July 26, 2025 | 14:18 GMT+7

Giao khoán đất trong công ty nông nghiệp: Đã đến lúc cần một cơ chế mới

Chu Khôi -

Cơ chế giao khoán đất trong các công ty nông nghiệp từng là một trong những giải pháp đột phá đổi mới sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên đến nay, để phát huy tối đa tiềm năng của cơ chế này, cần có những cải cách mạnh mẽ và đồng bộ. Việc tháo gỡ các vướng mắc pháp lý và thực tiễn sẽ không chỉ nâng cao hiệu quả quản lý đất đai mà còn cải thiện đời sống người dân, góp phần vào sự phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững...

Nhiều hộ dân nhận giao khoán đất từ công ty nông nghiệp, đã sản xuất trồng trọt đem lại thu nhập ổn định.
Nhiều hộ dân nhận giao khoán đất từ công ty nông nghiệp, đã sản xuất trồng trọt đem lại thu nhập ổn định.

Ngày 25/7/2025, Hội Khoa học kinh tế nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Vụ Kinh tế ngành – Ban Chính sách chiến lược Trung ương, Viện Chiến lược chính sách nông nghiệp và Môi trường và tổ chức Forest Trends cùng phối hợp tổ chức Hội thảo “Hiện trạng và đề xuất giải pháp giao khoán trong các công ty nông nghiệp”.

ĐỘNG LỰC PHÁT TRIỂN, SAU 30 NĂM ĐÃ BỘC LỘ NHỮNG BẤT CẬP

 Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Lâm Thành – Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội – nhấn mạnh việc giao khoán đất trong các công ty nông nghiệp là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Sau hơn 30 năm thực hiện, chính sách này đã có những tác động tích cực rõ rệt.

Việc giao khoán góp phần khắc phục tình trạng hoang hóa đất đai và cải tạo các vườn cây đã xuống cấp từ những năm 1990. Qua đó, chủ trương này đã huy động được nguồn lực xã hội, đặc biệt là sự tham gia của người dân địa phương cùng các công ty nông nghiệp và Nhà nước trong việc đầu tư vốn và sức lao động. Nhờ đó, hiệu quả quản lý và sử dụng tài nguyên đất đai, vườn cây được nâng cao, đời sống người dân được cải thiện và kinh tế địa phương phát triển.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Lâm Thành, sau nhiều giai đoạn triển khai với các cơ chế chính sách khác nhau, mô hình giao khoán đã bộc lộ nhiều bất cập. Hợp đồng giao khoán hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu trong bối cảnh tái cơ cấu và nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông nghiệp – một mục tiêu trọng điểm theo chỉ đạo của Đảng và Nhà nước.

Các đồng chủ trì hội thảo.
Các đồng chủ trì hội thảo.

Báo cáo về hiện trạng giao khoán đất nông nghiệp trong các công ty nông nghiệp, ông Nguyễn Văn Tiến – Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam – cho biết hiện nay, các công ty nông nghiệp đang thực hiện giao khoán theo hai hình thức: giao khoán đất nông nghiệp và giao khoán vườn cây. Trước khi thực hiện việc sắp xếp theo Nghị định 118/2014/NĐ-CP, cả nước có 151 công ty nông nghiệp quản lý khoảng 631.000 ha đất, trong đó có 132.339 ha đã được giao khoán, chủ yếu theo các Nghị định 01/CP và 135/2005/NĐ-CP.

 

"Khuyến nghị cũng bao gồm: hoàn thiện chế tài xử lý vi phạm, nâng cao trách nhiệm thực hiện hợp đồng, và thiết lập cơ chế hỗ trợ sản xuất, kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm và bảo hiểm rủi ro nhằm đảm bảo sự bền vững cho người nhận khoán đất trong các công ty nông nghiệp".

Ông Nguyễn Văn Tiến – Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam.

Sau khi thực hiện Nghị quyết 30-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị định 118/2014/NĐ-CP, các công ty nông nghiệp được sắp xếp lại và quản lý khoảng 452.891,2 ha đất sản xuất nông nghiệp. Tính đến năm 2024, cả nước có 121 công ty nông nghiệp, được Nhà nước giao hoặc cho thuê với tổng diện tích 478.039 ha đất. Tùy theo quy định và điều kiện thực tế, các đơn vị đã áp dụng nhiều hình thức tổ chức sản xuất phù hợp với đặc điểm của từng địa phương và khả năng của bên nhận khoán.

Chính sách giao khoán đã góp phần tạo việc làm, ổn định đời sống, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương và xây dựng nông thôn mới. Kết quả khảo sát tại 4 tỉnh cho thấy: thu nhập bình quân mỗi hộ nhận khoán đạt 299,06 triệu đồng/năm, trong đó thu nhập từ nhận khoán là 192,09 triệu, làm nông nghiệp khác 85,17 triệu, và ngành nghề khác 21,8 triệu đồng/năm.

