July 26, 2025 | 17:50 GMT+7

Chính phủ sẽ có nghị quyết tháo gỡ khó khăn liên quan đến vật liệu xây dựng cho các dự án trọng điểm

Chương Phượng -

Nhiều quy định trong Luật Địa chất và Khoáng sản năm 2024, dù được xây dựng bài bản, căn cơ, vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong bối cảnh điều chỉnh các đơn vị hành chính, thiết lập chính quyền địa phương 2 cấp nên nhiều quy hoạch không còn hiệu lực. Do đó, Chính phủ xác định sẽ ban hành một nghị quyết có thời hạn chỉ từ 1-2 năm, nhằm giải quyết các vấn đề thực tiễn đang đặt ra trong ngắn hạn…

Cát là khoáng sản, vật liệu quan trọng phục vụ các dự án xây dựng
Cát là khoáng sản, vật liệu quan trọng phục vụ các dự án xây dựng

Ngày 25/7/2025, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp với các bộ ngành, kết nối trực tuyến với 15 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đóng góp ý kiến cho dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về một số cơ chế, chính sách đặc thù tháo gỡ khó khăn trong triển khai Luật Địa chất và Khoáng sản năm 2024.

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, các cơ chế, chính sách mới về địa chất và khoáng sản vừa có hiệu lực theo Luật Địa chất và Khoáng sản năm 2024 từ ngày 1/7/2025, nên nhiều nội dung vẫn chưa được triển khai, cần có thêm thời gian để đánh giá, kiểm nghiệm từ thực tiễn.

TINH GIẢN TRÌNH TỰ THỦ TỤC, TẠO THUẬN LỢI CHO CÁC DỰ ÁN XÂY DỰNG

Tuy nhiên, nhiều quy định trong Luật Địa chất và Khoáng sản năm 2024, dù được xây dựng bài bản, căn cơ, vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong bối cảnh điều chỉnh các đơn vị hành chính, thiết lập chính quyền địa phương 2 cấp nên nhiều quy hoạch không còn hiệu lực; do vậy, nếu tiếp cận tổng thể, bài bản như trong Luật thì khó có thể triển khai trong ngắn hạn.

Trên cơ sở đó, Chính phủ xác định phải ban hành một nghị quyết có thời hạn cụ thể, chỉ từ 1-2 năm, nhằm giải quyết các vấn đề thực tiễn đang đặt ra, trong thời điểm luật chưa theo kịp hoặc chưa đủ điều kiện để sửa đổi. "Trường hợp luật mới ban hành nhưng không phù hợp, không kiến tạo, gây cản trở phát triển, thì vẫn cần thiết sửa đổi", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: "Tuyệt đối không buông lỏng quản lý hay để xảy ra tình trạng lợi dụng cơ chế đặc thù để trục lợi". Ảnh: VPG.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: "Tuyệt đối không buông lỏng quản lý hay để xảy ra tình trạng lợi dụng cơ chế đặc thù để trục lợi". Ảnh: VPG.

Theo đó, Nghị quyết lần này chủ yếu nhằm tháo gỡ khó khăn liên quan đến vật liệu san lấp và vật liệu xây dựng, bảo đảm tiến độ các công trình, dự án trọng điểm, cấp bách.

"Đối với đồng bằng sông Cửu Long, lượng cát từ thượng nguồn đã giảm đến 90%, nếu tiếp tục khai thác bừa bãi, hậu quả sẽ rất nặng nề. Trong khi đó, cát biển có thể là một nguồn thay thế, nhưng hiện nay vẫn còn lúng túng trong triển khai. Do đó, cần làm rõ đang vướng mắc ở đâu, từ quy trình, công nghệ cho tới đánh giá môi trường và chất lượng vật liệu", Phó Thủ tướng gợi mở.

Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Quý Kiên cho biết thời gian qua, nhiều công trình đầu tư công, nhất là các dự án giao thông trọng điểm đã gặp vướng mắc trong việc cung ứng nguồn vật liệu xây dựng, đặc biệt là đất san lấp, cát và đá.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề xuất 3 nhóm nội dung chính cần được điều chỉnh, sửa đổi và quy định rõ trong Nghị quyết.

Thứ nhất, cho phép cấp phép thăm dò mở rộng và khai thác xuống sâu mà không cần căn cứ vào quy hoạch khoáng sản hoặc phương án quản lý địa chất, khoáng sản trong quy hoạch tỉnh. Việc cập nhật quy hoạch sẽ thực hiện sau.

Thứ hai, bổ sung các trường hợp không phải thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản, áp dụng đối với các mỏ cung cấp cho công trình đầu tư công, dự án trọng điểm, công trình quốc phòng – an ninh, hoặc dự án chế biến sâu đã được phê duyệt.

Thứ ba, đơn giản hóa thủ tục hành chính cho khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, gồm: Cát sông, cát biển và đá xây dựng.

