Ngày 13/5/2022, Chính phủ ban hành Công điện số 415/CĐ-Ttg do Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký, chỉ đạo các địa phương chủ động ứng phó với mưa lũ tại khu vực Bắc Bộ.
Công điện yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh phải tổ chức chặt chẽ theo dõi diễn biến của mưa lũ, chỉ đạo triển khai ứng phó kịp thời, chủ động sơ tán dấn ra khỏi khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực có quy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất.
Chính quyển các cấp cần tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ những gia đình bị thiệt hại, nhất là những hộ nghèo, khó khăn, gia đình có người bị nạn. Cần huy động lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục nhanh hậu quả, khôi phục sản xuất nông nghiệp sau lũ…
MƯA LŨ LỚN GÂY NHIỀU THIỆT HẠI
Ông Nguyễn Đức Quang, Trưởng ca trực ngày và đêm 12/5 của Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo quốc gia Phòng chống thiên tai, cho biết từ ngày 11/5 đến 13/5, khu vực Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, lượng mưa phổ biến từ 50-100 mm.
Về nhà ở: 11 nhà bị sập đổ; 231 nhà bị hư hỏng, thiệt hại. Về nông nghiệp, đã có 2.203,95 ha lúa, hoa màu, cây ăn quả bị ngập, thiệt hại, trong đó: Bắc Kạn 218ha; Bắc Giang 300ha; Lạng Sơn 1.507ha; Thái Nguyên 72,5ha;; Cao Bằng 98,45ha… Ngoài ra, đã có 279 con gia súc và 370 con gia cầm bị chết; 3,99ha thủy sản bị thiệt hại.
Một số trạm đo có lượng mưa lớn như: Kim Loan (Cao Bằng) 127mm; Kiến Thiết (Tuyên Quang) 123mm; Dương Huy (Quảng Ninh) 300mm; Cẩm Phả (Quảng Ninh) 295mm; Bình Gia (Lạng Sơn) 248mm; Thượng Quan (Bắc Kạn) 243mm; Đình Cả (Thái Nguyên) 215mm; Kẻng Mỏ-2 (Lai Châu) 206mm…
Tổng hợp báo cáo từ Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Giang, Bắc Kạn, Điện Biên, Bắc Giang, Thái Nguyên, Thái Bình, Hưng Yên, thiệt hại do mưa lũ, sét và sạt lở đất xảy ra từ ngày 9/5 đến sáng 13/5 đã khiến 6 người tử vong.
Mưa lũ những ngày qua đã gây sạt lở một số tuyến đường giao thông với khối lượng 41.733m3 đất đá, cụ thể: Bắc Giang 1.173m3; Điện Biên 350m3; Bắc Kạn 40.120m3. Cùng với đó, 1 ngầm tạm bị hư hỏng ở Điện Biên; 2 đập tạm bị cuốn trôi, 2 cầu bị sạt lở (Bắc Kạn) và một số thiệt hại khác.
CHỦ ĐỘNG ỨNG PHÓ LŨ QUÉT VÀ SẠT LỞ ĐẤT
Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết dự báo ngày và đêm 13/5, khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 40-80mm/24h, có nơi trên 100mm/24h; riêng khu vực Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái, Phú Thọ phổ biến 70-120mm/24h, có nơi trên 150mm/24h.
Từ ngày 14-15/5, khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 50-100mm/đợt, có nơi trên 200mm/đợt. Từ ngày 13-15/5, khu vực đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa rào và dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to với lượng mưa từ 40-70mm/24h, có nơi trên 80mm/24h.
"Người dân cần thường xuyên theo dõi các thông tin cảnh báo trên các phương tiện thông tin đại chúng và chính quyền, tránh xa các khu vực có nguy cơ cao, sẵn sàng sơ tán theo hướng dẫn của chính quyền địa phương. Phải chạy thật nhanh ra khỏi nơi nguy hiểm đến các khu vực có vị trí an toàn".
Ban Chỉ đạo quốc gia Phòng chống thiên tai.
Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh vùng núi Bắc Bộ và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp. Từ khoảng ngày 15-16/5, mưa dông có khả năng dịch chuyển xuống khu vực Bắc và Trung Trung Bộ.
Ban Chỉ đạo quốc gia Phòng chống thiên tai cảnh báo trong vài ngày tới, có Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập úng vùng trũng tại các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Hòa Bình.
Do đó, khuyến cáo người dân phải cảnh giác, đề phòng khi có các dấu hiệu của lũ quét, sạt lở đất nhất là khi có mưa lớn kéo dài và thông báo cho chính quyền, mọi người xung quanh khi có các dấu hiệu bất thường.
Ban Chỉ đạo quốc gia Phòng chống thiên tai yêu cầu các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ thực hiện nghiêm túc các công điện và văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai ứng phó với mưa lớn, lốc, sét, mưa đá và nguy cơ xảy ra lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ; huy động lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai, sớm ổn định đời sống.