Tuy nhiên, công tác khoán còn tồn tại nhiều hạn chế. Các văn bản pháp luật liên quan thay đổi nhiều lần, gây vướng mắc trong thiết lập hồ sơ và ký lại hợp đồng. Một số nơi vẫn tồn tại tình trạng khoán không đầu tư (khoán trắng) hoặc đầu tư thấp. Hợp đồng giao khoán cũ theo Nghị định 01 và 135 chưa có cơ chế chuyển tiếp, dẫn đến khó khăn trong quản lý, phát sinh tranh chấp, lấn chiếm, sử dụng đất sai mục đích.

Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa cơ quan quản lý, chính quyền địa phương và công ty nông nghiệp còn thiếu chặt chẽ, gây khó khăn trong xử lý vi phạm hợp đồng và quản lý đất đai. Công tác bàn giao đất về địa phương cũng gặp không ít trở ngại.

“Nguyên nhân chính của những rào cản trong công tác khoán là do bất cập trong cơ chế, chính sách, quá trình chuyển đổi chậm và phức tạp, thiếu kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm”, ông Tiến nhấn mạnh.

Đồng thời, ông Tiến cũng đề xuất: Cần hoàn thiện cơ chế khoán đất, trao quyền chủ động cho các công ty nông nghiệp, gắn với Luật Đất đai 2024, đồng thời mở rộng đối tượng nhận khoán, đảm bảo quyền lợi của người dân và tăng quyền hạn cho các bên tham gia.

CẦN ĐỔI MỚI TOÀN DIỆN GIAO KHOÁN ĐẤT

Theo Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, một trong những vướng mắc lớn nhất hiện nay của Tập đoàn là việc áp dụng các quy định cũ tại Nghị định 01/CP (1995) và Nghị định 135/2005/NĐ-CP cho phép hộ nhận khoán được làm lán trại tạm, chuồng trại, giếng nước, sân phơi… để phục vụ sản xuất.

Tuy nhiên, theo thời gian, nhiều hộ đã tự ý mở rộng quy mô sử dụng đất, thậm chí xây dựng nhà ở, công trình dịch vụ kiên cố, chuyển nhượng hợp đồng khoán hoặc tự do mua bán quyền sử dụng đất trái phép. Thực trạng này diễn ra phổ biến, đặc biệt ở các khu vực ven quốc lộ, tỉnh lộ, gần khu công nghiệp - nơi giá trị đất đai tăng cao, khiến công tác quản lý gặp rất nhiều khó khăn.

Tổng công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe) cũng nêu rõ một số khó khăn của tổng công ty, trong đó có việc các công ty nông nghiệp phải tự tổ chức giao khoán mà thiếu sự hỗ trợ từ cơ quan nhà nước. Chính quyền địa phương ở một số nơi chưa phối hợp chặt chẽ trong giải quyết tranh chấp đất đai, xử lý xây dựng trái phép. Công tác đánh giá tài sản trên đất khi thanh lý hợp đồng khoán cũng gặp nhiều khó khăn, nhất là ở khu vực có đông đồng bào dân tộc thiểu số.

Quang cảnh hội thảo.
Quang cảnh hội thảo.
 

"Cần nghiên cứu chuyển đổi mô hình từ các hộ, cá nhân nhận khoán trở thành cổ đông hoặc người lao động trong công ty nông nghiệp, giúp tăng cường tính gắn kết và ổn định lâu dài".

TS. Hà Công Tuấn - Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam.

TS. Tô Xuân Phúc – chuyên gia của tổ chức Forest Trends - cho rằng các thị trường xuất khẩu ngày càng có yêu cầu cao hơn về tính hợp pháp và bền vững. Gần đây, Quy định chống phá rừng của EU (EUDR) đã đặt ra các tiêu chuẩn về tuân thủ pháp luật của nước sản xuất, không gây mất rừng, và chuỗi cung ứng có thể truy xuất được. Để tận dụng cơ hội từ các thị trường quốc tế như xuất khẩu nông sản và tín chỉ carbon, Việt Nam cần giải quyết dứt điểm các vướng mắc trong chính sách khoán và quản lý đất đai. Đặc biệt, nếu được thiết kế tốt, thị trường carbon rừng có thể huy động nguồn lực tài chính lớn, cả theo cơ chế bắt buộc lẫn tự nguyện. Tuy nhiên, quyền carbon và lợi ích phát sinh từ đất khoán cần được xác định rõ ràng.

TS. Hà Công Tuấn – nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam - cho rằng từ số liệu khảo sát, mỗi hộ nhận khoán có thu nhập bình quân khoảng 299 triệu đồng/năm, trong đó thu nhập từ khoán chiếm khoảng 192 triệu đồng/năm, cho thấy phần lớn thu nhập vẫn phụ thuộc vào đất nhận khoán. Do đó, khi điều chỉnh, hoàn thiện chính sách, cần cân bằng lợi ích kinh tế giữa hộ nhận khoán và doanh nghiệp.

“Sau khi sắp xếp mô hình chính quyền hai cấp, cần kiên quyết thực hiện Kết luận số 103-KL/TW ngày 02/12/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 12/3/2014, liên quan đến việc sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp. Trong trường hợp doanh nghiệp không đạt được mục tiêu, có thể giải thể hoặc chuyển thể theo đúng pháp luật và quy hoạch, đặt lợi ích người dân lên trên”, ông Tuấn đề nghị.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate