Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh; kiểm soát, ngăn ngừa tình trạng sở hữu chéo và thao túng trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng của cán bộ; siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, …là những chính của nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 6/2017 vừa được Chính phủ ban hành.
Theo nghị quyết, bên cạnh những kết quả tích cực của nền kinh tế 6 tháng đầu năm, tình hình kinh tế - xã hội còn nhiều tồn tại, hạn chế. Việc phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công chậm. Sản xuất công nghiệp tăng chậm, trong đó ngành khai khoáng giảm mạnh. Cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước chưa đạt mục tiêu đề ra. Tình trạng ô nhiễm môi trường, chặt phá rừng, khai thác khoáng sản, cát sỏi trái phép; tai nạn giao thông, cháy nổ nghiêm trọng và trật tự an toàn xã hội ở một số địa bàn diễn biến phức tạp.
Do vậy, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải chủ động, linh hoạt hơn nữa trong điều hành, nỗ lực phấn đấu hoàn thành mục tiêu năm 2017, đặc biệt là mục tiêu tăng trưởng đã đề ra của từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương, coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm và trách nhiệm của người đứng đầu, tạo chuyển biến tích cực trong 6 tháng cuối năm 2017.
Trong đó, các bộ, ngành, địa phương phải tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp; tập trung đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo chuyển động thực sự từ Trung ương đến cơ sở để phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn, nhanh hơn, thân thiện hơn; tăng cường lắng nghe, đối thoại với người dân, doanh nghiệp; tiếp tục thực hiện hiệu quả việc tiếp nhận, trả lời kiến nghị của người dân và doanh nghiệp trên cổng thông tin điện tử Chính phủ.
Phân cấp mạnh mẽ cho chính quyền địa phương, phát huy tính chủ động, sáng tạo, phù hợp với đặc thù địa phương gắn với trách nhiệm. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng của cán bộ, công chức, viên chức.
Chính phủ yêu cầu phải bảo đảm sự hài hòa giữa tốc độ và chất lượng tăng trưởng; tập trung giải quyết các nút thắt, đặc biệt là thủ tục hành chính, giải ngân vốn đầu tư công, vay vốn tín dụng, giải phóng mặt bằng; tích cực khai thác tiềm năng, thế mạnh, dư địa tăng trưởng trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương; các vùng kinh tế trọng điểm.
Nâng cao chất lượng công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, cắt giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp và hoạt động sản xuất, kinh doanh, không tạo khoảng trống pháp lý, không chồng chéo, mâu thuẫn.
Đáng chú ý, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tăng cường kiểm soát, ngăn ngừa tình trạng sở hữu chéo và thao túng trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; kịp thời xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm; có giải pháp giảm lãi suất cho vay đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên.
Bộ Tài chính siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách, triệt để tiết kiệm, chống lãng phí; cơ cấu lại ngân sách, xử lý nợ công theo tinh thần Nghị quyết của Bộ Chính trị; chống thất thu thuế, nhất là đối với hộ khoán, hộ kinh doanh cá thể.
Rà soát, sửa đổi các quy định về quản lý thuế, hải quan theo hướng liên thông để giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp; chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan rà soát các loại phí, lệ phí để cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, nhất là phí vận tải; thúc đẩy phát triển mạnh mẽ thị trường chứng khoán, sớm đưa thị trường chứng khoán phái sinh vào hoạt động.
Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Công Thương tập trung triển khai các giải pháp phát triển thị trường trong nước; đẩy mạnh tiêu dùng nội địa; theo dõi chặt chẽ tình hình nhập khẩu, xây dựng các biện pháp hàng rào kỹ thuật phù hợp với cam kết quốc tế để kiểm soát nhập khẩu, bảo vệ sản xuất trong nước.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với thị trường tiêu thụ; tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành chăn nuôi, nhất là việc tiêu thụ thịt lợn, gia cầm; theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, chủ động phương án phòng, chống thiên tai.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tăng cường hoạt động xúc tiến, quảng bá liên kết vùng, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, phấn đấu năm 2017 thu hút từ 13 - 15 triệu khách du lịch quốc tế; rà soát các lễ hội, tăng cường quản lý, chấn chỉnh các hoạt động có tính bạo lực, bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate