Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết sau ba năm Covid-19, các hoạt động hợp tác quốc tế bị cầm chừng, Bộ sẽ mở chiến dịch hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ số đang kinh doanh ở nước ngoài hoặc đi ra nước ngoài, mang tri thức, công nghệ số của Việt Nam đi mở cõi. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng xác định đây là một trong những hoạt động quan trọng của Bộ trong năm 2023.
VÌ SAO DOANH NGHIỆP SỐ VIỆT CÓ THỂ ĐI RA NƯỚC NGOÀI?
Tại buổi gặp gỡ với giới công nghệ thông tin Việt Nam hồi giữa tháng 2/2023, Năm 2022 là năm mà các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã “tấn công” mạnh mẽ thị trường nước ngoài, đi đầu tư kinh doanh, làm chuyển đổi số cho các nước phát triển. Doanh thu từ thị trường nước ngoài của Viettel về viễn thông đã đạt 3 tỷ USD, của FPT về công nghệ thông tin và chuyển đổi số đã đạt 1 tỷ USD.
“Thế giới đã ghi nhận đóng góp của Viettel trong việc phát triển viễn thông nông thôn, xóa bỏ khoảng cách số ở nhiều nước, từ châu Á, châu Phi đến Mỹ Latinh. Tập đoàn Viettel đã làm được thiết bị mạng 5G, vũ khí công nghệ cao. VinGroup làm được ô tô xuất sang Mỹ. FPT, CMC đi làm công nghệ thông tin và chuyển đổi số cho các nước đã phát triển như Nhật, Mỹ”, ông Hùng nói.
Trên thực tế, nhiều công ty ngay từ ngày đầu thành lập đã hướng tới thị trường nước ngoài như NTQ Solution, SmartOCS, RikkeiSoft, OMI, VMO... Thậm chí nhiều công ty còn đặt mục tiêu phát triển công nghệ mới ngang hàng với các công ty công nghệ hàng đầu thế giới như KardiaChain. Những doanh nghiệp hay doanh nhân này, theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, đã truyền cảm hứng, tạo niềm tin rằng “Việt Nam có thể làm được”.
Người đứng đầu ngành thông tin và truyền thông cho rằng thị trường công nghệ thông tin, công nghệ số của Việt Nam là một thị trường chật chội. Chi cho công nghệ thông tin, chuyển đổi số không lớn nhưng số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này lại rất nhiều. Tuy nhiên, chính vì sự cạnh tranh này mà Việt Nam có khả năng tạo ra các sản phẩm, dịch vụ chất lượng với giá rẻ, khai thác thành công các thị trường mà các công ty công nghệ số lớn đang bỏ ngỏ, đây là năng lực cạnh tranh chính của doanh nghiệp Việt để có thể đi ra nước ngoài.
Làm công nghệ, theo ông Hùng, không có chỗ cho sản phẩm trung bình, nhưng sản phẩm chất lượng mà giá cao thì lại không đến lượt những doanh nghiệp chưa có tên tuổi quốc tế như của Việt Nam. Chất lượng và giá rẻ sẽ rất phù hợp với giai đoạn đại chúng hóa công nghệ số, khi tất cả các nước, từ giàu đến nghèo, đều đang đẩy nhanh chuyển đổi số một cách toàn dân và toàn diện.
“Một thế mạnh rất quan trọng khác của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam là đa số các công ty này đều do người sáng lập đang điều hành, tức là thế hệ F1, trong khi nhiều đối thủ quốc tế đã là F2, F3. Sức mạnh của F1 là một sức mạnh rất đặc biệt, rất lớn, có một không hai. Hãy tận dụng thế mạnh này”, ông Hùng nhấn mạnh, đồng thời khẳng định: nếu không đi ra nước ngoài, không cạnh tranh, không chinh phục, không có doanh thu từ thị trường nước ngoài thì Việt Nam không thể trở thành nước phát triển có thu nhập cao được.
NHÀ NƯỚC MỞ ĐƯỜNG, NGƯỜI ĐI TRƯỚC KÉO NGƯỜI ĐI SAU
Theo Bộ trưởng, 10 đến 20 năm tới sẽ diễn ra những chuyển dịch quan trọng: từ hạ tầng viễn thông sang hạ tầng số; công nghệ thông tin sang công nghệ số; ứng dụng công nghệ thông tin sang chuyển đổi số; từ xử lý thông tin hữu hạn sang xử lý dữ liệu số vô hạn để sinh ra giá trị mới; từ công nghệ cao xử lý số ít bài toán lớn sang công nghệ cao xử lý vô hạn bài toán nhỏ; phần mềm riêng lẻ sang nền tảng số; từ gia công, lắp ráp sang Make in Vietnam; từ thị trường trong nước là chính sang thị trường quốc tế là chính; công nghệ số trở thành lực lượng sản xuất cơ bản; nhân tài số trở thành nguồn lực cơ bản; đổi mới sáng tạo số trở thành động lực cơ bản của phát triển.
Hiện nay chính là thời điểm để các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam vươn ra chinh phục thế giới. Cơ hội là lớn nhất khi thế giới có những thay đổi lớn, khi một cuộc cách mạng công nghiệp mới đang diễn ra, với nhiều công nghệ mới xuất hiện. Cơ hội để một quốc gia thay đổi thứ hạng chính là lúc này. Trong một thế giới đã ổn định thì các cơ hội mới là rất ít, với các nước đang phát triển thì còn ít hơn, cơ hội đi ra nước ngoài còn ít hơn nữa. “100 năm, nhanh thì cũng phải 50 năm mới có thể có một cuộc cách mạng công nghiệp mới. Nếu không là lúc này thì chúng ta lại phải đợi 50, 100 năm nữa”, ông Hùng ví von.
Các công ty công nghệ lớn đang phát triển công nghệ số để giải quyết các bài toán to, nhu cầu phổ quát, tập trung cho các thị trường hàng tỷ người dùng. Vị Bộ trưởng đơn cử như ChatGPT để trả lời các thể loại câu hỏi của tất cả mọi người, vì thế mới đạt mức trung bình khá. Nếu doanh nghiệp số Việt Nam dùng AI để tạo ra trợ lý ảo chuyên sâu cho từng lĩnh vực chuyên môn, khi mà dữ liệu liệu phải xử lý chỉ bằng một phần triệu so với ChatGPT thì trợ lý ảo của Việt Nam sẽ xuất sắc, đạt đến mức chuyên gia. Làm như vậy là cách tiếp cận cá thể hóa, và phù hợp với trình độ hiện tại của Việt Nam, bởi vậy, thị trường rất phong phú và không hề nhỏ...
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 10-2023 phát hành ngày 06-03-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam