy xa bay”, nguy cơ gây mất an ninh trật tự.
Trước tình hình đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Công an tỉnh, Phòng Cảnh sát Hình sự đã cử các trinh sát dày dạn kinh nghiệm để nắm bắt tình hình và nhận thấy đã có nhiều người khốn đốn vì “sập bẫy” của một số đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản bằng hình thức huy động vốn làm ăn, đáo hạn ngân hàng với hứa hẹn trả lãi suất cao.
Theo Cổng thông tin điện tử Công an tỉnh Quảng Bình, đầu năm 2024, nhiều người dân khi không liên hệ được với đối tượng để đòi lại tiền đã làm đơn tố giác đến cơ quan chức năng. Cùng với thông tin thu thập được, cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh quyết định thành lập chuyên án đấu tranh với các đối tượng lừa đảo huy động vốn, hứa hẹn trả lãi suất cao xảy ra trên địa bàn.
Theo đó, 2 đối tượng đang được Phòng Cảnh sát hình sự triệu tập đấu tranh và tiếp nhận tự thú để điều tra, làm rõ liên quan đến hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, gồm: Hoàng Thị Ngọc Thúy (SN 1988) và Lê Thị Thanh Thủy (SN 1987). Tại cơ quan Công an, các đối tượng khai nhận, từ năm 2023 đến nay, Thúy và Thủy đã huy động tiền của nhiều người trên địa bàn tỉnh với tổng số tiền trên 110 tỷ đồng.
Các bị hại cho biết, các đối tượng trong vụ án đều là chỗ quen biết, thậm chí là bạn cùng làm ăn chung với nhau trong thời gian dài nên khi nghe các đối tượng tác động, họ không ngần ngại giao số lượng tiền lớn. Nhiều người còn huy động cả tiền của anh em, bạn bè theo lời tác động, đề nghị của đối tượng với số tiền lên tới hàng chục tỷ đồng. Cá biệt, có nạn nhân đã đưa cho đối tượng Hoàng Thị Ngọc Thúy số tiền hơn 33 tỷ đồng…
Thiếu tá Hoàng Trung Thành cho biết các đối tượng khi tiếp cận người dân có nguồn tiền đang nhàn rỗi, tự giới thiệu bản thân nhiều mối quan hệ quen biết với nhiều người trong hệ thống ngân hàng, biết có nhiều khách hàng cần vốn để vay đáo hạn ngân hàng, cần số tiền lớn nên khi cho những khách hàng này vay để đáo hạn thì sẽ được trả lãi suất cao, cao hơn lãi suất ngân hàng nhiều lần. Khi “lòng tham” được kích thích, nhiều người đã không ngần ngại mang tiền của mình, thậm chí huy động cả tiền từ anh em, bạn bè, người thân nhằm hưởng chênh lệch lợi nhuận…
Theo thượng tá Trương Minh Vũ, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, thủ đoạn của đối tượng là hứa, hoặc giai đoạn đầu là trả lãi suất rất cao nên những người đó lại tiếp tục đi huy động vốn, từ đó tạo ra một hiệu ứng, một chuỗi cho vay lãi nặng. Người chủ động ban đầu ở mức độ có liên quan và những người huy động vốn thường là những người vi phạm luật pháp, có thể là tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản…
Bước đầu cơ quan Công an đã làm rõ Hoàng Thị Ngọc Thúy và Lê Thị Thanh Thủy đã nhận tiền của 6 bị hại trên địa bàn TP. Đồng Hới với tổng số tiền gần 53 tỷ đồng, sau đó chiếm đoạt để sử dụng vào các mục đích khác.
Cũng theo thượng tá Trương Minh Vũ: “Tất cả các vụ mà đơn vị đang thụ lý thì những người đang cho vay gần như 100% chưa thu hồi lại được vốn. Tuy nhiên, điều chúng tôi muốn cảnh báo ở đây là tiền cho vay, mất đi là chắc chắn, còn việc cho vay lãi nặng là hành vi vi phạm pháp luật và có thể bị xử lý hình sự. Chính vì vậy, những người cho vay ở các cấp độ sẽ đứng trước hai nguy cơ, một là mất tiền, hai là bị xử lý hình sự”.
Vụ án là hồi chuông cảnh tỉnh cho tất cả mọi người khi đứng trước nguy cơ có thể bị các đối tượng lừa đảo tiếp xúc, tác động, thậm chí đó là những người quen thân, bạn bè. Việc góp tiền để hưởng lãi suất cao, thì đối tượng không chỉ là nạn nhân “tiền mất, tật mang” mà ngay chính các nạn nhân cũng có thể bị xử lý hình sự về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.