 

"Không nên phân biệt công hay tư trong việc áp dụng cơ chế ưu tiên về nguồn vật liệu, miễn là công trình đó có tính chất hạ tầng quan trọng, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế – xã hội. Tài nguyên là của quốc gia, do đó cần được quản lý, khai thác trên nguyên tắc tối đa hóa lợi ích công, giảm chi phí cho nhà nước và người dân".

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Môi trường tiếp cận linh hoạt, thực chất, hiệu quả trong quản lý, cấp phép khai thác khoáng sản phục vụ các công trình hạ tầng, nhất là dự án đầu tư công và công trình trọng điểm, song tuyệt đối không buông lỏng quản lý hay để xảy ra tình trạng lợi dụng cơ chế đặc thù để trục lợi.

Riêng đối với cát biển, Phó Thủ tướng yêu cầu làm rõ vướng mắc về thẩm quyền và quy hoạch quản lý, đảm bảo thống nhất pháp lý giữa Luật Tài nguyên, Môi trường biển và Hải đảo và Luật Khoáng sản, tháo gỡ ách tắc cho các địa phương trong tổ chức khai thác hợp lý, hiệu quả.

CẦN THỰC HIỆN TỐT VIỆC PHÂN CẤP, PHÂN QUYỀN

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài đề nghị rà soát, làm rõ hơn quy định xử lý các hành vi vi phạm đến mức phải thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản, tránh mâu thuẫn với quy định hiện hành của Luật Địa chất và Khoáng sản.

Lãnh đạo một số tỉnh, thành phố kiến nghị bổ sung nhiều nội dung cụ thể nhằm xử lý các trường hợp giấy phép đã thu hồi nhưng chưa đóng cửa mỏ, dự án vướng thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, phân phối sản phẩm đi kèm khi nâng công suất mỏ.

Quanh cảnh cuộc họp. Ảnh: VPG.
Quanh cảnh cuộc họp. Ảnh: VPG.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ mục đích, yêu cầu của nghị quyết lần này là giải quyết những khó khăn, vướng mắc cấp bách, trước mắt trong lĩnh vực địa chất, khoáng sản. Những vấn đề mà Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề xuất được các địa phương, bộ, ngành cơ bản đồng tình.

Phó Thủ tướng lưu ý cùng với việc tháo gỡ khó khăn, cần thực hiện tốt các vấn đề về phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm giấy tờ, đồng bộ các quy trình và giao thẩm quyền cho địa phương chủ động quyết định. 

 

"Khi triển khai nghị quyết, các địa phương phải tiếp cận bài bản, tinh giản trình tự thủ tục, rút ngắn thời gian. Công tác thăm dò, đánh giá trữ lượng, phương án công nghệ khai thác và môi trường là bắt buộc, chỉ khác ở việc tối ưu hóa thời gian. Đồng thời, địa phương phải chịu trách nhiệm về an toàn, chất lượng, môi trường sinh thái, hiệu quả sử dụng tài nguyên và đúng mục đích khai thác".

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng yêu cầu tiếp tục rút ngắn quy trình, thủ tục thu hồi mỏ do cấp phép, quản lý nhà nước không đúng, dẫn đến phải đóng cửa mỏ rồi mới cấp lại. Các vi phạm cần được xử lý theo quy định pháp luật. Việc thu hồi phải đúng luật, xử phạt hành chính, cho khắc phục và tiếp tục thực hiện.

"Các công trình, dự án trọng điểm sử dụng ngân sách nhà nước cần ưu tiên giảm chi phí bằng cách miễn thuế tài nguyên, chỉ tính chi phí thăm dò, khai thác và vận chuyển khoáng sản", Phó Thủ tướng lưu ý; đồng thời, Phó Thủ tướng cho rằng cần xem xét mở rộng phạm vi các dự án trọng điểm quốc gia, như nhà ở xã hội, các công trình trọng điểm địa phương để áp dụng cơ chế trong nghị quyết.

Sau khi hoàn thành khai thác các mỏ khoáng sản, cần thực hiện đầy đủ các quy định về hoàn nguyên, phục hồi môi trường và bàn giao lại đất cho địa phương theo đúng quy hoạch sử dụng. Địa phương chịu trách nhiệm và quản lý chặt chẽ khối lượng đất sau đào, đắp khi khai thác khoáng sản để sử dụng cho dự án khác.

Phó Thủ tướng cũng có ý kiến chỉ đạo cụ thể về quản lý khai thác cát biển tránh xung đột quy hoạch, đảm bảo an ninh quốc phòng, không ảnh hưởng đến khai thác điện gió ngoài khơi; phương án mở rộng danh mục vật liệu xây dựng được đơn giản hóa thủ tục cấp phép khai thác; nghiên cứu phương án sử dụng vật liệu xi măng, làm cầu cạn trong các công trình giao thông trọng điểm ở Đồng bằng sông Cửu Long để giảm bớt nhu cầu sử dụng đất, cát vật liệu xây dựng…

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate