Tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 5/2023, Chính phủ yêu cầu Bảo hiểm Xã hội Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương khẩn trương xây dựng báo cáo, cập nhật số liệu và đề xuất phương án giải quyết dứt điểm đối với tình trạng thu bảo hiểm xã hội không đúng quy định của pháp luật đối với chủ hộ kinh doanh.
Đồng thời, tổng hợp ý kiến của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các Bộ, ngành có liên quan để trình Chính phủ trước ngày 30/6/2023.
Bên cạnh đó, cần triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, đôn đốc thu, giảm số tiền chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội; hạn chế số người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần.
Quản lý quỹ chặt chẽ, an toàn, hiệu quả, tăng trưởng bền vững; giải quyết, chi trả kịp thời, đầy đủ các quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất, kịp thời xử lý nghiêm theo pháp luật các vi phạm, nhất là việc chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội.
Trước đó, vấn đề thu bảo hiểm xã hội không đúng quy định của pháp luật đối với chủ hộ kinh doanh đã được nêu trong Báo cáo số 468/BC-UBTVQH15 ngày 17/5/2023 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV.
Báo cáo đã nêu: Qua giám sát cho thấy, theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, chủ hộ kinh doanh cá thể không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, nhưng từ tháng 1/2003 đến tháng 12/2021, cơ quan Bảo hiểm xã hội nhiều địa phương đã thu bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với những trường hợp này.
Theo số liệu của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tại thời điểm tháng 9/2016 đã có 4.240 chủ hộ kinh doanh cá thể tại 54 địa phương đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Do việc thực hiện bảo hiểm xã hội bắt buộc không đúng quy định của pháp luật nên các chủ hộ kinh doanh cá thể chưa được tính thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Liên quan đến vấn đề này, tại phiên chất vấn hôm 6/6, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng, phải đặt lợi ích của người lao động, của chủ hộ kinh doanh lên hàng đầu.
Hiện các cơ quan đang đề xuất 3 hướng giải quyết. Đó là nếu được Quốc hội cho phép thì chuyển toàn bộ số hộ kinh doanh này sang bảo hiểm bắt buộc để đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Với những trường hợp không muốn hoặc không có nhu cầu thì có thể chuyển sang bảo hiểm tự nguyện. Còn trường hợp cả người lao động lẫn cơ quan không đồng ý thì thoái thu, việc tính lãi ít nhất phải tính bằng tăng trưởng mà Quỹ bảo hiểm đã và đang sử dụng để tăng trưởng.
“Quan điểm của cá nhân tôi là phải đặt quyền lợi, lợi ích của người lao động lên hàng đầu, đồng thời nên khuyến khích và điều chỉnh chính sách để chuyển sang bảo hiểm bắt buộc là tốt nhất cho người lao động, nhằm đảm bảo về già họ có lương hưu và có cuộc sống ổn định”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang đề xuất mở rộng đối tượng chủ hộ kinh doanh (có đăng ký kinh doanh) tham gia và thụ hưởng đầy đủ các chế độ của bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Hiện nay, cả nước có hơn 5,1 triệu hộ kinh doanh cá thể, gấp 6 lần số lượng doanh nghiệp. Và theo số liệu cơ quan thuế quản lý thì cả nước có hơn 1,7 triệu lượt hộ nộp thuế. Tuy nhiên, hiện nay nhóm này chưa thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; chỉ có rất ít chủ hộ kinh doanh cá thể hiện đang tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.